Thảm trạng nhân đạo bi thảm tại Ucraina

Des femmes en larmes à Gaza devant les décombres causés par des bombardements | AFP or licensors

Theo phúc trình của Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc, công bố ngày 05 tháng Ba vừa qua, tình hình nhân đạo tại Ucraina tiếp tục ở mức độ thê thảm: khoảng 40% dân chúng tiếp tục cần được nâng đỡ về nhân đạo và bảo vệ, nhưng khả năng tài chánh chỉ có thể đáp ứng 13% nhu cầu.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đối với nhiều người, đây là kinh nghiệm đầu tiên về chiến tranh và tị nạn. Tuần này là kỷ niệm mười năm bắt đầu chiến tranh tại miền Đông Ucraina. Hiện nay, gần 6 triệu 500.000 người Ucraina đang tị nạn tại nước ngoài, trong khi đó 3,7 triệu người tản cư trong nội địa nước này.

Phúc trình cho biết hai năm sau chiến tranh rộng lớn, 65% người Ucraina tị nạn ra nước ngoài và 72% những người tản cư nội địa mong ước có thể trở về nhà vào một ngày nào đó. Nhưng tỷ lệ này giảm bớt, vì nhiều người tỏ ra không chắc chắn vì chiến tranh vẫn đang tiếp diễn.

Phúc trình của Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc mang tựa đề: “Cuộc sống bị ngưng lại: ý hướng và viễn tượng của những người tị nạn, những người hồi hương và di tản trong nội địa Ucraina”. Phúc trình và nghiên cứu này dựa trên các cuộc phỏng vấn khoảng 9.900 gia đình Ucraina tị nạn, tản cư nội địa và những người từ trong và ngoài nước trở lại gia cư của họ: tỷ lệ những người Ucraina tị nạn hy vọng trở về nước giảm bớt so với thời kỳ cách đây một năm, tức là từ 77 xuống còn 65%. Cùng xu hướng như vậy đối với những người di tản nội địa về vấn đề có thể trở lại gia cư của họ hay không, từ 84% xuống còn 72%.

Cuộc điều tra cho thấy ưu tiên của những người liên hệ được hỏi là sửa chữa lại nhà của họ ở Ucraina làm sao để họ có thể ở lại gia cư của họ. Cho đến nay đã có hơn 27.500 nhà được sửa chữa.

Cuộc khủng hoảng của người tị nạn Ucraina phần lớn do sự chia cách gia đình ở mức độ rộng lớn. Nhiều người nam Ucraina ở lại trong nước, với những khó khăn đi kèm đối với người buộc lòng phải rời bỏ nước và người còn ở lại, họ không được sự nâng đỡ của gia đình. Phúc trình này cho thấy rằng sự đoàn tụ gia đình là một trong những nhân tố thúc đẩy người tị nạn trở về nhà luôn. Một số lớn những người tị nạn trở về Ucraina trong một thời gian ngắn - khoảng 50% so với 39% hồi năm ngoái và cũng với mục đích kiểm điểm tài sản của họ và nhất là viếng thăm thân nhân. Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc khuyên các nước tiếp cư hãy duy trì một thái độ uyển chuyển đối với những người Ucraina tị nạn, đối với những cuộc viếng thăm quê hương dưới ba tháng và làm sao để qui chế pháp lý tị nạn của họ với các quyền lợi đi kèm tại nước tiếp cư, không bị ảnh hưởng vì những chuyến về thăm gia đình như vậy. Sự bảo vệ và những nhu cầu của người tị nạn phải được bảo đảm cho đến khi họ tự ý hồi hương, trong an ninh và phẩm giá.

(Sir 4-3-2024)