Phỏng vấn Đức Hồng y Parolin về thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Việt Nam

Photo: Vatican Media

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, hôm 28 tháng Bảy vừa qua, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, gọi việc ký kết thỏa thuận vừa qua giữa Tòa Thánh và Việt Nam, hôm 27 tháng Bảy trước đó “không phải chỉ là một mục tiêu, nhưng là một khởi đầu mới.”


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Hồng y đã nhắc lại quá trình về mối tương quan giữa Tòa Thánh và nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong 34 năm qua, tức là từ hồi năm 1989, khi Đức Hồng y Roger Etchegaray, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, thực hiện một cuộc viếng thăm chính thức tại Việt Nam. Sau đó là thói quen hằng năm có một phái đoàn Tòa Thánh sang viếng thăm, tiếp xúc với chính phủ, và cũng để gặp gỡ các cộng đoàn giáo phận. Năm 1996 thì bắt đầu các cuộc thảo luận để xác định cách thức làm việc liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục.

Đức Hồng y Parolin nói: “Tôi đã có một kỷ niệm rất đẹp về các cuộc viếng thăm ấy, khi tôi có nhiệm vụ thực hiện các chuyến đi trong tư cách là Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh”.

“Tháng Mười Hai năm 2009, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết đến Vatican để gặp Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI. Rồi sau đó, một nhóm làm việc chung, hay cũng gọi là “Tổ Công tác chung” giữa Việt Nam và Tòa Thánh được thành lập, mở đường cho việc bổ nhiệm một vị đại diện Tòa Thánh không thường trú, với căn cứ ở Singapore và vị đầu tiên là Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, được bổ nhiệm ngày 13 tháng Giêng năm 2011”.

Về Văn bản thỏa thuận mới đạt được giữa Tòa Thánh và Việt Nam, Đức Hồng y Parolin cho biết “với thời gian nghiên cứu và trao đổi, hai bên đã tìm ra một giải pháp chung mà chúng ta có thể định nghĩa là “res nova in iure”, một thực tại trong luật pháp. Thưc vậy, vị Đại diện thường trú của Tòa Thánh được kêu gọi tạo điều kiện cho sự hiệp thông giữa Tòa Thánh và Giáo hội địa phương, đồng thời trợ giúp và nâng đỡ Giáo hội địa phương trong mọi thành phần, tham gia vào các buổi cử hành và các sáng kiến. Về những khía cạnh mà chúng ta có thể định nghĩa là dân sự, vị Đại diện thường trú của Tòa Thánh, giống như trường hợp các vị Sứ thần Tòa Thánh, có nhiệm vụ củng cố các mối tương quan thân hữu giữa Tòa Thánh và chính phủ Việt Nam, và có thể tham dự các cuộc gặp gỡ bình thường của ngoại giao đoàn, cũng như các buổi tiếp kiến, và có những cuộc gặp gỡ riêng với các nhà ngoại giao, luôn luôn trong sự tôn trọng luật pháp của quốc gia và trong tinh thần tín nhiệm nhau, quan hệ song phương tốt đẹp như cho đến nay. Tất cả những điều đó, như Thông cáo chung đã nói, làm sao để vị Đại diện thường trú của Tòa Thánh có thể là một “cây cầu” để cải tiến thêm những mối tương quan giữa Việt Nam và Tòa Thánh.

Trả lời câu hỏi về tương lai mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh, Đức Hồng y Quốc vụ khanh, nói rằng:

“Một khía cạnh luôn gây cho tôi ấn tượng tích cực về dân tộc Việt Nam, có lẽ đó là điều tôi đã được cảm thấy từ nhỏ nơi nguyên quán của tôi, đó là sự cần cù khiêm tốn. Trong các tiếp xúc, tôi có thể cảm nguyện một năng khiếu sâu sắc đối với công việc, không những công việc chân tay, nhưng được hiểu như một sự dấn thân trong tất cả những gì họ làm. Đặc tính ấy lẽ ra có thể tạo ra sự tự phụ, trái lại, người Việt Nam luôn giữ một thái độ khiêm tốn và tôn trọng, kể cả hãnh diện, có khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh, như cây tre, có thể cong lại nhưng không bị gãy. Tại sao có phần dẫn nhập như vậy? Vì tôi cho rằng tương lai kêu gọi chúng ta tiếp tục cùng bước đi, không tự phụ đòi hỏi hoặc vội vã đạt một mục tiêu nào khác, nhưng với thái độ sẵn sàng của người muốn trao đổi, đối chiếu để tìm ra điều tốt đẹp hơn. Sự thỏa thuận không phải chỉ là một mục tiêu, nhưng là một sự khởi đầu mới, trong dấu chỉ tôn trọng nhau và tín nhiệm nhau”.

(Vatican News 28-7-2023)