Phát biểu của Đức Hồng y Parolin tại Liên Hiệp Quốc về Đức Giáo hoàng Lêô XIV

Il cardinale segretario di Stato Pietro Parolin all'Onu | Vatican News
Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tuyên bố rằng: “Đức Giáo hoàng Lêô XIV mời gọi chúng ta theo đuổi một chính sách ngoại giao gặp gỡ. Ước gì chúng ta có thể cùng nhau đáp lại lời mời gọi của Đức Giáo hoàng và trở thành người gieo vãi hòa bình lâu bền trong lịch sử, chứ không phải là những người gặt hái các nạn nhân”.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Hồng y Parolin bày tỏ lập trường trên đây, trong một buổi tiếp tân do Phái bộ quan sát thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York tổ chức, nhân dịp cuộc bầu cử Giáo hoàng. Đức Hồng y nói: Dưới sự hướng dẫn của Đức Lêô XIV, Tòa Thánh dấn thân hoạt động cạnh các đại diện dân nước “để thăng tiến phẩm giá con người và bảo vệ những người dễ bị tổn thương, xây dựng những nhịp cầu tại những nơi mà nếu không có thể sự nghi kỵ nhau sẽ trổi vượt”.

Đức Hồng y Parolin là nhân vật thứ hai tại Tòa Thánh, sau Đức Giáo hoàng. Ngài nhận xét rằng “Việc bầu Đức Giáo hoàng mới là một cơ hội để canh tân, không những cho các tín hữu Công giáo, nhưng còn có cho tất cả những người đang tìm kiếm một thế giới công bằng hơn, liên đới và an bình hơn”.

Đức Hồng y Parolin cũng nói rằng: Trong một thế giới bị chia rẽ, xung đột và có những vấn đề cấp thiết trên thế giới, từ sự thay đổi khí hậu cho đến di cư, trí tuệ nhân tạo, Đức tân Giáo hoàng nhắc nhở chúng ta hãy theo đuổi đường lối ngoại giao gặp gỡ, có nghĩa là “một chính sách ngoại giao lắng nghe khiêm tốn, hành động với lòng cảm thương và tìm kiếm công ích trên mọi sự khác. Vì thế, Tòa Thánh tái khẳng định sự hỗ trợ không lay chuyển đối với sứ mạng của Liên Hiệp Quốc để tổ chức này là một diễn đàn, trong đó các nước dấn thân trong đối thoại, làm nổi bật những tiếng nói của các dân tộc liên hệ và tại đó người ta tìm ra những giải pháp cho các thách đố to lớn nhất của nhân loại”.

Trong lời kết, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhìn nhận vai trò quan trọng của các nhà ngoại giao và đại diện của các quốc gia trong việc kiến tạo sự cộng tác quốc tế, thăng tiến hòa bình và công lý, thường đứng trước những tình trạng rất phức tạp. Tòa Thánh muốn góp phần vào sứ mạng này, cống hiến tiếng nói luân lý bênh vực những người nghèo và túng quẫn, và để theo đuổi hòa bình cũng như sự phát triển con người toàn diện.

(Vatican News 20-5-2025)