Nhà nước Trung Quốc ngày càng áp lực đòi các linh mục đăng ký nhập Hội yêu nước

Hôm 26 tháng Năm vừa qua, hãng tin Công giáo Asia News của Hội Giáo hoàng Truyền giáo hải ngoại Milano, cho biết các linh mục hầm trú tại Trung Hoa ngày càng bị sức ép của nhà nước đòi phải đăng ký gia nhập Hội Công giáo yêu nước.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Hãng tin Asia News đã nhận được thư của một linh mục hầm trú, nhân ngày cầu nguyện cho các tín hữu Công giáo tại Trung Hoa, ngày 24 tháng Năm, do Đức Cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI thiết lập hồi năm 2007 để liên đới với Giáo hội Công giáo tại nước này. Sức ép này càng mạnh mẽ hơn tại những miền ở Trung Quốc, nơi có các cộng đoàn Công giáo hầm trú đông đảo.
Trong thư, vị linh mục hầm trú giải thích rằng việc đăng ký gia nhập Hội Công giáo yêu nước không phải là một hành vi hình thức, nhưng là một vấn đề rất cụ thể đối với việc thi hành mục vụ. Những khó khăn này cũng liên hệ tới cuộc sống của linh mục.
Sau đây là một số vấn đề được linh mục này kể lại trong bức thư dài:
Khi một giáo sĩ chính thức đăng ký gia nhập hội này, một cơ quan được nhà nước chính thức nhìn nhận, thì được công nhập “quy chế hợp pháp” trên bình diện mục vụ cũng như lương tâm”, nhưng về phương diện này, linh mục phải đương đầu với một loạt các thách đố phức tạp.
Trước tiên là xung đột trong lương tâm. Giáo hội Công giáo nhấn mạnh “tự do lương tâm” và sự “trung thành” với đức tin. Gia nhập Hội yêu nước, có nghĩa là chấp nhận sự lãnh đạo của một tổ chức bị Giáo hội hoàn vũ nghi ngờ.
Đối với một số linh mục, đăng ký gia nhập hội yêu nước là một thỏa hiệp với quyền bính chính trị, tạo nên một cảm thức tội lỗi vì phản bội đức tin, sự phản bội này tích lũy với thời gian.
Sự mơ hồ trong việc hiệp thông với Đức Thánh cha
Mặc dù Đức Giáo hoàng Phanxicô, vì những lý do mục vụ, đã chấp nhận sự hợp pháp của một số “giám mục có đăng ký”, hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc không buộc các linh mục phải đăng ký gia nhập Hội Công giáo yêu nước.
Sau khi đăng ký, một số linh mục có thể bị hiểu lầm là “không còn trung thành với Tòa Thánh”, và tình trạng này tạo nên một vùng “tranh tối tranh sáng” trong căn tính Giáo hội của họ.
Tiếp đến, với sự đăng ký, không gian mục vụ được mở rộng, nhưng có rất nhiều hạn chế.
Các buổi cử hành công cộng đều bị kiểm soát. Các linh mục ấy có thể cử hành thánh lễ, giảng và cử hành các bí tích trong các thánh đường được nhà nước phê chuẩn. Nhưng nội dung các bài giảng phải tránh những đề tài nhạy cảm, như quyền bính của Đức Thánh cha, Giáo hội hoàn vũ, những cuộc bách hại tôn giáo và tình trạng Giáo hội hầm trú.
Các thánh đường thường bị gắn máy thu hình và nhân viên nhà nước có thể chứng kiến hoặc thậm chí can thiệp trong lúc linh mục giảng dạy.
Tự do hành chánh bị giới hạn: Tổ chức các biến cố, các khóa huấn luyện, bồi dưỡng, các lớp giáo lý cho người trẻ, đều phải xin phép nhà nước.
Không thể tự do thành lập các chủng viện hoặc các nhóm huấn luyện ơn gọi. Các tín hữu phải được phép chính thức để thi hành vai trò giảng thuyết hoặc thuyết trình, giới hạn sự cộng tác mục vụ với giáo dân.
Cần liên tục gia hạn những giấy chứng nhận, và điều này tạo nên sự căng thẳng tinh thần cho giáo sĩ.
Một vấn đề khác nữa là sự mất tín nhiệm của cộng đoàn tín hữu: Các tín hữu hầm trú có thể coi các linh mục gia nhập Hội Công giáo yêu nước Trung Quốc là những người thỏa hiệp, là những người thất bại. Mạng các tín hữu thân tín có thể bị tan vỡ, làm thương tổn sự liên tục mục vụ.
(Asia News 26-5-2025)
Trực tiếp
