Người dân Tỉnh Papua ở Indonesia hy vọng nơi cuộc viếng thăm của Đức Thánh cha

Children are seen in a camp for displaced people in conflict-torn Papua region of Indonesia. | Photo: Human Rights Monitor
Những người tranh đấu cho nhân quyền, tại Tỉnh Papua, thuộc Indonesia hy vọng, nhờ cuộc viếng thăm sắp tới của Đức Thánh cha Phanxicô tại nước này, dự kiến từ ngày 02 đến ngày 06 tháng Chín, dư luận quốc nội và quốc tế sẽ quan tâm tới thảm trạng và những vụ vi phạm nhân quyền tại Papua.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Tỉnh Papua rộng hơn 82.000 cây số vuông, nhưng dân số chỉ có hơn một triệu người, thuộc chín bộ tộc khác nhau. Tỉnh này giáp giới với nước Papua New Guinea và là nơi, mặc dù có nhiều khoáng sản, và đa số dân là tín hữu Kitô, nhưng lại là miền nghèo nhất và kém phát triển nhất ở Indonesia.

Từ hàng chục năm nay, bà Yuliana Langowuyo, 40 tuổi, đã cộng tác với Văn phòng Công lý, Hòa bình và sự toàn vẹn thiên nhiên, thuộc Gia đình Dòng Phanxicô, để hoạt động bênh vực nhân quyền tại Papua. Bà nói rằng: “Các tín hữu Công giáo tại Papua đang phải một mình đương đầu với những vụ vi phạm các quyền con người, và không có sự quan tâm của dư luận, kể cả từ phía Giáo hội. Tôi không hy vọng Đức Thánh cha sẽ đích thị nói về các vấn đề của Papua, nhưng tôi mong ngài nhắc đến Papua trong kinh nguyện, hoặc khi nói chuyện với các vị lãnh đạo.”

Tỉnh Papua trước kia là thuộc địa của Hòa Lan cho đến năm 1945. Nhưng sau khi chế độ thực dân tại đây chấm dứt thì lại bị Indonesia sáp nhập vào năm 1961, với sự hỗ trợ của Mỹ, mặc dù nhiều người Papua mong ước được độc lập. Tình trạng này khiến cho một số người nổi dậy đấu tranh và đối lại, đã có các biện pháp đàn áp mạnh mẽ của quân đội Indonesia làm cho hàng ngàn người chết và tạo nên các cuộc tản cư trong các thập niên qua.

Papua có nhiều quặng mỏ, đặc biệt mỏ vàng thuộc vào hàng giàu nhất thế giới, cũng như các nguồn khí đốt tự nhiên, khoáng sản, gỗ và dầu dừa, nhưng tiếp tục là một miền thuộc hàng nghèo nhất nhất nước.

Bà Yuliana cho biết “hiện nay vẫn xảy ra những vụ bắn giết, ảnh hưởng trên an ninh của các thường dân, trong khi hàng trăm ngàn người vẫn sống trong tình trạng di tản”. Từ tháng Chín năm 2021 đến nay, có ít nhất 732 người bị giết và 60.600 người di tản trong sáu miền của Papua (Maybrat, Gunung Bintang, Nduga, Intan Jaya, Yahukimo và Puncak Regency), theo phúc trình của Tổ chức Quan sát về Nhân quyền (Human Rights Monitor), hồi tháng Mười Hai năm ngoái.

(Ucanews)