Ngoại trưởng Tòa Thánh nói về các vấn đề thời sự trên thế giới

Đức Tổng giám mục Paul Gallagher | Vatican News

Trong cuộc phỏng vấn dài dành cho chương trình tin tức TG1 của Đài Truyền hình RAI-1 ở Ý, truyền đi tối ngày 26 tháng Ba vừa qua, Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng giám mục Paul Gallagher, tái kêu gọi giải pháp “hai quốc gia cho hai dân tộc” cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, đồng thời cổ võ các cuộc thương thuyết để ngưng các cuộc chiến.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Tổng giám mục Gallagher đi từ tình trạng thê thảm và kinh khủng ở Gaza, để tái khẳng định giải pháp vừa nói cho tương lai của Israel và Palestine. Giải pháp này đòi phải có những cố gắng và hy sinh đã được đề nghị từ lâu, nhưng đường như đã bị bãi bỏ. Trái lại, hiện nay nó lại được nói đến rất nhiều trong cộng đồng quốc tế. Tình trạng này mang lại một chút hy vọng. Đức Tổng giám mục nói: “Tòa Thánh vẫn luôn tiếp tục nhấn mạnh giải pháp này. Nhưng đối với nhiều người, họ cho rằng đó là điều không thể được. Bây giờ chúng ta đang thấy có những khó khăn lớn tại miền Cisjordani, vấn đề tương lai của chính miền Gaza, nhưng ít nhất ngày nay, người ta thấy cần phải tìm kiếm một giải pháp chính trị”.

Về miền Cisjordani, vẫn còn vấn đề rất lớn là những thực dân Israel đến chiếm đất và định cư tại miền này của Palestine, có lẽ đó là vấn đề lớn nhất cần phải giải quyết trong tương lai để ngăn chặn xung đột. Không có những giải pháp “huyền nhiệm”, xét vì con số rất lớn những người sống rải rác tại miền này và những mối quan hệ căng thẳng [giữa những người Palestine và những người Israel đến định cư] tại đây; cả trong trường hợp này, con đường phải đi là “nói chuyện và đối thoại với cả chính quyền Israel và tìm những giải pháp mưu ích cho tất cả mọi người”.

Miền Gaza

Về nghị quyết vừa qua của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu ngưng chiến tại Gaza, Đức Tổng giám mục Gallagher gọi đó là “một sứ điệp mạnh mẽ” và ngài nhắc lại những lời của Đức Thánh cha nhấn mạnh việc trả tự do cho các con tin, đưa các đồ cứu trợ nhân đạo cho dân Gaza và ngưng chiến. Hiện thời, việc ngưng chiến này dường như là không có thể. Nhưng vẫn phải làm việc để võ khí im tiếng, không phải trong vài tháng, nhưng ngay trong những ngày này. Chắc chắn là một trang mới đã được mở ra với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, được thông qua nhờ sự bỏ phiếu trắng của Mỹ. Theo Đức Tổng giám mục Ngoại trưởng, biến cố này là “một sứ điệp, một dấu hiệu rất mạnh và là dấu chỉ cho thấy chính phủ Mỹ không thể luôn luôn tiếp tục lập trường như cho đến nay, dùng quyền phủ quyết để chặn đứng mọi hoạt động của Liên Hiệp Quốc”. Thực vậy, nghị quyết chứng tỏ rằng “lập trường của đại đa số các nước trong Liên Hiệp Quốc là chấm dứt với cuộc chiến tranh này, mang lại hòa bình, cứu vãn những gì còn có thể cứu được”.

Về thảm trạng các con tin Israel trong tay Hamas, Đức Tổng giám mục Gallagher xác nhận có những tiếp xúc khác nhau của thân nhân các con tin. “Họ xin Tòa Thánh giúp đỡ và chúng tôi tìm cách làm tất cả những gì có thể”.

Về lực lượng Hamas, Ngoại trưởng Tòa Thánh khẳng định rằng tổ chức khủng bố không có tương lai như một thực thể chính trị. Cả Hamas cũng phải từ bỏ chủ trương hủy diệt quốc gia Israel. Họ phải quan tâm rất nhiều đến thiện ích của dân tộc Palestine. Đức Tổng giám mục cũng nói rằng “cần đổi mới các cơ chế Palestine và lắng nghe nhiều hơn ý muốn của dân về tương lai và ước muốn của họ có thể được biểu lộ quyền tự quyết qua các lá phiếu.

Ucraina

Về Ucraina và lời kêu gọi thương thuyết mà Đức Thánh cha Phanxicô mới nhắc lại, Đức Tổng giám mục Gallagher minh xác rằng: “Đức Giáo hoàng luôn nói các cuộc chiến đều kết thúc trên các bàn thương thuyết. Tôi tin rằng Đức Giáo hoàng muốn khuyến khích phía Ucraina đối thoại vì thiện ích của đất nước. Đồng thời tôi tin rằng Tòa Thánh luôn có lập trường rất rõ ràng với phía Nga, và kêu gọi họ hãy gửi những tín hiệu theo nghĩa đó, bắt đầu bằng cách ngưng phóng tên lửa vào lãnh thổ Ucraina. Cuộc xung đột, vũ trang và tất cả những xung đột hằng ngày phải chấm dứt”.

(Vatican News 26-3-2024)