Liên Hiệp Quốc: Mỗi ngày 11 trẻ em chết trên đường vượt biên vào Âu châu
Theo tổ chức Nhi đồng quốc tế, Unicef, từ đầu năm đến nay, có ít nhất 289 trẻ em chết hoặc mất tích trên đường từ Bắc Phi vượt Địa Trung Hải để tìm cách vào Âu châu, bình quân có 11 trẻ em chết hoặc mất tích mỗi ngày.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Từ năm 2018, theo Unicef, có khoảng 1.500 trẻ em đã chết hoặc mất tích như thế. Con số này tương ứng với một phần năm tổng số 8.274 người chết hoặc mất tích trên đường vượt biên, theo các dữ kiện của “Chương trình Những người di dân mất tích” của Tổ chức quốc tế về di dân, OIM.
Nhiều vụ đắm tàu trong khi vượt biên qua miền trung của Địa Trung Hải không có người nào sống sót, những vụ ấy không được đăng ký, khiến người ta không thể kiểm chứng trong thực tế con số trẻ em bị thiệt mạng. Trong những tháng gần đây, các trẻ em và các hài nhi sơ sinh cũng thuộc vào số những người mất mạng trên tuyến đường khác vượt qua Địa Trung Hải và tuyến đường miền tây Phi châu qua Đại Tây Dương, kể cả những thảm trạng gần đây ở ngoài khơi Hy Lạp và quần đảo Canarie thuộc Tây Ban Nha.
Tổng giám đốc tổ chức Unicef, bà Catherine Russell, tuyên bố rằng: “Trong toan tính tìm kiếm an ninh, đoàn tụ gia đình và một tương lai hy vọng hơn, quá nhiều trẻ em được đưa xuống thuyền ở ngoài khơi Địa Trung Hải, rồi bị mất mạng hoặc bị mất tích trong hành trình. Đó là một dấu hiệu cho thấy rõ ràng cần phải làm hơn nữa để kiến tạo những con đường chắc chắn và hợp pháp để các trẻ em được hưởng quyền tị nạn, đồng thời củng cố những hành động để cứu vớt các sinh mạng trên biển cả. Xét cho cùng, cần làm rất nhiều để đương đầu với những nguyên nhân cội rễ khiến cho các trẻ em bị nguy cơ mất mạng”.
Theo Unicef, có 11.500 trẻ em, bình quân 428 em mỗi tuần, từ Bắc Phi đến được bờ biển nước Ý, kể từ tháng Giêng năm nay. Con số này nhiều gấp đôi so với cùng thời kỳ trong năm ngoái, 2022, mặc dù có những rủi ro trầm trọng mà các trẻ em gặp phải. Phần lớn khởi hành từ Libya và Tunisi, sau khi trải qua những hành trình nguy hiểm từ các nước Phi châu và Trung Đông.
Trong ba tháng đầu năm nay, có 3.300 trẻ em, tức là 71% tổng số các trẻ em, đến Âu châu, qua con đường vừa nói, các em được đăng ký như những trẻ vị thành niên không có cha mẹ hoặc người giám hộ cùng đi, khiến các em dễ bị bạo hành, hãm hiếp, bóc lột và lạm dụng. Các trẻ nữ đi một mình đặc biệt bị bạo hành trước, trong khi và sau cuộc du hành.
(Unicef.it 20230714)