Kỷ niệm ba năm Đức Thánh cha viếng thăm Irak

Photo: Vatican News

Cách đây ba năm, Đức Thánh cha Phanxicô đã viếng thăm Irak lần đầu tiên, từ ngày 05 đến ngày 08 tháng Ba năm 2021 và đã mang lại niềm hy vọng lớn cho các tín hữu Kitô tại nước này, sau thảm trạng tàn phá của Nhà nước Hồi giáo IS.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican về biến cố này, Đức cha Michael Najeen, thuộc Giáo hội Công giáo Canđê, Tổng giám mục Giáo phận Mosul và Arka, nhắc lại rằng Đức Thánh cha đã đến viếng thăm miền Ur, quê hương của tổ phụ Abraham, thăm vùng Karakosh là vùng tập trung đông đảo nhất các tín hữu Kitô, cũng như tại thành phố Mosul, vốn là thành phố lớn thứ hai tại Irak sau thủ đô Baghdad, và cũng gần thành Erbil, thuộc miền Kurdistan. Đó là những vùng bị Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng và tàn phá.

Qua cuộc viếng thăm này, Đức Thánh cha muốn củng cố cộng đoàn Kitô Irak và hai năm sau khi ký Tuyên ngôn về tình huynh đệ nhân loại với Đại Imam Ahmad al-Tayyeb, của Đền thờ Hồi giáo Al Azhar, thủ lãnh tinh thần của 900 triệu tín hữu Hồi giáo Sunnit, ngài đã gặp gỡ thủ lãnh Hồi giáo Shiite ở Irak, Ayatollah al-Sistani, cuộc gặp gỡ này được coi là bước tiến thứ hai để xây dựng tình huynh đệ với Hồi giáo. Hồi giáo Shiite chiếm tới 60 hoặc 65% nhân dân Irak.

Trong bối cảnh trên đây, việc hồi hương của các tín hữu đã rời khỏi Irak sau cuộc bách hại, tuy đã có nhiều tiến bộ, nhưng Đức Tổng giám mục Giáo phận Mosul cho biết nhiều tín hữu Kitô vẫn còn do dự vì sự hiện diện của nhiều nhóm dân quân Hồi giáo ở vùng bình nguyên Ninive. Dầu vậy, nhìn lại chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha, người ta phải nhìn nhận hoạt động của ngài thực sự đã mang lại sự an ủi cho cộng đồng Kitô, khích lệ các tín hữu trở về quê hương của mình, dù rằng sự việc không phải là điều đơn giản và dễ dàng.

Theo Đức Tổng giám mục Najeen, ngày nay vẫn còn những vụ bách hại của các nhóm dân quân đối với các tín hữu Kitô, vẫn còn có những xung đột giữa quân đội, chính quyền trung ương và nhiều nhóm võ trang. Đức Tổng giám mục nói: “Chúng tôi là nạn nhân của các căng thẳng đó. Phần lớn Kitô hữu vẫn không có gia cư, nhà cửa của họ đã bị phá hủy hoặc đốt cháy. Họ nói là đã mất mọi sự và không sẵn sàng bị mất một lần nữa. Các gia đình đó không muốn cư ngụ tại những vùng không có an ninh và nơi mà chính quyền không thể kiểm soát được”.

(Vatican News 2024-03-07)

Tags