Kỷ niệm 60 năm Sứ bộ Quan sát thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc

© UN Photo/Amanda Voisard

Tháng Ba này là kỷ niệm 60 năm thành lập Sứ bộ Quan sát thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Ngày 21 tháng Ba năm 1964, Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận đơn xin của Tòa Thánh về quy chế này: từ đó, Tòa Thánh có Quan sát viên thường trực tại Trụ sở trung ương của Liên Hiệp Quốc ở New York, rồi tại Genève, Thụy Sĩ, Vienne, bên Áo, và Nairobi và một số nơi khác.

Với quy chế này, Sứ bộ Tòa Thánh được nhận các văn kiện, tài liệu cũng như tham dự hầu hết các phiên họp của Liên Hiệp Quốc, và qua đó có thể có ảnh hưởng ngoại giao trên các thành viên.

Quy chế Quan sát viên thường trực cũng miễn cho Tòa Thánh khỏi phải tham gia các đội quân bảo hòa Mũ Xanh. Ngoài ra, hiệp định Laterano năm 1929 cũng giúp Tòa Thánh giữ vị thế trung lập. Các cuộc chiến tranh hiện nay như tại Ucraina, cho thấy Tòa Thánh cũng giữ lập trường trung lập trong cuộc đối thoại, như một người trung gian hòa bình.

Khi Đức Giáo hoàng Phaolô VI xuất hiện ngày 05 tháng Mười năm 1965 tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, trước các vị quốc trưởng và thủ tướng của các nước trên thế giới, ngài tự giới thiệu như như một vị lãnh đạo tôn giáo và tinh thần. Tuy ngài là quốc trưởng của một quốc gia bé nhỏ, ngài là vị lãnh đạo của hàng trăm triệu tín hữu Công giáo trên thế giới. Đức Giáo hoàng nói: “Chúng tôi là những người mang một sứ điệp cho toàn thể nhân loại và chúng tôi không chỉ nói nhân danh chúng tôi hay nhân danh Giáo hội Công giáo. Giáo hội là một “chuyên gia về tất cả những gì là nhân bản”.

Công giáo là cộng đồng tôn giáo duy nhất có quy chế này. Tổ chức “Cộng tác Hồi giáo”, gọi tắt là OIZ cũng có quy chế quan sát viên, nhưng chỉ như một tổ chức, chứ không phải là một chủ thể theo công pháp quốc tế.

Trong thập niên 1990, một số tổ chức phi chính phủ đã kêu gọi tước bỏ qui chế quan sát viên thường trực của Tòa Thánh, vì Tòa Thánh không nói thay cho các công dân, nhưng cho một cộng đồng tôn giáo. Nhưng chiến dịch này không thành công và Liên Hiệp Quốc khẳng định qui chế Quan sát viên của Tòa Thánh.

Tòa Thánh thường đụng độ với các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, nhất là khi đụng tới chính sách sinh sản và phá thai. Vấn đề lạm dụng tính dục trẻ em cũng là một vấn đề nóng bỏng. Năm 2014, Ủy Ban Liên Hiệp Quốc về các quyền của trẻ em đã phê bình Tòa Thánh đáp ứng chậm trễ đối với nạn lạm dụng. Nhưng Tòa Thánh bác bỏ phúc trình của Ủy ban này như một xen mình vào nội bộ Giáo hội.

(Kathpress 13-3-2024)

Trực tiếp

Livesteam thumbnail