Đức Thượng phụ Chính thống và Đức Hồng y Quốc vụ khanh khuyến khích hòa bình

Đức Hồng y Pietro Parolin | Vatican News
Đức Thượng phụ Bartolomaios, Giáo chủ Chính thống Constantinople, và Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã tham dự Hội nghị về hòa bình Ucraina, nhóm tại khu núi Burgenstock bên Thụy Sĩ, trong hai ngày 15 và 16 tháng Sáu vừa qua.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Hội nghị do Tổng thống Zelensky xin Thụy Sĩ triệu tập và tổ chức. Trong số 160 quốc gia và tổ chức quốc tế được mời, có 92 nước tham dự, nhưng không có sự tham dự của Nga và Trung Quốc vì họ từ chối tham dự.

Tuyên bố hôm Chúa nhật, ngày 16 tháng Sáu, Đức Thượng phụ Bartolomaios nói rằng: “Bổn phận và trách nhiệm của chúng tôi là bảo vệ và thăng tiến hòa bình và thật là một điều bất hạnh khi im lặng trước sự tàn ác của chiến tranh”.

Về phần Đức Hồng y Parolin, nhân vật thứ hai tại Tòa Thánh, ngài gián tiếp ủng hộ những cuộc thương thuyết giữa hai phe lâm chiến Nga và Ucraina, và khẳng định rằng: “Chúng tôi sẵn sàng tham gia làm trung gian có thể được mọi phía chấp nhận”.

Hai vị lãnh đạo Chính thống và Công giáo ca ngợi Hội nghị hòa bình này nhưng không ký vào tuyên ngôn chung kết. Đức Hồng y Parolin chỉ tham dự Hội nghị với tư cách là quan sát viên. Theo chính phủ Thụy Sĩ, tổng cộng có 83 phái đoàn ký tên vào tuyên ngôn chung kết, kể cả Serbia, là quốc gia vốn có truyền thống giao hảo với Nga. Trong số những nước không ký tên, có Brazil, Ấn Độ, Arập Sauđi, Thái Lan, Mêhicô và Nam Phi.

Trọng tâm tuyên ngôn chung kết là tái khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ucraina, vấn đề an ninh cho các trung tâm năng lượng hạt nhân của Ucraina, thuộc hàng lớn nhất Âu châu, việc bảo vệ các tàu chở hàng hóa, và các cảng dân sự chống lại các cuộc tấn công, trao đổi các tù nhân chiến tranh và hồi hương các trẻ em Ucraina bị bắt đưa sang Nga, bất kỳ sự đe dọa hoặc sử dụng võ khí hạt nhân trong bối cảnh chiến tranh hiện nay chống Ucraina, là điều không thể chấp nhận được.

Bà Viola Amherd, Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ, nhìn nhận rằng vấn đề chủ yếu vẫn là làm sao và khi nào Nga có thể tham gia vào tiến trình hòa bình. Bà nói: “Một giải pháp lâu bền phải có sự can dự của hai bên... Hội nghị này gửi một tín hiệu rõ ràng cho nhân dân Ucraina và tất cả những người trực tiếp bị thương tổn vì chiến tranh: một phần lớn cộng đồng quốc tế muốn bắt đầu có sự thay đổi”.

Trong số các nhân vật tham dự hội nghị hòa bình Ucraina ở Thụy Sĩ, có Tổng thống Pháp và Ucraina, bà Phó Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Đức, Chủ tịch Ủy ban hành pháp của Liên hiệp Âu châu và Thủ tướng Áo.

Từ Mascơva, phát ngôn viên của điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, tuyên bố rằng: “Zelensky nên nghĩ đến đề nghị hòa bình của Tổng thống Putin, vì tình hình quân sự trở nên tồi tệ hơn. Tổng thống Nga Vladimir Putin không từ chối các cuộc thương thuyết với Ucraina, nhưng kết quả phải được chính phủ hợp pháp của Ucraina phê chuẩn. Volodymyr Zelensky không thuộc loại này”.

(Tổng hợp 16-6-2024)