Đức Hồng y Zenari: Tại Syria, bom nghèo đói giết chết hy vọng

Photo: Vatican News
Đức Hồng y Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Damasco, thủ đô Syria, báo động rằng thảm trạng của dân Syria đang đi vào quên lãng, dù rằng chiến tranh tại đây bước vào năm thứ 14.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Chúa nhật, ngày 22 tháng Chín vừa qua, Đức Hồng y Zenari đã cử hành thánh lễ tại Nhà thờ giáo xứ Đức Mẹ Ân Phúc (Santa Maria delle Grazia), ở khu Fornaci gần Vatican, là nhà thờ hiệu tòa của ngài. Trong cuộc gặp gỡ các linh mục sau thánh lễ, Đức Hồng y cho biết nhân dân Siria đã kiệt quệ và đang bước vào năm thứ 14 của chiến tranh: Chiến tranh đã giết hại hơn 500.000 người, trên 7 triệu người di tản nội địa và hơn 5 triệu người khác tị nạn sang các nước khác. Theo Liên Hiệp Quốc, 16 triệu 700.000 người dân Syria đang cần được trợ giúp nhân đạo và gần 13 triệu người ở trong tình trạng bất an lương thực trầm trọng.

Đức Hồng y Zenari nói về bao nhiêu thánh giá lớn, nhỏ, mỗi người phải vác. Ngài nhắc lại hình ảnh quá khứ, hơn một triệu người Syria phải trốn chạy chiến tranh, dưới trời mưa và trời tuyết, chỉ mang theo được những gì họ có thể: “Một con đường khổ giá dài bao nhiêu cây số”.

Một vụ khác, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, bom rơi trên thành phố Homs, và một ông từ coi nhà thờ đã hỏi cha xứ, cha Michele, xem phải chuẩn bị phụng vụ ở đâu, trong bối cảnh mọi sự bị tàn phá và các nhà thờ thì bị hư hại. Cha Michele bảo ông từ lấy một dây thật dài và kéo quanh những khu bị chiến tranh tàn phá rồi dựng một cây thánh giá ở giữa trên đó có ghi “Calvario”. Đức Hồng y nói: “Sợi dây ấy ngày nay càng dài hơn, nó dài hàng kilômét, và bao quanh cả vùng Trung Đông. Tôi đã thấy bao nhiêu tàn phá, chết chóc, các trẻ em bị cụt tay cụt chân, bao nhiêu đau khổ trong những năm giao tranh khốc liệt. Giờ đây thì quả bom nghèo đói đang nổ tung, không để cho ta thấy hy vọng nào nơi dân chúng”.

Đức Hồng y Zenari xác nhận rằng các cuộc cấm vận chống chế độ ở Syria có ảnh hưởng rất trầm trọng trên dân chúng: “Trong thời chiến tranh, còn có ánh sáng, giờ đây thì tối om bao trùm đất nước: thiếu thuốc men, lương thực, các vật dụng hằng ngày, các ngân hàng không đầu tư nữa, tài chính ngưng lại cũng như nền giáo dục. Ngày nay, một bác sĩ Siria chỉ kiếm được 20 Euro một tháng. Người ta học hành khi có thể và nghĩ đến việc xuất cư. Theo Liên Hiệp Quốc, mỗi ngày có 500 người rời khỏi Syria.”

Trong bối cảnh đó, Giáo hội đi hàng đầu trong việc cứu trợ, an ủi, mở ra mọi hoạt động ngoại giao để ngăn cản tình trạng rơi vào vực thẳm của dân chúng ở Siria”.

(Vatican News 23-9-2024)