Đức Hồng y Quốc vụ khanh viếng thăm Liban

Chiều Chúa nhật, ngày 23 tháng Sáu vừa qua, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã đến Liban để viếng thăm cho đến thứ Năm, ngày 27 tháng Sáu tới đây.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Khi đến phi trường thủ đô Beirut, Đức Hồng y đã được Ngoại trưởng Abdalah Bou Habib, cùng với Đức Sứ thần Tòa Thánh và các vị lãnh đạo các Giáo hội Kitô đón tiếp. Tuyên bố trong cuộc họp báo, Đức Hồng y Parolin cho biết ngài đến Liban trong chương trình giúp đỡ đất nước Liban và xin mọi người cầu nguyện cho ý hướng này.

Một ký giả hỏi Đức Hồng y xem điều gì đã ngăn cản Liban bầu một vị tổng thống, Đức Hồng y đáp: thật là khó trả lời câu hỏi này. Lúc này, hồ sơ này chưa được đề cập tới. “Tất cả những gì tôi có thể nói bây giờ là Tòa Thánh rất lo âu vì tình trạng hiện tại ở Liban, điều mà chúng tôi theo dõi sát sao. Tòa Thánh rất quan tâm tới vấn đề bảo tồn căn tính duy nhất của Liban ở Trung Đông”.

Đáp một câu hỏi khác: Đức Hồng y có mang theo một sáng kiến nào để giải tỏa tình trạng bế tắc trong việc bầu tổng thống tại Liban hay không, ngài nói: “Chúng tôi đã có một chương trình rõ ràng cho cuộc viếng thăm này, nhưng chúng tôi sẽ không từ nan một cố gắng nào trong mục đích giúp đỡ Liban”.

Trong cuộc viếng thăm này, Đức Hồng y Parolin gặp gỡ Thủ tướng lâm thời và Chủ tịch Quốc hội Liban, Đức Hồng y Thượng phụ Béchara Rai của Công giáo Maronite, Giáo hội địa phương, các Thượng phụ và các vị lãnh đạo tôn giáo. Đặc biệt, Đức Hồng y Quốc vụ khanh cũng thăm các cơ cấu nhân đạo, do Hội Hiệp sĩ Malta đảm trách. Các cơ cấu này giữ một vai trò quan trọng, trong tình trạng khủng hoảng xã hội và kinh tế của Liban.

Ngày 24 tháng Sáu, Đức Hồng y đã cử hành thánh lễ kính thánh Gioan Tẩy Giả, bổn mạng của Hội Hiệp sĩ Malta, có sự hiện diện của Đại sứ Hội Hiệp sĩ Malta cạnh chính phủ Liban, là bà Maria Emerica Cortese và các vị lãnh đạo chính quyền.

Hội Hiệp sĩ Malta là một thực thể quốc tế, có tương quan ngoại giao trên cấp đại sứ với gần 110 quốc gia. Từ hơn bảy mươi năm nay, hội này vẫn đi hàng đầu trong việc trợ giúp y tế cơ bản và các dịch vụ xã hội giúp dân chúng Liban, qua các dự án an ninh lương thực, thăng tiến sự phục hồi kinh tế và nâng đỡ các thành phần dân chúng dễ bị tổn thương nhất tại nước này.

Tại Liban, Hội Hiệp sĩ Malta quản trị sáu trung tâm canh nông nhân đạo. Diện tích canh tác tại nước này chiếm gần 70% lãnh thổ, và hy vọng sẽ đạt tới 75% trước cuối năm nay. Đây là một phương thức để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế của Liban, nơi mà 80% dân chúng sống trong tình trạng nghèo và ngày càng bị bất an về lương thực.

(Vatican News 23-6-2024, Icibeyrout.com 23-6-2024)

Trực tiếp

Livesteam thumbnail