Đức Hồng y Quốc vụ khanh tròn 70 tuổi
Thứ Sáu, ngày 17 tháng Giêng này, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin sẽ tròn 70 tuổi. Từ hơn mười một năm nay, ngài là nhân vật thứ hai tại Tòa Thánh, sau Đức Thánh cha.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Hồng y được giới báo chí và nhiều người nhìn nhận là một nhà ngoại giao khéo léo, với giọng nói điềm đạm, cởi mở và thân thiện, không tránh né giới báo chí, nổi bật trong các quan hệ quốc tế, kể cả trong những hoàn cảnh khó khăn với Israel và Trung Quốc. Gần đây, Đức Hồng y được Đức Thánh cha Phanxicô phái đi tham dự các hội nghị quốc tế quan trọng, như Hội nghị Thượng đỉnh của khối G-20 ở Rio de Janeiro, Brazil, Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về sự thay đổi khí hậu ở Baku, thủ đô Azerbaijan, hoặc tại những nơi xung đột, như Ucraina và Liban.
Đức Hồng y Parolin sinh trưởng tại Schiavon, thuộc tỉnh Vicenza, bắc Ý, và thụ phong linh mục năm 1980. Theo học tại Trường ngoại giao Tòa Thánh từ năm 1984 và đậu Tiến sĩ Giáo luật năm 1986, trước khi được gửi đi phục vụ tại các nhiệm sở Ngoại giao của Tòa Thánh, lần lượt tại Nigeria, Mêhicô, Tây Ban Nha và Andorra, sau đó được bộ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, từ tháng Mười Một năm 2002. Trong tư cách này, ngài đã dẫn đầu phái đoàn Tòa Thánh sang thăm và làm việc với các quan chức liên hệ của chính phủ Việt Nam, cũng như thăm Giáo hội địa phương.
Năm 2009, Đức ông Parolin được Đức Thánh cha Biển Đức XVI bổ nhiệm làm Tổng giám mục Sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela, và bốn năm sau, được Đức Thánh cha Phanxicô chọn làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh, một chức vụ được coi như tương đương với “thủ tướng” trong chính quyền dân sự.
Ngoài tiếng mẹ đẻ, Đức Hồng y Parolin thông thạo các thứ tiếng Tây Ban Nha, Pháp và Anh.
Khó khăn duy nhất về sức khỏe của Đức Hồng y Parolin được dư luận biết tới, là vụ ngài bị phẫu thuật tuyến tiền liệt hồi cuối năm 2020, nhưng chỉ vài tuần sau đó, Đức Hồng y trở lại với công việc thường lệ.
Một trong những hoạt động ngoại giao của Đức Hồng y Parolin là hiệp định âm thầm thương thuyết và ký kết tạm thời lần đầu tiên, hồi năm 2018 với nhà nước Trung Quốc, về việc bổ nhiệm các giám mục. Hiệp định này cũng bị nhiều người phê bình, nhưng được sự ủng hộ của Đức Thánh cha và đã hai lần được gia hạn.
(KAP 13-1-2025)