Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc: Con người không phải là chướng ngại cản trở phát triển

Đức Tổng giám mục Gabriele Caccia | Vatican News

Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc, Đức Tổng giám mục Gabriele Caccia, tuyên bố rằng con người là một tiềm năng cần phát triển, chứ không phải là một chướng ngại cản trở phát triển.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Tổng giám mục Caccia tuyên bố như trên, trong bài tham luận hôm 29 tháng Tư vừa qua, tại phiên họp tại Liên Hiệp Quốc, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển do Liên Hiệp Quốc triệu tập tại Cairo, thủ đô Ai Cập, hồi tháng Chín năm 1994. Đức Tổng giám mục cũng tố giác tình trạng hao mòn trong việc tôn trọng sự thánh thiêng và phẩm giá bất khả nhượng của con người.

Vị đại diện Tòa Thánh khẳng định rằng: “30 năm sau hội nghị ở Cairo, một điều thiết yếu là loại bỏ ý tưởng, theo đó sự kiểm soát sinh sản là chìa khóa của sự phát triển lâu dài, đồng thời một điều thiết yếu là bảo đảm cho tất cả mọi người, nam, nữ và trẻ em, cơ may thực hiện trọn vẹn tiềm năng của họ.”

Đức Tổng giám mục Caccia cũng nhận xét rằng mặc dù đã đạt được những tiến bộ trên thế giới, nhưng vẫn còn nhiều thách đố phải đương đầu, đặc biệt là việc theo đuổi sự xóa bỏ nghèo đói. Cả việc thực thi chương trình hành động của Hội nghị quốc tế ở Cairo cũng đã bị thu hẹp và những thảo luận bị thụt lùi, khi người ta tìm cách trình bày dân số như một vấn đề cần giải quyết. Điều này đưa tới sự cổ võ phá thai.

Thực vậy, Hội nghị ở Cairo đã thông qua một chương trình hành động, và 5 năm sau đó chương trình này được Hội nghị kế tiếp khẳng định với sự đồng thuận của đa số các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các tổ chức trợ giúp phát triển. Tuy nhiên, Tòa Thánh cũng như một số nước có đa số dân theo Hồi giáo, chỉ chấp nhận một phần chương trình hành động này, và không chấp nhận nhưng gì có liên quan tới sự khuyến khích phá thai để hạn chế dân số.

Trong bài tham luận, hôm 29 tháng Tư vừa rồi, Đức Tổng giám mục Caccia đã đề cao chương trình hành động 2030, về phát triển và chống nghèo đói, do Liên Hiệp Quốc đề ra, nhưng vẫn không chấp nhận thái độ coi dân số như một vấn đề cần giải quyết.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong thư gửi bà Chủ tịch Hội nghị ở Cairo trước khi Hội nghị bắt đầu, đã khẳng định rằng chúng ta không được coi vấn đề liên quan đến dân số theo nghĩa “những quyền về tính dục và sinh sản của mỗi cá nhân, hoặc các quyền của phụ nữ”. Ngoài ra, cũng không được giới hạn tự do của các bậc cha mẹ trong việc quyết định theo tinh thần trách nhiệm mà không phải chịu những sức ép xã hội hoặc luật pháp về số con cái của họ”. Chính phủ và các tổ chức khác không có quyền quyết định cho các đôi vợ chồng, nhưng đúng hơn có nhiệm vụ kiến tạo những điều kiện xã hội, giúp các đôi vợ chồng quyết định thích hợp dưới ánh sáng tinh thần trách nhiệm của họ”.

(KAP, Vatican News 30-4-2024)