Các tín hữu Công giáo tại Gaza không muốn rời bỏ miền này

Linh mục Gabriel Romanelli, cha sở giáo xứ Thánh Gia ở Gaza, cho biết dân chúng tại đây mỏi mệt nhưng không ai muốn bỏ ra đi.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý, truyền đi ngày 18 tháng Hai, nhân dịp niệm 500 ngày lực lượng Hamas tấn công và sát hại hơn một ngàn người Israel, tạo nên phản ứng tàn hại của Israel, cha Romanelli nói: “Tình thế thật là khó khăn. Dân chúng mệt mỏi và xuống tinh thần vì những tin tức nói rằng chiến tranh có thể tái diễn và dân chúng Gaza sẽ bị trục xuất khỏi quê hương và đất đai của họ. Dầu vậy, không ai muốn ra đi. Họ nói: chúng tôi sinh ra ở đây và chúng tôi muốn tiếp tục sống. Sự chấm dứt chiến tranh dường như vẫn còn xa”.
Ngoại trưởng Mỹ, ông Marco Rubio đến Israel, khai mạc chuyến đi đầu tiên của ông tại Trung Đông. Cha Romanelli hy vọng chuyến đi này có thể mang lại tin tích cực trong việc thực thi thỏa hiệp giữa Israel và Hamas. Các đại diện của Hamas nói rằng họ tái mong đợi Israel thực hiện hiệp định nhân đạo đã thỏa thuận, nhấn mạnh rằng việc trả tự do cho các con tin tùy thuộc Israel có tôn trọng thỏa thuận hay không. Israel không cho đưa những căn nhà lưu động hoặc các thiết bị nặng cần thiết để làm dịu bớt tình trạng của khoảng một triệu 500.000 người dân có gia cư bị tàn phá, và hiện đang phải sống lạnh lẽo trong các căn lều.
Tại giáo xứ Thánh Gia, hiện vẫn còn gần 500 người tị nạn sinh sống. Cha Romanelli nói với hãng tin Sir rằng: “Hôm qua, chúng tôi đã phân phát lương thực, nhất là trái cây và rau cỏ cho hơn năm ngàn gia đình, tức là nhiều gấp đôi so với cách đây ba tuần lễ. Nhờ lòng quảng đại của các ân nhân và cố gắng của Tòa Thượng phụ Công giáo Latinh ở Jerusalem, cũng như của Hội Hiệp sĩ Malta, chúng tôi giúp đỡ được nhiều gia đình, tất cả đều là người Hồi giáo, họ ở các khu vực gần giáo xứ và cả những miền khác nhau ở Gaza”.
“Chúng tôi đã tổ chức những địa điểm trao tặng lương thực trên khu đất của Tòa Thượng phụ, có bao nhiêu gia đình đến, sau khi nhận được tin nhắn SMS. Đó là những gia đình có những người dễ bị tổn thương và túng thiếu mà chúng tôi đã làm danh sách, họ được giúp đỡ khi có thể”.
Cha sở Romanelli cũng cho biết nhờ cuộc đình chiến, nên hàng trăm ngàn người ở Gaza có thể di chuyển từ miền nam lên miền bắc của lãnh thổ này. Nhiều người tị nạn trong khu vực giáo xứ có thể đi ra ngoài để xem nhà cửa của họ còn hay không. Hầu hết đều than rằng gia cư của họ bị hư hại nặng, nếu không muốn nói là bị tàn phá. Ngoài ra, lợi dụng ngưng chiến, nhiều tín hữu Công giáo thuộc giáo xứ đã tìm nơi trú ngụ mới tại nhà của các thân hữu hoặc họ hàng. Vì sống trong tình trạng hiện nay ở giáo xứ, hai, ba gia đình trong một lớp học, về lâu về dài cũng là điều cơ cực. Cũng có những người tìm cách sửa chữa lại nhà cửa của họ để trở về đó sinh sống... Tại Gaza này, dân chúng mệt mỏi vì chiến tranh, phải sống trong những điều kiện không xứng đáng với con người. Rất nhiều người vẫn còn phải ngủ lều lạnh lẽo, thiếu xăng dầu, không có gì để sưởi ấm, và thiếu săn sóc y tế”.
Cha Romanelli cũng kể lại rằng tuy ở nhà thương Gemelli, nhưng Đức Thánh cha đã gọi điện Video thăm hỏi các tín hữu trong giáo xứ Thánh Gia. Rồi sau đó, ngài không gọi nữa nhưng gửi tin nhắn đến điện thoại di động của cha. Chúng tôi cám ơn ngài vì đã cầu nguyện và ngài đã ban phép lành cho chúng tôi”.
(Sir 18-2-2025)
Trực tiếp
