Các hãng chế tạo võ khí “hốt bạc” nhờ cung cấp võ khí cho Ucraina

A Ukrainian soldier in the Donetsk region | AFP or licensors
Chiến tranh tại Ucraina mang lại lợi nhuận to lớn và nhảy vọt cho các hãng chế tạo võ khí.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Báo Công giáo Avvenire, Tương Lai, số ra ngày 25 tháng Sáu vừa qua, ở Ý, cho biết hãng chế võ khí Rheinmetall ở thành phố Dusseldorf, bên Đức, đã có doanh số tăng vọt 40% so với bảy tỷ 200 triệu Euro hồi năm ngoái, 2023. Số tiền này một phần đến từ ngân khoản đặc biệt 100 tỷ Euro từ năm, 2022, khi chính phủ Đức quyết định để tân trang hóa quân đội, gọi là để thích ứng “với sự thay đổi thời đại”. Bộ trưởng quốc phòng Đức, ông Boris Pistorius, nói rằng: “Chúng ta phải được chuẩn bị cho chiến tranh”.

Hãng Rheinmetall đã chuẩn bị một giai đoạn tăng vọt: năm ngoái, đơn đặt hàng võ khí đã tăng vọt lên 38 tỷ 300 triệu, tức là tăng 44% trong vòng 12 tháng. Để thi hành sự bành trướng này, hãng bắt đầu tìm kiếm thêm các công nhân viên, dự kiến tăng 10% so với con số 30.000 người trước đây. Để đáp ứng nhu cầu gia tăng, hãng sẽ nhận hơn 7.000 công nhân viên do hãng Continental của Đức thải ra. Hãng này chuyên chế các bộ phận cho xe hơi. Hãng Rheinmetall lập thêm một công xưởng ở Unterluss sẽ khai trương vào năm tới. Hãng này không chỉ cung cấp võ khí cho khối Nato: từ tháng Mười năm ngoái, hãng đã thành lập một công ty ở thủ đô Kiev, thủ đô Ucraina, cùng với công ty của nước này, để sửa chữa các chiến xa bị hư hại vì chiến tranh, và chuẩn bị cho việc chế tạo chiến xa Fuchs, Lynx và Panther.

Hãng Rheinmetall không phải là một trường hợp lẻ loi. Việc xâm lăng của Nga tại Ucraina đã ảnh hưởng tới cuộc chạy đua võ trang trên thế giới như phúc trình của Viện Quốc tế và các khoa học hòa bình, gọi tắt là Sipri, ở Stockholm, thủ đô Thụy Điển cho thấy.

Năm ngoái, chi phí quân sự tên lên 2.293 tỷ Euro tương đương với 2,3% tổng sản lượng của thế giới. Mỹ đứng hàng đầu, tiếp đó là Liên hiệp Âu châu. Tại đây, hãng Rheinmetall được coi là đầu tàu.

(Avvenire 25-6-2024)

Tags