Phỏng vấn Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh
Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tố giác nạn bách hại âm thầm chống các tín hữu Kitô, đồng thời nhận xét rằng hiện có ít cơ may đạt tới hòa bình giữa Nga và Ucraina.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo Áo và một số cơ quan truyền thông khác của nước này, hôm 28 tháng Sáu vừa qua tại Vatican.
Đức Hồng y cho biết sự dấn thân bênh vực tự do tôn giáo là một quan tâm chính của Tòa Thánh. Tuy các tín hữu Kitô là những người bị bách hại nhiều nhất, theo các nghiên cứu, nhưng Tòa Thánh bênh vực tự do tôn giáo của mọi người, những người có tín ngưỡng và muốn thực hành niềm tin của mình. Đức Hồng y Parolin nêu ví dụ sự đàn áp các tín hữu Kitô ở Nigeria, họ là nạn nhân của nhóm dân quân Hồi giáo cực đoan Boko Haram.
Đặc biệt, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh tố giác sự đàn áp âm thầm chống tự do tôn giáo. Trong lãnh vực công cộng, ngày càng ít có những lãnh vực, trong đó các tư tưởng và lập trường Kitô về những vấn đề xã hội được tự do bày tỏ. Theo Đức Hồng y, một số thành phần trong xã hội hiện nay quan niệm rằng tự do tôn giáo theo nghĩa dân chúng muốn được “tự do thoát tôn giáo”.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng y Parolin thấy ít có cơ may mau lẹ đạt tới hòa bình tại Ucraina: “Tôi không thấy có thể có những tiến bộ tích cực. Nga cho biết sẵn sàng thương thảo, kể cả vô điều kiện, nhưng không thể có vấn đề Nga rút khỏi miền Donbass. Về phần Ucraina, việc Nga phải rút khỏi Donbass là điều kiện để ngưng bắn và hòa đàm”.
Ucraina có kế hoạch hòa bình của mình và không muốn đi ra ngoài kế hoạch đó vì những vấn đề nhân đạo.
Đức Hồng y Parolin cũng nói rằng Tòa Thánh tiếp tục đối thoại với Trung Quốc, nhưng cả hai phía đều cần nhiều kiên nhẫn và không vì những khó khăn mà rời bỏ con đường này. Đức Giáo hoàng muốn đối thoại với nhà nước Trung Quốc về những đòi hỏi khác nhau, liên quan đến sự hiện diện của Giáo hội tại nước này. Đức Hồng y Quốc vụ khánh nói: “Điều quan trọng là cùng nhau giải quyết các vấn đề này, vì thế phái đoàn hai bên gặp nhau đều đặn.”
Năm ngoái, hiệp định ký kết năm 2018, trước đó về việc bổ nhiệm giám mục lại được gia hạn hai năm. Nhiều người phê bình việc ký kết này, vì cuộc sống của các tín hữu Công giáo tại Trung Quốc không được cải tiến. Thêm vào đó, nhà nước Bắc Kinh gia tăng đàn áp cộng đoàn Công giáo thầm lặng.
Đức Hồng y Parolin cho rằng hiệp định là một tiến bộ, vì trước đây không có cơ hội cộng tác với nhau. Ít nhất ngay trong việc bổ nhiệm giám mục có thể có sự cộng tác giữa hai bên, tuy rằng với hiệp định vẫn không thể giải quyết mọi vấn đề liên quan đến việc bổ nhiệm giám mục.
(KAP 28-6-2023)