Liên Hiệp Quốc tố giác: Ít nhất 120.000 trẻ em bị giết hoặc tàn phế vì chiến tranh

Photo: Vatican News

Theo tổ chức Unicef, Nhi đồng Quốc tế, của Liên Hiệp Quốc, trong vòng 18 năm qua (2005), đã có ít nhất 120.000 trẻ em bị giết hoặc bị tàn phế vì chiến tranh. Bình quân 20 em lâm vào tình trạng này mỗi ngày.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong khoảng thời gian đó, Liên Hiệp Quốc đã xác nhận được 325.000 vụ vi phạm nặng nề chống các trẻ vị thành niên trong các cuộc xung đột tại Á, Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh. Ít nhất 105.000 trẻ em bị bắt đi lính, hơn 32.500 vụ bắt cóc và có 16.000 vụ cưỡng hiếp.

Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc đã kiểm chứng được hơn 16.000 vụ tấn công các trường học và nhà thương, cũng như hơn 22.000 vụ các trẻ em không được săn sóc về nhân đạo.

Bà Catherine Russell, Tổng giám đốc Tổ chức Unicef, nói rằng: “Những vụ vừa nói trên đây chỉ là những vụ kiểm chứng được, rất có thể con số trong thực tế cao hơn nhiều. Ngoài ra, nhiều triệu trẻ em phải tản cư, rời bỏ nhà cửa và cộng đoàn, mất bạn hữu hoặc thân nhân, hay tách rời khỏi cha mẹ và những người săn sóc các em. “Mỗi cuộc chiến tranh, xét cho cùng, là một cuộc chiến chống lại các trẻ em. Tình trạng chiến tranh xung đột có những hậu quả tai hại, thay đổi cuộc sống của các em. Tuy biết rằng cần phải hành động để bảo vệ các trẻ em khỏi chiến tranh, nhưng thế giới không hành động đủ trong lãnh vực này”.

Bà Russell cũng cho biết: “Năm này qua năm khác, Liên Hiệp Quốc vẫn thiết lập hồ sơ tài liệu về những cách thức tàn ác, thê thảm, quá nhiều khi có thể lường trước được, qua đó cuộc sống của các trẻ em bị tước bỏ. Tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ bảo đảm cho các trẻ em khỏi phải trả giá vì chiến tranh của người lớn, và có những hoạt động can đảm, cụ thể, cần thiết để cải tiến việc bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”.

Trong bối cảnh trên đây, Tổ chức Unicef đã hỗ trợ việc bảo vệ hàng triệu trẻ em bị thương tổn trong tình trạng xung đột, được cải tiến an sinh, kể cả qua sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần và nâng đỡ về tâm lý xã hội, xử lý những trường hợp bảo vệ trẻ thơ, giúp tìm kiếm và đoàn tụ gia đình, cũng như những dịch vụ dành cho các trẻ em sống sót sau bạo lực”.

(Ansa 5-6-2023)