Tòa Thánh cho phép chúc lành cho những cặp “bất hợp lệ”
Hôm 19 tháng Mười Hai năm 2023, Bộ Giáo lý đức tin, với sự phê chuẩn của Đức Thánh cha Phanxicô, đã công bố tuyên ngôn tín lý mở cửa cho việc chúc lành những cặp “bất hợp lệ”, nhưng đây không phải là bí tích hôn phối.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Tuyên ngôn mang tựa đề “Fiducia supplicans”, “Lòng tín thác khẩn nài”, với chữ ký của Đức Hồng y Tổng trưởng Victor Manuel Fernandez, người Argentina, và vị Tổng Thư ký là Đức Tổng giám mục Armando Matteo, được Đức Thánh cha Phanxicô phê chuẩn ngày 18 tháng Mười Hai vừa qua.
Truyên ngôn dài 12 trang, chữ nhỏ, với hơn 30.000 từ, được chia thành 45 đoạn. Qua văn kiện này, Tòa Thánh khẳng định rằng có thể chúc lành cho những cặp “bất hợp lệ”, gồm hai người đồng phái, nhưng cần làm sao để đừng có sự hiểu lầm đó là hôn phối. Đạo lý Hội Thánh về hôn nhân không thay đổi, và việc chúc lành này không có nghĩa là Giáo hội phê chuẩn sự kết hiệp giữa hai người đồng phái.
Tuyên ngôn giải thích ý nghĩa từ “benedictio”, chúc lành, theo truyền thống Kinh thánh Cựu ước, Tân ước và đạo lý của Giáo hội, và đi tới kết luận rằng đứng trước sự thỉnh cầu của hai người xin được chúc lành, cho dù cặp ấy ở trong tình trạng “không hợp lệ”, thừa tác viên thánh chức có thể đáp ứng lời thỉnh cầu ấy, làm sao để cử chỉ gần gũi mục vụ ấy không chứa đựng những yếu tố có thể đồng hóa nó với nghi thức chúc hôn.
Đây là lần thứ hai kể từ 23 năm nay, Bộ Giáo lý đức tin công bố một tuyên ngôn tín lý, chứa đựng giá trị cao về đạo lý, sau tuyên ngôn “Dominus Jesus”, Đức Giêsu là Chúa, ban hành dưới thời Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Tuyên ngôn “Fiducia supplicans” mở đầu với phần giới thiệu của Đức Hồng y Tổng trưởng Fernandez, qua đó ngài giải thích rằng tuyên ngôn này đào sâu “ý nghĩa mục vụ của việc chúc lành”, giúp “mở rộng và phong phú hóa sự hiểu biết về việc làm này, qua một suy tư thần học dựa trên quan điểm mục vụ của Đức Thánh cha Phanxicô. Một suy tư bao hàm sự phát triển thực sự những gì đã được nói về việc chúc lành cho đến nay, dẫn tới việc hiểu rằng có thể “chúc lành cho những cặp ở trong những tình trạng bất hợp lệ và những cặp đồng phái, mà không chính thức củng cố tình trạng của họ hoặc thay đổi giáo huấn ngàn đời của Giáo hội về hôn phối”.
Nội dung tổng quát
Đi vào chi tiết hơn, sau những đoạn mở đầu (1-3), nhắc lại Tuyên ngôn trước đây hồi năm 2021, nay được đào sâu và đi xa hơn, Tuyên ngôn này trình bày việc chúc lành trong bí tích hôn phối (4-6), tuyên bố rằng “không thể chấp nhận những nghi thức và kinh nguyện có thể gây ra sự lẫn lộn giữa điều cấu thành hôn phối và điều đi ngược với nó, để tránh sự nhìn nhận, bằng cách nào đó, như là hôn phối điều mà thực sự không phải như vậy. Văn kiện tái khẳng định rằng theo đạo lý ngàn đời của Công giáo, chỉ được coi là hợp pháp những quan hệ tính dục trong khuôn khổ hôn nhân giữa một người nam và một người nữ.
Chương thứ hai của Tuyên ngôn, gồm 24 đoạn (7-30) phân tích những ý nghĩa khác nhau của việc chúc lành cho con người, làm phép đồ vật đạo, nơi sinh sống. Và theo nghĩa hẹp về phương diện phụng vụ, việc chúc lành đòi những gì được chúc lành phải là “phù hợp với thánh ý Chúa được biểu lộ trong giáo huấn của Hội Thánh”. (...)
Trong chương này có khẳng định rằng tuy vẫn cấm những thủ tục hoặc nghi thức chúc lành tạo nên sự lẫn lộn giữa hôn phối và không hôn phối, thừa tác viên thánh chức có thể hiệp với lời cầu nguyện của những người, “tuy ở trong một sự kết hiệp không thể ví với hôn phối, nhưng họ muốn phó thác cho Chúa và lòng thương xót của Người, khẩn cầu ơn phù trợ, được hướng dẫn để hiểu rõ hơn ý định yêu thương và sự thật của Chúa” (30).
Chương thứ ba (31-41) mở đường việc có thể chúc lành như vừa nói, tượng trưng một cử chỉ đối với những người “nhìn nhận mình túng thiếu và cần được giúp đỡ, không đòi hỏi sự hợp thức hóa tình trạng bất hợp lệ của mình, nhưng khẩn xin rằng tất cả những gì là chân thực, tốt lành và giá trị về nhân bản, trong đời sống và tương quan của họ, được gia tăng giá trị, được chữa lành và nâng cao nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Linh” (31). Những việc chúc lành như thế không được phép quy luật hóa, nhưng để tùy thuộc sự phân định thực hành trong một tình trạng đặc thù (37). Mặc dù việc chúc lành là cho hai người, chứ không phải là sự kết hiệp của họ, tuyên ngôn cũng chúc lành cho những tương quan hợp pháp giữa hai người: “trong một kinh nguyện ngắn, thừa tác viên thánh chức có thể cầu xin cho họ được an bình, sức khỏe, lòng kiên nhẫn, đối thoại, tương trợ, và cả ánh sáng cũng như sức mạnh của Thiên Chúa để có thể thực hiện trọn vẹn thánh ý Chúa” (38).
Ngoài ra, cần phải tránh bất kỳ hình thức lẫn lộn hoặc gương mù, khi xin chúc lành cho một cặp bất hợp lệ hoặc đồng phái, “không bao giờ được diễn ra trong bối cảnh những nghi thức kết hôn dân sự và càng không được liên kết với các nghi thức ấy. Cả những y phục, cử chỉ hoặc lời nói riêng của một hôn phối” (39). Việc chúc lành này có thể “được đặt trong những bối cảnh khác, như khi viếng một Đền thánh, gặp gỡ với một linh mục, cầu nguyện chung hoặc trong một cuộc hành hương” (40).
Sau cùng, chương bốn của Tuyên ngôn (42-45) nhắc nhớ rằng: “Giáo hội là bí tích tình thương vô biên của Thiên Chúa. Vì thế, cả khi tương quan với Thiên Chúa cũng bị lu mờ vì tội lỗi, ta luôn có thể xin một phúc lành, giơ tay lên hướng về Chúa, như thánh Phêrô trong cơn bão táp, kêu lên cùng Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin cứu con!” (Mt 14,30). Mong ước và lãnh nhận một phúc lành có thể là một sự thiện có thể trong một số hoàn cảnh.” (43).
(Vatican News 19-12-2023)