Thảm trạng các tín hữu Kitô tại Gaza

Photo: Vatican Media

Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo Latinh Jerusalem, cho biết tình trạng các tín hữu Kitô tại Thánh địa tiếp tục rất khó khăn: tại Gaza, họ không có nhà, chẳng có nước và điện.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Hồng y đã qua một tuần viếng thăm tại Giordani và đến Roma, được Đức Thánh cha tiếp kiến hôm 15 tháng Giêng vừa qua, và lên tiếng tại Đại học Công giáo Thánh Tâm tại đây.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, hôm 16 tháng Giêng vừa qua, Đức Hồng y cho biết: “Các tín hữu Kitô tại Gaza không phải là một dân riêng rẽ, vì thế họ cũng trải qua cùng những khó khăn như mọi người ở Gaza. Tình trạng này cũng gây cam go đối với họ, vì họ chỉ là một thiểu số rất nhỏ bé ở Gaza cũng như ở Cisjordani của người Palestine, và trong toàn Thánh địa. Thật không dễ ở trong những tình trạng như vậy trong tư cách là Kitô hữu”.

Về giáo xứ Công giáo duy nhất tại Gaza, giáo xứ Thánh Gia, trong một vùng ở miền bắc Gaza, đã phải di tản sau các cuộc hành quân rộng lớn của Israel, Đức Hồng y Pizzaballa nói: “Hiện nay, tình hình tương đối yên hàn hơn, các cuộc hành quân của Israel diễn ra ở miền nam Gaza... nhưng chẳng còn lại cái gì ở miền bắc Gaza: chẳng còn nhà cửa, nước, điện và các cơ sở. Chẳng còn gì ngoại trừ sự nghèo đói cùng cực”.

Về tình trạng tại Vương quốc Giordani, nơi Đức Hồng y viếng thăm, ngài cho biết: “Tình hình tại Giordani phức tạp, nhưng tôi phải nói đó là nước duy nhất ổn định về phương diện chính trị và nhân đạo. Khi chúng tôi cần chuyển cứu trợ đến Gaza, chúng tôi thỉnh cầu Hoàng gia Giordani”.

Đức Hồng y cho biết đã tiếp xúc với Quốc vương Abdullah II, chính phủ Giordani và nhiều tổ chức khác, để xem “chúng tôi có thể duy trì những kênh liên lạc với Gaza và với một số ít nhân viên chính quyền còn lại ở đó hay không. Vì thế, Giordani hiện nay là điểm tham chiếu ổn định nhất đối với Giáo hội, nhưng “cũng có một sự cộng tác với các tổ chức nhân đạo và với Giáo hội”.

Về việc chấm dứt chiến tranh tại Trung Đông, Đức Hồng y Thượng phụ nói rằng: “Chúng ta phải nghĩ đến từng giai đoạn, sẽ không có giải pháp tức khắc. Điều quan trọng hiện nay là tìm ra những kênh liên lạc giữa hai bên. Chính trong chiều hướng đó mà Giáo hội Công giáo tiếp tục hoạt động”.

(Vatican News 16-1-2024)