Học viện Dòng Phanxicô tại Aleppo bị dội bom
Học viện Dòng Phanxicô ở Aleppo, thành phố lớn thứ hay của Syria, đã bị không quân Nga dội bom làm hư hại nặng nề, nhưng không có ai bị thương.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Từ tối ngày 29 tháng Mười Một vừa qua, phiến quân Thánh chiến Hồi giáo Jihadist, với 30.000 người đã chiếm được thành Aleppo, khiến cho quân đội Syria tại đây bị thiệt hại nặng nề. Phản ứng lại không quân Nga, đồng minh của chính phủ Assad ở Syria tấn công các lực lượng phiến quân, dội bom vào Học viện, vì có sự trú đóng của phiến quân tại đây và để hỗ trợ quân chính phủ tái chiếm thành phố cổ kính này. Bộ quốc phòng Nga cho biết đã thực hiện những cuộc tấn công bằng tên lửa và bom tại những nơi có phiến quân, những trạm kiểm soát, các kho chứa cũng như những vị trí pháo binh.
Thảm trạng nhân đạo đang xảy ra: hàng ngàn thường dân đang trốn chạy khỏi Aleppo, trong đó các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái Latinh, Maronite, Canđê, Melchite.
Trong khi đó, Iran cũng hứa hỗ trợ chính phủ và quân đội Syria. Còn những văn phòng đại diện của Liên Hiệp Quốc di tản về thủ đô Damasco.
Đức Hồng y Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Damasco từ mười sáu năm nay, kêu gọi tránh gây hại cho các thường dân và ngài cũng nói rằng Giáo hội Công giáo chỉ là thiểu số bé nhỏ tại Syria, không có đủ năng lực để thi hành vai trò trung gian trong bối cảnh Aleppo, không kể trong mười một năm chiến tranh, từ 2011 đến nay, “chúng tôi đã mất hai phần ba các Kitô hữu tại nước này”.
Đức Sứ thần kêu gọi cộng đồng quốc tế hoạt động để phòng ngừa các cuộc xung đột, vì cho đến nay, cộng đồng này luôn khởi động chậm trễ. Tuy xung đột giữa Israel và Palestine là điều có thể lường trước được, cũng như chiến tranh Ucraina và Nga, cộng đồng quốc tế phải hành động trước để phòng ngừa chứ không phải chỉ hành động sau đó để lượm những mảnh vỡ”.
Theo Đức Hồng y Zenari, “toàn Syria chịu đau khổ và dân chúng không còn hy vọng. Đối với người Syria hy vọng duy nhất là rời bỏ đất nước này, và điểm tới đầu tiên là Âu châu. Việc Aleppo bị chiếm sẽ đưa tới hậu quả này, là thúc đẩy thêm dân Syria tìm cách di cư sang Âu châu. Một số đi qua những hành lang nhân đạo, những người khác thì dùng những phương pháp vượt biên đầy rủi ro cho sinh mạng, nhưng họ sẵn sàng làm vì không có giải pháp nào khác”.
Trong mười ba năm chiến tranh vừa qua, bảy triệu trên tổng số mười ba triệu người đã rời bỏ Syria và đã có nửa triệu người chết.
Trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa Chúa nhật, ngày 01 tháng Mười Hai vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô cũng kêu gọi cầu nguyện cho Syria, nơi mà rất tiếc chiến tranh lại bùng lên làm cho nhiều người chết và bị thương. “Tôi rất gần gũi với Giáo hội tại Syria”.
(Vatican News 1-12-2024)