Đại diện Tòa Thánh tại OSCE tố giác nạn buôn người được chiến tranh nuôi dưỡng
Đại diện Tòa Thánh tại tổ chức An ninh và Cộng tác Âu châu, gọi tắt là OSCE, Đức ông Richard Gyhra, tố giác thảm trạng nạn buôn người được chiến tranh nuôi dưỡng.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trong bài tham luận, hôm mùng 03 tháng Mười vừa qua, tại khóa họp toàn thể thứ tư của Hội nghị về chiều kích nhân bản, Đức ông Gyhra, người Mỹ nhận định rằng “tổ chức của các xã hội trên toàn thế giới còn lâu mới phản ánh rõ ràng rằng phụ nữ có cùng phẩm giá và bình quyền với nam giới, tình trạng này được thể hiện qua thảm trạng được nuôi dưỡng bằng cuộc khủng hoảng nhân đạo... Tệ nạn này được định nghĩa là một trong những vấn đề nghiêm trọng và phức tạp nhất, do sự đa diện của nó.”
Những khó khăn tại đây được đặt ra trên nhiều bình diện: trước tiên là theo
cách thức nó biểu lộ, tiếp đến là nơi các nạn nhân. Họ thường là những người di dân, vốn đã ở trong những tình trạng dễ bị tổn thương. Thứ ba là có nhiều nhân tố can dự vào.
Mặc dù tệ nạn buôn người thường giới hạn vào một số miền, nhưng các phụ nữ và thiếu nữ là những người dễ bị lâm vào tệ nạn này. Trong nhiều trường hợp, họ bị bóc lột về mặt tính dục. Thảm trạng này càng gia tăng do những tình trạng xung đột và khủng hoảng nhân đạo, nơi mà những kẻ gian ác lợi dụng những môi trường xã hội chính trị bất an để thống trị, biến thành nô lệ và buôn người”.
Hiện tượng này người ta thấy rõ trong cuộc xung đột ở Ucraina và nó là một trong những hậu quả tàn hại nhất của cuộc xung đột này. Các nạn nhân thường trở thành con mồi cho bọn buôn người. Họ bị chúng lường gạt bằng những lời hứa hẹn giúp đỡ, rồi đưa họ vào vòng nô lệ.
Đức ông Gyhra nói thêm rằng: “Như Đức Thánh cha Phanxicô đã khẳng định trong Ngày thế giới cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người lần thứ 10, cần phải chống lại tận căn hiện tượng này, nhổ bỏ căn cội của chúng. Thật là giả hình khi đương đầu với vấn đề này mà không để ý đến những nguyên do ẩn náu của thị trường kinh khủng này, trong đó hàng trăm người nữ và người nam tín thác những kẻ bất lương để trốn chạy khỏi quê hương, với hy vọng tìm được một cuộc sống an ninh. Những nguyên nhân của tệ nạn này gồm nghèo đói, chiến tranh, bách hại từ phía các chính phủ độc tài, cũng như những thiên tai và thay đổi khí hậu, khiến cho các lãnh thổ xuất cư trở thành nơi khó sinh sống”.
“Ngoài ra, nạn buôn người tìm được thửa đất màu mỡ trong việc du nhập chế độ tư bản tân tự do, không tôn trọng các quy luật thị trường, nhắm đạt tới lợi lộc tối đa mà không chịu giới hạn luân lý đạo đức, những giới hạn xã hội và môi trường”.
(Vatican News 3-10-2024)