Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Các đặc sủng là những ân ban của Chúa Thánh Linh để hướng đến sự hiệp nhất và ích chung

Pope Francis during this week's General Audience | VATICAN MEDIA Divisione Foto
Sáng thứ Tư, ngày 20 tháng Mười Một năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến khoảng 15.000 tín hữu và du khách hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô, dưới trời mưa nhẹ.

Duy An | RVA

Như thường lệ, sau khi đi một vòng chào thăm các tín hữu, Đức Thánh cha bắt đầu buổi tiếp kiến, với phần lắng nghe Lời Chúa, qua đoạn thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gửi Giáo đoàn Côrintô (1Cr 12,4-7.11):

“Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.

Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người”.

Bài huấn giáo

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về “Thánh Thần và Hôn Thê. Chúa Thánh Linh hướng dẫn Dân Chúa gặp gỡ Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta”.

Bài thứ mười bốn này có tựa đề: “Các đặc sủng là những ân ban của Chúa Thánh Linh để hướng đến sự hiệp nhất và ích chung”.

Mở đầu bài huấn giáo, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến! Chào anh chị em!

Trong ba bài giáo lý vừa rồi, chúng ta đã nói với nhau về những hoạt động thánh hóa của Chúa Thánh Thần, được ban qua các bí tích, cầu nguyện và qua việc noi gương Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta hãy lắng nghe một đoạn văn của Công đồng Vatican II: “Chúa Thánh Thần không chỉ thánh hóa và hướng dẫn dân Chúa qua các bí tích, việc cầu nguyện, các tác vụ…nhưng còn hướng dẫn và thông ban các ân huệ cho mỗi người, theo ý Người muốn. Ngay cả chúng ta, mỗi người cũng được Chúa Thánh Linh ban cho các ơn riêng”.

Các đặc sủng cho người khác

Đức Thánh cha nói tiếp: Bây giờ, chúng ta nói đến các tác động thứ hai của Chúa Thánh Linh trong Giáo hội, đó là hoạt động qua các đặc sủng, một cụm từ cũng không phải là dễ hiểu.

Hai yếu tố để xác định đặc sủng: thứ nhất, đặc sủng là một ân ban trước hết là vì ích chung, là để phục vụ cộng đoàn. Thứ hai, đặc sủng là một ân ban cho một người, hay cách riêng là cho một số người, chứ không phải cho tất cả mọi người, theo cùng cách thức. Và đây là điều để phân biệt đặc sủng với ân sủng thánh hóa, phân biệt với các nhân đức đối thần và các bí tích, là những điều được ban giống nhau cho mọi người.

Công đồng Vatican II cũng giải thích cho chúng ta, rằng: “Chúa Thánh Thần ban ân sủng đặc biệt cho các tín hữu thuộc mọi phẩm trật, mọi tầng lớp để họ có thể chu toàn sứ vụ cách thích hợp và hữu ích trong việc canh tân và mở rộng Giáo hội, tựa như thánh Phaolô tông đồ đã nói trong thư thứ nhất gửi cho các tín hữu Côrintô, là: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.” Các đặc sủng là những viên ngọc quý hay đồ trang sức tuyệt đẹp mà Chúa Thánh Linh trao ban để làm cho Hiền thê của Chúa Kitô, nghĩa là Giáo hội trở nên xinh đẹp hơn.

Như vậy, chúng ta hiểu tại sao Hiến chế Lumen Gentium-Ánh sáng muôn dân của Công đồng Vatican II, kết thúc bằng lời khuyên sau đây: “Dù là ơn thật đặc biệt hay ơn thật đơn sơ, hoặc được ban rộng rãi cho nhiều người, những đặc sủng này phải được đón nhận với lòng tri ân và cảm tạ, vì đó là những ân ban thích hợp và hữu ích cho những nhu cầu của Giáo hội.

Đức Thánh cha Bênêđictô XVI đã nói rằng: “Bất cứ ai nhìn vào lịch sử của thời hậu Công đồng đều có thể nhận ra sự năng động của việc canh tân thật sự điều vốn thường mang các hình thức bất ngờ của trong các phong trào tràn đầy sức sống và làm cho sự sống động vô tận của Giáo hội tăng thêm.

Các đặc sủng thăng tiến vai trò của phụ nữ

Tiếp tục bài huấn giáo, Đức Thánh cha nhấn mạnh tầm quan trọng và việc tái khám phá các đặc sủng của các giáo dân, đặc biệt là thăng tiến vai trò của phụ nữ. Đức Thánh cha nói: “Trong các hoạt động của các tín hữu, sự hoạt động của Chúa Thánh Thần gần như trở nên hữu hình. Hơn nữa, việc khám phá lại các đặc sủng cho thấy rằng việc thăng tiến giáo dân, đặc biệt là phụ nữ, không chỉ được hiểu như một sự kiện mang tính thể chế và xã hội học, nhưng còn mang chiều kích Kinh thánh và tu đức nữa. Các giáo dân không chỉ là các cộng tác viên bên ngoài, các tầng lớp thấp kém hay chỉ là những người phụ giúp cho các giáo sĩ, nhưng họ cũng có các đặc sủng riêng của mình để đóng góp vào sứ mạng của Giáo hội.

Hoạt động của Chúa Thánh Thần trong sự hiệp nhất và tình yêu

Đức Thánh cha nhấn mạnh thêm rằng: “Chúng ta phải nói thêm ngay rằng khi nói về các đặc sủng, cần bỏ ngay sự hiểu lầm, đó là đồng hóa các đặc sủng với các ân sủng và các khả năng ngoại thường, phi thường. Ngược lại, đặc sủng là những ơn thông thường nhưng có giá trị phi thường, nếu được Chúa Thánh Linh soi sáng và được thể hiện với tình yêu thương trong những hoàn cảnh sống.

Đôi khi các tín hữu, khi nghe nói về đặc sủng thì cảm thấy buồn bã và thất vọng, vì họ nghĩ họ không có đặc sủng nào, và cho rằng mình là Kitô hữu bị loại trừ, Kitô hữu hạng hai. Hãy nhớ rằng trong Giáo hội không có Kitô hữu hạng hai!

Sau hết, Đức Thánh cha khẳng định đức ái vẫn luôn là “con đường hoàn hảo nhất” để các đặc sủng có thể chung chia trong sự hiệp nhất của toàn thể Giáo hội. Đức Thánh cha nói:

“Anh chị em thân mến, thánh Augustinô đã nói về những đặc sủng qua một sự so sánh thật đẹp và mạnh mẽ: “Nếu bạn yêu thì bạn không có gì phải lo lắng cả!” Nếu bạn yêu sự hiệp nhất, thì bất cứ ai có điều gì trong sự hiệp nhất đó, thì bạn cũng có những điều đó. Trong cơ thể, chỉ có mắt là nhìn thấy được. Nhưng có phải chỉ có mắt nhìn thấy chính nó không? Không! Nó có thể nhìn thấy bàn tay, bàn chân và cả các bộ phận khác. Điều này cho thấy lý do tại sao đức ái được thánh Tông đồ định nghĩa là “con đường hoàn hảo nhất”, bởi vì nó khiến tôi yêu mến Giáo hội hay cộng đồng nơi tôi sống, và trong sự hiệp nhất mọi đặc sủng, không phải chỉ một số đặc sủng, mà tất cả, là những đặc sủng của tôi, cũng giống như những đặc sủng của tôi, mặc dù nhỏ bé, nhưng chúng thuộc về mọi người và vì lợi ích của mọi người. Đức ái nhân rộng các đặc sủng, làm cho đặc sủng của một người trở nên đặc sủng của mọi người”.

Chào thăm và kêu gọi

Bài huấn giáo của Đức Thánh cha bằng tiếng Ý, lần lượt được các thừa tác viên trình bày phần tóm tắt bằng các ngôn ngữ khác nhau, như Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Arập và Ba Lan, kèm theo những lời chào thăm và nhắn nhủ của Đức Thánh cha.

Kế đó, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến Ngày Quốc tế trẻ em và thanh thiếu niên, sẽ được tổ chức tại Vatican, vào ngày 03 tháng Hai năm 2025. Cùng với việc thông báo này, Đức Thánh cha đã mời một nhóm trẻ em hiện diện tại buổi tiếp kiến, do Cộng đồng thánh Egidio hướng dẫn, đến để ngài chào thăm và chúc lành cho từng em.

Loan báo phong thánh hai vị thánh mới

Sau hết, trong niềm vui mừng, Đức Thánh cha loan báo hai chân phước trẻ tuổi sẽ được phong hiển thánh, trong dịp Năm Thánh 2025 sắp tới.

Trước hết là chân phước thiếu niên đến từ Assisi, Carlo Acutis sẽ được phong hiển thánh trong những ngày Năm Thánh dành cho Thanh thiếu niên, các ngày 25 đến 27 tháng Tư năm 2025.

Và kế đó là chân phước Pier Giorgio Frassati, 35 tuổi sau khi được phong chân phước, sẽ được tôn phong hiển thánh trong những ngày Năm Thánh dành cho Giới trẻ, vào các ngày 28 tháng Bảy đến ngày 03 tháng Tám năm 2025.

Buổi Tiếp kiến chung được kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.