Đức Thánh cha tiếp kiến các Giáo hội Công giáo Đông phương

Papa Leone XIV nell'udienza ai partecipanti al Giubileo delle Chiese orientali | Vatican Media
Đức Thánh cha Lêô XIV đề cao tầm quan trọng của các Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương, và kêu gọi bảo tồn gia sản tinh thần của các Giáo hội này, chia sẻ những đau khổ các Giáo hội đang phải chịu vì chiến tranh, đồng thời mời gọi các vị hữu trách hãy minh bạch trong việc quản lý tài sản của Giáo hội.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Thánh cha bày tỏ lập trường trên đây, trong buổi tiếp kiến sáng ngày 14 tháng Năm vừa qua, dành cho các vị lãnh đạo và tín hữu thuộc các Giáo hội vừa kết thúc ba ngày hành hương Năm Thánh, đồng thời cử hành phụng vụ tại Roma (12-14/5).

Hiện nay, trong Giáo hội Công giáo, ngoài Công giáo Latinh chiếm đại đa số, còn có 21 Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương, phần lớn nguyên là các Giáo hội Chính thống đã trở về hiệp nhất với Tòa Thánh, trong số này đông nhất là Giáo hội Công giáo Ucraina, với khoảng 5 triệu tín hữu, tiếp đến là Giáo hội Công giáo Syro Malabar bên Ấn Độ, với khoảng hơn 3 triệu 500.000 tín hữu.

Trong những ngày qua, các tín hữu Đông phương đã cử hành phụng vụ thánh theo nghi lễ riêng, tại các đại Vương cung thánh đường ở Roma.

Hiện diện trong buổi tiếp kiến, có một số vị Thượng phụ, Tổng giám mục Trưởng và giám mục, cùng với các linh mục, tu sĩ và đông đảo giáo dân.

Huấn dụ

Phẩm giá cao trọng

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh cha Lêô XIV nhắc lại giáo huấn của một số vị tiền nhiệm, đề cao vai trò quý giá của các Giáo hội Đông phương, và nói rằng: “Anh chị em thật là quý giá. Khi nhìn anh chị em, tôi nghĩ đến các xuất xứ khác nhau, lịch sử vinh quang và những đau khổ cam go các cộng đoàn của anh chị em phải chịu. Và tôi muốn lập lại điều Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói về các Giáo hội Đông phương: “Đó là những Giáo Hội cần yêu thương: họ gìn giữ các truyền thống linh đạo và khôn ngoan đặc biệt, và có bao nhiêu điều để nói với chúng ta về đời sống Kitô, về sự đồng hành và về phụng vụ...” (Diễn văn với tổ chức ROACO 27-6-2024).

Cả Đức Giáo hoàng Lêô XIII cũng đã đề cao phẩm giá của các Giáo hội Đông phương qua Tông thư Orientalium dignitas, Phẩm giá các Giáo hội Đông phương, công bố hồi năm 1894, và thánh Gioan Phaolô II, qua Tông thư Orientale lumen, Ánh Sáng Đông phương.

Cấm chiêu dụ các tín hữu Công giáo Đông phương theo Latinh

Đức Thánh cha Lêô XIV nhắc lại nhận xét của Đức Giáo hoàng Lêô XIII về tầm quan trọng của các Giáo hội Công giáo Đông phương và người cấm các thừa sai Công giáo Latinh, triều hoặc dòng, không được chiêu dụ các tín hữu Đông phương theo nghi lễ Latinh, ai sai lỗi sẽ bị cách chức hoặc loại khỏi chức vụ. Đức Thánh cha khẳng định rằng: “Giáo hội đang cần anh chị em. Thật là lớn lao sự đóng góp mà Đông phương Kitô có thể mang lại ngày nay! Chúng ta rất cần phục hồi cảm thức về mầu nhiệm, cảm thức ấy rất sinh động trong phụng vụ của anh chị em, có sự can dự của toàn thể con người, ca hát vẻ đẹp của ơn cứu độ và khơi lên kinh ngạc vì sự cao cả của Chúa ôm lấy sự bé nhỏ của con người!...”

Chia sẻ đau khổ

Trong huấn dụ, Đức Thánh cha cũng nhắc đến bao nhiêu đau khổ mà các tín hữu Kitô Đông phương đã và đang phải chịu: từ Thánh địa đến Ucraina, từ Liban đến Syria, từ Trung Đông đến miền Tigray (bên Ethiopia) và miền Caucase, bao nhiêu là bạo lực...”. Ngài cổ võ hòa bình và cho biết Tòa Thánh dấn thân để các kẻ thù gặp nhau, nhìn nhau tận mắt, để niềm hy vọng được trả lại cho các dân tộc, phẩm giá hòa bình mà họ đáng được.

Đức Thánh cha nói: “Các dân tộc muốn hòa bình và tôi, với lòng chân thành, tôi nói với các vị hữu trách các dân tộc rằng: chúng ta hãy gặp nhau, đối thoại, thương thuyết! Chiến tranh không bao giờ có thể không tránh được, các võ khí có thể và phải im tiếng, vì chúng không giải quyết các vấn đề mà còn làm gia tăng; và sẽ đi vào lịch sử những người gieo vãi hòa bình, chứ không phải là kẻ gặt hái các nạn nhân; vì những người khác, tha nhân trước hết không phải là những kẻ thù, nhưng là con người: họ không phải là những người xấu xa phải oán ghét, nhưng là những người mà ta có thể nói chuyện với họ. Chúng ta hãy trốn chạy những quan điểm đặc biệt của những chủ trương bạo lực phân chia thế giới thành những người tốt và người xấu”.

Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng: “Giáo hội sẽ không mệt mỏi lập lại: võ khí hãy im tiếng. Và tôi muốn cảm tạ Thiên Chúa vì bao nhiêu người, âm thầm, trong kinh nguyện, trong sự dâng hiến, đang dệt lên mạng dây hòa bình; và các tín hữu Kitô - Đông phương và Latinh - đặc biệt tại Trung Đông, đang kiên trì và kháng cự tại quê hương của họ, mạnh mẽ hơn cám dỗ rời bỏ quê hương này”.

Sau cùng, Đức Thánh cha không quên nhắn nhủ các vị lãnh đạo Công giáo Đông phương hãy minh bạch trong việc quản trị tài sản, làm chứng về sự tận tụy khiêm tốn và hoàn toàn phục vụ dân Chúa, không quyến luyến danh vọng, quyền lực trần thế và danh tiếng riêng của mình. Thánh Simeon tân Thần học gia đã nêu một thí dụ rất đẹp: “Giống như một người, ném những bụi trên ngọn lửa của một lò lửa làm cho nó tắt, cũng vậy những lo lắng về đời này và mọi sự quyến luyến những điều nhỏ nhen và chẳng có giá trị gì, phá hủy sức nóng của con tim đã được đốt lên từ đầu” (Capitoli pratici e teologici, 63).

(Sala Stampa 14-5-2025)