Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Thánh cha Lêô XIV
Mười ngày sau khi được bầu chọn và trở thành vị Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo, lúc 10 giờ sáng Chúa nhật, ngày 18 tháng Năm năm 2025, Đức Thánh cha Lêô XIV đã chủ sự thánh lễ trọng thể chính thức khai mạc sứ vụ chủ chăn của Giáo hội Công giáo hoàn vũ.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Hiện diện trong thánh lễ, tại khu vực bên phải bàn thờ, có hơn 150 phái đoàn từ các nơi trên thế giới, trong đó ở hàng ghế đầu có các vị Tổng thống và Thủ tướng Ý, Phó Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ, bà Tổng thống Peru, vì Đức Giáo hoàng Lêô XIV là công dân Mỹ và Peru.
Có các vị Quốc vương và Hoàng hậu của tám quốc gia, như Tây Ban Nha, Bỉ, Hoàng thân Monaco và cả Hoàng thân John Dunlap, Thủ lãnh Hội Hiệp sĩ Malta, Thái tử của ba nước và ông hoàng Edward, em của Vua Charles Anh quốc, hai mươi mốt vị tổng thống trong đó có Ucraina, Israel, Ba Lan, ba mươi thủ tướng và phó thủ tướng chính phủ, sáu tổ chức quốc tế, đông đảo các vị bộ trưởng và đại sứ.
Việt Nam cũng có hai đại diện là ông Dương Hải Hưng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Ý, và ông bí thư thứ nhất Nguyễn Đăng Hải Hùng, phụ trách cộng đồng. Hai vị cũng đã hiện diện trong lễ an táng Đức Giáo hoàng Phanxicô, ngày 26 tháng Tư vừa qua.
Phía bên trái bàn thờ, đó hàng trăm hồng y và giám mục, trong phẩm phục màu trắng. Ngoài ra, có hơn hai ngàn linh mục đồng tế, ngồi ở khu vực rộng lớn bên trái của Quảng trường hướng về Đền thờ, cùng với hàng trăm phó tế đảm trách phần trao Mình Thánh Chúa.
Lúc 9 giờ, tức là một giờ trước khi bắt đầu thánh lễ, Đức Thánh cha Lêô XIV đã đứng trên xe papamobile, tiến qua các lối đi tại địa điểm hành lễ để chào thăm khoảng 250.000 tín hữu. Ngài đi tới tận cuối đường Hòa Giải để chào thăm mọi người.
An ninh
Thị trưởng thành Roma, ông Roberto Gualtieri, cho biết về phương diện an ninh, 6.000 nhân viên công lực các ngành được huy động, cùng với 300 lính cứu hỏa, 1.100 người thuộc Tổng cục bảo vệ dân sự, 1.040 người phụ giúp, 1.100 binh sĩ, 1.000 nhân viên vệ sinh, và 1.000 cảnh sát địa phương Roma.
Chính quyền miền Lazio, nơi có thành Roma, chuẩn bị kế hoạch y tế cho những người tham dự thánh lễ này với 300 người thiện nguyện, 7 trạm y tế, 7 xe cứu thương, 80 toán cấp cứu đi bộ, một toán khử nhiễm không khí (Unidec).
Trước khi thánh lễ bắt đầu, Đức Thánh cha cùng với các vị Thượng phụ Công giáo đến cầu nguyện trước mộ thánh Phêrô và hai phó tế trân trọng cầm hai đĩa đựng dây Pallium và hộp nhẫn ngư phủ, đi rước cùng với các hồng y tiến ra bàn thờ bên ngoài trên thềm Đền thờ.
Nghi thức khai mạc sứ vụ Phêrô
Sau khi công bố Tin mừng bằng tiếng Latinh và Hy Lạp, có nghi thức khai mạc sứ vụ Phêrô, gồm phần trao dây Pallium Giáo hoàng và trao nhẫn Ngư Phủ.
Dây Pallium được trao cho Đức Thánh cha là dây làm bằng lông chiên màu trắng, có sáu hình thánh giá màu đen, khi được đeo vào cổ, có một phần ở phía trước ngực và một phần ở sau lưng. Đây là biểu hiệu cổ kính nhất của Giám mục. Simeon thành Thessalonica viết: “Dây Pallium chỉ Chúa Cứu Thế khi gặp chúng ta như chiên lạc đàn, Ngài vác lên vai, và khi nhận lấy nhân tính con người trong cuộc nhập thể, Ngài thần hóa nhân tính ấy bằng cái chết của Ngài trên thánh giá, Ngài dâng chúng ta cho Chúa Cha, và qua cuộc phục sinh, Ngài nâng chúng ta lên cao”.
Đức Hồng y Dominique Mamberti, Trưởng đẳng Phó tế, đã đọc lời nguyện, rồi choàng dây Pallium vào cổ của Đức Thánh cha.
Đức Hồng y Fridolin Ambogo, Tổng giám mục Kinshasa bên Congo, đại diện các Hồng y đẳng Linh mục, đọc lời nguyện, xin Chúa nâng đỡ người kế nhiệm thánh Phêrô. Sau cùng, Đức Hồng y Antonio Luis Tagle, thuộc đẳng Giám mục, đã trao nhẫn Ngư Phủ cho Đức Thánh cha.
Tiếp đến là nghi thức tuân phục: bốn hồng y thuộc các châu lục khác nhau, hai giám mục, hai linh mục, hai tu sĩ, gồm một nữ Bề trên Tổng quyền, cha Arturo Sosa, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, và hai gia đình giáo dân đã tiến lên trước Đức Thánh cha để bày tỏ tâm tình này.
Bài giảng
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha đặc biệt nhấn mạnh đến sứ vụ ngài muốn chu toàn và cũng nhắm cổ võ toàn thể các tín hữu Kitô trong chiều hướng này, đó là Yêu thương và Hiệp nhất.
Trước tiên, ngài gợi lại bầu không khí trong những ngày qua sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô qua đời, “tâm hồn chúng buồn sầu, và trong những giờ khó khăn ấy, chúng ta cảm thấy đám đông dân chúng mà Tin mừng nói “họ như những chiên không mục tử” (Mt 9,36)....
Đức Thánh cha nói: “Trong tinh thần đức tin ấy, Hồng y đoàn nhóm họp để để chuẩn bị mật nghị: đến từ những lịch sử và con đường khác nhau, chúng tôi đã đặt trong tay Chúa ước muốn bầu một người kế nhiệm mới của thánh Phêrô, Giám mục Roma, một chủ chăn có khả năng bảo tồn gia sản phong phú của đức tin Kitô, và đồng thời nhìn xa, để đáp ứng những thắc mắc, những băn khoăn và thách đố ngày nay. Được lời cầu nguyện của anh chị em đồng hành, chúng tôi đã cảm thấy hoạt động của Chúa Thánh Linh, là Đấng đã biết làm cho các nhạc cụ khác nhau được hòa hợp, làm rung động những dây âm thanh khác nhau của tâm hồn chúng ta thành một âm điệu duy nhất”.
Đức Thánh cha nói tiếp: “Tôi đã được chọn mà chẳng có công phúc gì, và với lòng sợ hãi và run rẩy, tôi đến với anh chị em như một người anh em muốn trở nên người phục vụ đức tin và niềm vui của anh chị em, đồng hành với anh chị em trên con đường tình thương của Thiên Chúa, Đấng muốn tất cả mọi người được hiệp nhất trong một gia đình duy nhất”.
Yêu thương và hiệp nhất: đó là hai chiều kích của sứ vụ được Chúa Giêsu ủy thác cho thánh Phêrô.
Yêu thương
Đức Thánh cha nhắc lại bài Tin mừng trong thánh lễ, trong đó Chúa Giêsu, bên bờ hồ Tibêria, đã bảo thánh Phêrô và các môn đệ khác hãy “đánh cá nhân loại để cứu vớt họ khỏi những nước của sự ác và sự chết. Và sau khi Chúa sống lại, các tông đồ có nhiệm vụ thi hành sứ vụ đó, luôn thả lưới để dìm niềm hy vọng của Tin mừng xuống dòng nước thế giới, vượt qua biển đời để mọi người có thể trở lại trong vòng tay của Thiên Chúa”.
“Làm thế nào ông Phêrô có thể thi hành công tác này? Tin mừng nói với chúng ta rằng đó là điều khả thi vì ông Phêrô đã trải nghiệm trong chính cuộc sống của mình tình thương vô biên và vô điều kiện của Thiên Chúa, kể cả trong giờ thất bại và chối Chúa. Vì thế, khi Chúa Giêsu nói với ông Phêrô, Tin mừng dùng động từ Hy Lạp “agapao” nói về tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, về sự hiến thân không chút dè dặt và không tính toán, khác với từ được dùng trong câu trả lời của ông Phêrô, từ này mô tả tình yêu bằng hữu, mà chúng ta trao đổi với nhau”.
Vì thế, khi Chúa Giêsu hỏi ông Phêrô: “Simon, con Gioan, con có mến Thầy không?” (Ga 21,16), Ngài nói về tình thương của Chúa Cha. Như thể Chúa Giêsu nói: chỉ khi nào con biết và cảm nghiệm tình thương này của Thiên Chúa, là tình thương không bao giờ thiếu, thì con mới có thể chăn dắt các chiên của Thầy; chỉ trong tình thương của Thiên Chúa Cha con mới có thể yêu mến các anh em con nhiều hơn nữa, nghĩa là hiến mạng vì các anh chị em”.
“Vì vậy, một nghĩa vụ yêu mến nhiều hơn nữa và hiến mạng sống vì đoàn chiên đã được ủy thác cho thánh Phêrô. Sứ vụ của thánh Phêrô được đánh dấu bằng tình yêu dâng hiến này, vì Giáo hội Roma chủ trì trong bác ái và quyền bính chân thực của Giáo hội này là tình thương của Chúa Kitô. Vấn đề ở đây là không bao giờ tóm bắt người khác bằng sự áp bức, bằng tuyên truyền tôn giáo hoặc bằng những phương thế quyền lực, nhưng luôn luôn và chỉ là yêu thương như Chúa Giêsu đã thương yêu”.
“Như chính thánh Phêrô đã quả quyết, Chúa Giêsu là viên đá góc bị những thợ xây nhà loại bỏ, Ngài đã trở thành viên đá góc” (Cv 4,11). Và nếu viên đá là Chúa Kitô, thì thánh Phêrô cũng phải chăn dắt đoàn chiên mà không bao giờ chiều theo cám dỗ làm người lãnh đạo đơn độc hoặc một thủ lãnh được đặt lên trên những người khác, trở thành chủ nhân của người được ủy thác cho mình (Xc 1Pr 5,3). Trái lại, thánh Phêrô được yêu cầu phục vụ niềm tin của anh chị em đồng hành với họ: thực vậy, tất cả chúng ta trở thành “những viên đá sống động” (1Pr 2,5), được kêu gọi, qua phép Rửa tội, xây dựng tòa nhà của Thiên Chúa trong tình hiệp thông huynh đệ, trong sự hòa hợp của Chúa Thánh Linh, trong sự sống chung giữa những khác biệt. Như thánh Augustinô đã quả quyết: “Giáo hội gồm tất cả những người ở trong sự hòa hợp với anh chị em và yêu thương tha nhân” (Discorso 359.9).
Hiệp nhất
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Anh chị em thân mến, một điều tôi muốn trở thành mong ước mạnh mẽ đầu tiên của tôi, đó là một Giáo hội hiệp nhất, dấu chỉ sự hiệp nhất và hiệp thông, trở thành men cho một thế giới được hòa giải”.
“Trong thời đại ngày nay, chúng ta thấy còn quá nhiều bất thuận, quá nhiều vết thương do oán thù, bạo lực, thành kiến và sợ khác biệt, mô hình kinh tế bóc lột trái đất và gạt những người nghèo ra ngoài lề. Và chúng ta muốn là một chút men hiệp nhất, hiệp thông và huynh đệ trong đấu bột. Chúng ta muốn nói với thế giới, trong khiêm tốn và vui mừng, rằng: hãy nhìn Chúa Kitô! Hãy xích lại gần Chúa! Hãy lắng nghe đề nghị yêu thương để trở thành gia đình duy nhất của Chúa: trong Chúa Kitô duy nhất chúng ta là một. Và đây là con đường cần cùng nhau tiến bước, giữa chúng ta, nhưng cả với các Giáo hội Kitô anh em, với những người tiến bước trên những con đường tôn giáo khác, với người vun trồng băn khoăn tìm kiếm Thiên Chúa, với tất cả những người nam nữ thiện chí, để xây dựng một thế giới mới trong đó có hòa bình hiển trị”.
“Đó là tinh thần thừa sai phải linh hoạt chúng ta, không khép kín mình trong nhóm nhỏ và cũng chẳng cảm thấy mình là những người cao trọng trên thế giới; chúng ta được kêu gọi cống hiến cho tất cả mọi người tình thương của Thiên Chúa, để thực hiện sự hiệp nhất không xóa bỏ những khác biệt, nhưng đề cao giá trị lịch sử của mỗi người và nền văn hóa xã hội và tôn giáo của mỗi dân tộc”.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, đây là giờ của tình thương! Lòng bác ái của Thiên Chúa làm cho chúng ta trở thành anh chị em với nhau, chính là trọng tâm của Tin mừng...”; và cùng với vị tiền nhiệm Lêô XIII của tôi, hôm nay, chúng ta có thể tự hỏi: nếu tiêu chuẩn này “trổi vượt trên thế giới, thì mọi bất đồng trên thế giới có chấm dứt ngay hay không, và hòa bình sẽ hồi phục ngay hay không” (Rerim novaru, 21).
“Cùng nhau, trong tư cách là một dân tộc duy nhất, tất cả là anh chị em với nhau, chúng ta hãy đi gặp Thiên Chúa và yêu thương nhau”.
Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng
Cuối thánh lễ, Đức Thánh cha đã cảm ơn tất cả các tín hữu đã từ các châu lục đến dự lễ, cảm ơn các phái đoàn chính quyền và các Giáo hội Kitô và các tôn giáo. Ngài tái kêu gọi hòa bình cho nhân dân Gaza, đặc biệt là các trẻ em đang chịu đói khổ và chết chóc, cho Myanmar, cho Ucraina đau thương và cầu mong tiến trình thương thuyết dẫn đến hòa bình. Sau đó, Đức Thánh cha xướng kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cuối lễ cho mọi người tham dự.
Sau thánh lễ dài hơn hai giờ tiếng đồng hồ, Đức Thánh cha đã đứng bên trong Đền thờ Thánh Phêrô, trước bàn thờ chính để lần lượt chào thăm và cảm ơn các phái đoàn chính thức của chính phủ các dân nước đến chúc mừng ngài.
Trực tiếp
