Đức Thánh cha viếng thăm đảo Corse và chủ sự kinh Truyền tin tại đây

Như đã đưa tin, Chúa nhật, ngày 15 tháng Mười Hai vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã đến viếng thăm đảo Corse của Pháp, để bế mạc Hội nghị về Lòng đạo đức bình dân vùng Địa Trung Hải.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Cùng đi với Đức Thánh cha trên máy bay từ Roma đến Corse, có 70 ký giả Ý và quốc tế.

Sau một giờ bay, Đức Thánh cha đến phi trường quốc tế ở Ajaccio, thủ phủ đảo Corse, chỉ cách Roma 360 cây số. Thành phố này chỉ có gần 74.000 dân cư và giáo phận sở tại bao trùm cả hải đảo, với gần 280.000 tín hữu Công giáo, trên tổng số 343.000 dân cư, với 63 linh mục giáo phận và 17 linh mục dòng, coi sóc 434 giáo xứ. Đức tin Kitô đã hiện diện tại đảo này từ thế kỷ thứ III và thứ IV.

Đông đảo các tín hữu và dân chúng đã chào đón Đức Thánh cha, trên đường dẫn đến Trung tâm Hội nghị và triển lãm ở Ajaccio, nơi diễn ra hội nghị trong hai ngày, từ 14 đến 15 tháng Mười Hai này. Hội nghị do giáo phận sở tại tổ chức, với sự tham dự của các chuyên gia và tín hữu, về lòng đạo đức bình dân và linh đạo vùng Địa Trung Hải. Trong số các diễn giả, có Đức cha Nicolas Brouwer, Giám mục Giáo phận Nimes ở miền nam Pháp, nói về việc loan báo Tin mừng qua các truyền thống bình dân, và bài của Đức cha Roberto Carboni, Tổng giám mục Giáo phận Oristano, trên đảo Sardegna của Ý, về lòng đạo đức bình dân tại đảo này.

Tại Trung tâm hội nghị, Đức Thánh cha đã đọc bài diễn văn bế mạc, rồi lúc 11 giờ Đức Thánh cha đến kính viếng Tượng Đức Mẹ Từ Bi gần đó, rất được tôn kính tại đảo Corse.

Gặp gỡ hàng giáo sĩ

Lúc 11 giờ 30, Đức Thánh cha đến Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Mông Triệu, tại cổ thành Ajaccio để đọc kinh Truyền tin với các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và chủng sinh.

Huấn dụ trước kinh Truyền tin

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh, và sau lời chào mừng của Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, Éric de Moulins-Beaufort, Tổng giám mục Giáo phận Reims, Đức Thánh cha nhận định rằng: “trong bối cảnh Âu châu hiện nay, không thiếu những vấn đề và thách đố đối với việc thông truyền đức tin, và hằng ngày anh chị em phải đối đầu với tình trạng đó, thấy mình bé nhỏ và mong manh: anh chị em không đông đảo, không có những phương tiện hùng mạnh, bối cảnh hoạt động của anh chị em không luôn luôn thuận tiện cho việc loan báo Tin mừng. Nhưng sự nghèo túng ấy là một phúc lành! Nó làm cho chúng ta không tự phụ rằng có thể thành công một mình. Nó dạy chúng ta coi sứ mạng Kitô không phải là điều tùy thuộc sức mạnh phàm nhân, nhưng trước tiên là một công việc của Chúa, Đấng luôn làm việc và hành động với những điều ít ỏi mà chúng ta có thể dâng lên Chúa”.

Chúa ở trung tâm cuộc sống

Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đừng quên điều này: nơi trung tâm có Chúa. Tôi không ở trung tâm, nhưng là Thiên Chúa. Đây là điều mà có lẽ mỗi buổi sáng khi mặt trời mọc, mỗi mục tử, mỗi người thánh hiến phải lập lại trong kinh nguyện: cả ngày hôm nay, trong việc phục vụ của tôi, không phải là tôi ở trung tâm, nhưng là Thiên Chúa”.

“Nhưng chỗ đứng tối thượng của ơn thánh Chúa không có nghĩa là chúng ta có thể an nghỉ mà không đảm nhận trách nhiệm của mình. Trái lại, chúng ta phải luôn suy nghĩ như “những cộng tác viên của ơn thánh Chúa” (Xc 1 Cr 3,9). Và như thế, khi tiến bước với Chúa, mỗi ngày chúng ta được dẫn đến một câu hỏi nòng cốt: tôi đang sống thiên chức linh mục, sự thánh hiến và ơn gọi làm môn đệ của tôi như thế nào?”

“Câu hỏi này quan trọng. Tôi xin anh chị em hãy ghi tạc vào lòng, không coi nhẹ sự cần thiết phải phân định như vậy, cần nhìn vào lòng mình, để khỏi bị “xay nhỏ” trong nhịp sống và hoạt động bên ngoài để rồi mất đi sự kiên trì nội tâm”. Về phần tôi, tôi muốn để lại cho anh chị em hai lời mời gọi, đó là chăm sóc bản thân và chăm sóc tha nhân.

Chăm sóc bản thân

Đức Thánh cha nói: “Vì đời sống linh mục hoặc tu trì không phải là một lời thưa “xin vâng” nói lên một lần cho tất cả. Ta không sống bằng lợi tức với Chúa! Trái lại, mỗi ngày cần canh tân niềm vui được gặp Chúa, trong mọi lúc cần tái lắng nghe tiếng Chúa và mong muốn theo Người.

“Chúng ta hãy nhớ điều này: đời sống chúng ta được biểu lộ qua sự dâng hiến bản thân. Nhưng hễ một linh mục, một tu sĩ nam nữ càng hiến thân, cống hiến hết mình, làm việc cho Nước Chúa, thì càng phải chăm sóc chính bản thân. Một linh mục, một nữ tu, một phó tế lơ là về điều này thì rốt cuộc họ cũng sẽ lơ là với những người được ủy thác cho mình. Vì thế, cần có một “qui luật sống” nho nhỏ - các tu sĩ đã có rồi -, trong đó có cuộc hẹn hằng ngày với kinh nguyện và thánh lễ, chuyện vãn với Chúa, mỗi người theo linh đạo và lối sống của mình. Và tôi muốn nói thêm rằng: hãy dành một vài lúc cô tịch; hãy có một người anh chị em để tự do chia sẻ điều mà chúng ta mang trong lòng; hãy vun trồng một cái gì đó mà chúng ta say mê, không phải để qua thời giờ rảnh rỗi, nhưng để nghỉ ngơi một cách lành mạnh, sau những vất vả của sứ vụ. Cần những người luôn miệt mài làm việc, luôn ở trung tâm, quá nhiệt thành và chẳng bao giờ nghỉ ngơi, chẳng bao giờ dành một lúc dừng lại cho bản thân mình. Như vậy không tốt, cần có những không gian, những lúc mà mỗi linh mục và tu sĩ chăm sóc chính mình”.

“Trong bối cảnh này cũng có một điều khác, đó là tình huynh đệ giữ anh chị em. Chúng ta hãy học cách không những chia sẻ những vất vả và thách đố, nhưng còn chia sẻ cả niềm vui và tình bạn giữa chúng ta. Giám mục của anh chị em nói một điều làm tôi rất hài lòng, đó là điều quan trọng là đi từ “Sách Ai Ca đến Sách Nhã Ca”. Đó là điều quan trọng, như một thánh vịnh nói: “Chúa đã biến những than thở của con thành vũ điệu” (Tv 30,12). Chúng ta hãy chia sẻ niềm vui được làm tông đồ và môn đệ của Chúa!”

Chăm sóc tha nhân

Tiến sang điều thứ hai, Đức Thánh cha giải thích: “Sứ mạng mà mỗi người chúng ta đã nhận lãnh luôn có một mục đích, đó là mang Chúa Giêsu đến cho tha nhân, mang lại sự an ủi của Tin mừng cho các tâm hồn. Tôi hài lòng được nhắc lại ở đây, lúc thánh Phaolô tông đồ trở về thành Côrintô và khi viết cho cộng đoàn, ngài nói: Về phần tôi, tôi sẵn sàng hiến thân, đúng hơn là tiêu hao bản thân cho phần hồn của anh chị em” (2 Cr 12,15). Tiêu hao bản thân vì phần rỗi các linh hồn, tiêu hao trong sự hiến thân cho những người được ủy thác cho chúng ta.

Vì thế, nơi trung tâm sứ vụ của mình, có các anh chị em khác: thiện ích thiêng liêng của họ, lòng khao khát hy vọng, nhu cầu được lắng nghe và gần gũi của họ. Đây cũng là một lời mời gọi tìm ra, trong bối cảnh ngày nay, những con đường mục vụ hiệu năng nhất để loan báo Tin mừng. Anh chị em đừng sợ thay đổi, xét lại những kiểu mẫu cũ, canh tân ngôn ngữ đức tin, đồng thời học biết rằng sứ vụ tông đồ không phải là những chiến lược phàm nhân: trước tiên, đó là vấn đề đức tin, là vấn đề say mê đối với Tin mừng và Nước Chúa. Chăm sóc tha nhân: chăm sóc người đang chờ đợi Lời Chúa Giêsu, những người đã xa lìa Chúa, những người đang cần được hướng dẫn hoặc an ủi vì những đau khổ của họ. Chăm sóc tất cả mọi người, trong việc huấn luyện và nhất là trong cuộc gặp gỡ. Gặp gỡ người khác nơi họ sinh sống và làm việc, trong mọi hoàn cảnh”

Và Đức Thánh cha kết luận: “Anh chị em thân mến, tôi thành tâm cám ơn và cầu chúc anh chị em một thừa tác vụ đầy hy vọng và vui mừng. Cả trong những lúc mệt mỏi và nản chí, anh chị em đừng buông xuôi. Hãy đưa tâm hồn trở về cùng Chúa: Chúa biểu hiện và để ta tìm thấy Ngài, nếu anh chị em chăm sóc bản thân và tha nhân. Qua cách thức đó, Chúa cống hiến an ủi cho những người Chúa đã kêu gọi và sai đi. Anh chị em hãy can đảm tiến bước và Chúa sẽ ban cho anh chị em được tràn đầy niềm vui”.

Cầu khẩn ơn hòa bình

Rồi Đức Thánh cha mời gọi cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Từ Bi, Mẹ Mông Triệu, tước hiệu của Nhà thờ Chính tòa này. Đức Thánh cha nói: “Từ đảo này, trong Địa Trung Hải, chúng ta hãy dâng lên Đức Mẹ lời khẩn nguyện cho hòa bình: hòa bình cho mọi lãnh thổ ven Địa Trung Hải, đặc biệt là Thánh địa, nơi Mẹ Maria đã sinh hạ Chúa Giêsu. Hòa bình cho Palestine, cho Israel, cho Liban, Syria và toàn miền Trung Đông. Xin Mẹ Thiên Chúa ban ơn hòa bình mà dân tộc Ucraina và Nga hằng mong ước. Chiến tranh luôn luôn là một thất bại. Hòa bình cho toàn thế giới!”

Hoạt động ban chiều

Sau khi đọc kinh ban phép lành cho mọi, Đức Thánh cha đã về Tòa giám mục Giáo phận Ajaccio để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi. Lúc 15 giờ cùng ngày, Đức Thánh cha đến Quảng trường Austerlitz để cử hành thánh lễ cho các tín hữu.

Sau thánh lễ, lúc 17 giờ 30, Đức Thánh cha ra phi trường Ajaccio. Tại đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp gỡ Đức Thánh cha và hội kiến với ngài. Rồi lúc 18 giờ, Đức Thánh cha đáp máy bay để trở về Roma, vào lúc quá 19 giờ.