Đức Thánh cha cử hành Đại lễ Mình Thánh Chúa
Sau sáu năm tạm ngưng, chiều Chúa nhật, ngày 02 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ kính Mình Thánh Chúa, tại Đền thờ thánh Gioan Laterano, cũng là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Roma.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Lần chót, Đức Thánh cha cử hành thánh lễ tại Đền thờ Đức Bà Cả. Năm sau đó, 2018, Đức Thánh cha cử hành thánh lễ tại Casal Bertone, ở ngoại ô Roma, trong nhà thờ Đức Mẹ Maria An Ủi ở Ostia, thành phố cạnh biển, và sau đó, Đức Hồng y Giám quản Angelo De Donatis đã chủ sự cuộc rước kiệu Thánh Thể.
Trong hai năm đại dịch 2020 và 2021, các buổi lễ công cộng bị hủy bỏ vì Đức Thánh cha phải tiến hành đại phẫu thuật ruột già.
Lúc gần 5 giờ chiều, Chúa nhật ngày 02 tháng Sáu, Đức Thánh cha bắt đầu cử hành thánh lễ bên trong Đền thờ, trước sự hiện diện của Kinh sĩ đoàn, mười hai hồng y và khoảng năm mươi linh mục và hàng ngàn tín hữu, trong đó có đông đảo các nữ tu.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha đã quảng diễn câu trích từ Tin mừng theo thánh Marco (14,22), trong trình thuật Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể: “Người cầm lấy bánh và đọc lời chúc tụng”.
Đức Thánh cha nói: “Chúng ta có thể đi từ cử chỉ này của Chúa Giêsu, cử chỉ làm phép bẻ bánh, để suy tư về ba chiều kích của mầu nhiệm chúng ta đang cử hành, đó là: cảm tạ, tưởng niệm và sự hiện diện.
Trước hết về việc cảm tạ, Đức Thánh cha nhắc lại rằng: “Eucaristia”, có nghĩa là “tạ ơn” Thiên Chúa vì những hồng ân của Người, và theo nghĩa này, dấu hiệu bánh là quan trọng. Đó là lương thực hằng ngày, qua đó chúng ta ta mang lên bàn thờ tất cả con người và những gì chúng ta có: cuộc sống, hoạt động, những thành công và cả những thất bại... Vì thế, thánh lễ hay lễ tạ ơn dạy chúng ta chúc phúc, đón nhận, luôn luôn trong tâm tình cảm tạ vì những hồng ân của Thiên Chúa, không những trong khi cử hành, nhưng cả trong cuộc sống. Ví dụ, không phí phạm những sự vật và những tài năng Chúa ban cho chúng ta. Nhưng chúng ta cũng tha thứ và nâng dậy những người sa ngã, vì yếu đuối hoặc sai lầm, vì tất cả là hồng ân và không thể để uổng mất. Thi hành công việc của mình với tinh thần yêu thương, chính xác, cẩn thận, như một hồng ân và sứ mạng, dù đó là những điều khiêm hạ...”.
Tiếp đến, “làm phép bánh” cũng có nghĩa là tưởng niệm. Đối với dân Israel xưa kia, tưởng niệm là nhớ lại sự giải thoát khỏi tình trạng nô lệ ở Ai Cập. Đối với chúng ta, đó là sống lại cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, cuộc khổ nạn và sống lại, qua đó, Chúa giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết, hồi tưởng lại lúc chính Chúa bẻ bánh và nói: “Này là Mình Thầy đã bị nộp vì các con; hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22,19) và lúc Chúa quỳ xuống rửa chân cho các tông đồ và nói: “Thầy đã làm gương [...] để các con cũng làm như Thầy đã làm” (Ga 13,15).
Đức Thánh cha nhận xét rằng: “có người nói: người tự do là người chỉ nghĩ đến mình, người vui hưởng cuộc sống và người bất cần đời, và thậm chí còn ngang ngược làm những gì mình muốn, bất chấp những người khác. Nhưng đó không phải là tự do, mà là nô lệ, và chúng ta thấy rõ điều đó khi sự khép kín và co cụm vào mình chỉ tạo nên nghèo túng, cô đơn, bóc lột, chiến tranh và lệ thuộc. Trong tất cả những trường hợp đó, ta thấy rõ sự ích kỷ không mang lại tự do, nhưng là sự nô lệ”.
Sau cùng, bánh Thánh Thể là sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô. Và qua điều này, Chúa Giêsu nói với chúng ta về một Thiên Chúa không xa cách và ghen tương, nhưng gần gũi và liên đới với con người; Chúa không bỏ rơi chúng ta, nhưng tìm kiếm, chờ đợi, và luôn đồng hành với chúng ta, đến độ đặt mình trong tay chúng ta, với thái độ không tự vệ, tùy thuộc chúng ta có chấp nhận thay phủ nhận Ngài”.
“Sự hiện diện này của Chúa mời gọi chúng ta cũng hãy trở nên tha nhân của các anh chị em, tại nơi mà tình thương kêu gọi chúng ta: gần gũi những người cô đơn, người xa nhà, và bất kỳ những ai cần chúng ta”.
Và Đức Thánh cha kêu gọi: trong thế giới chúng ta đang cần hương thơm của bánh vừa ra lò, một thiện ích quá quí giá, không thể bị quẳng đi. “Cần cấp thiết đưa trở lại thế giới mùi thơm của bánh ngon và mới, bánh tình thương, để tiếp tục hy vọng và tái thiết, không bao giờ mệt mỏi, điều mà oán ghét tàn phá”.
Rước kiệu Mình Thánh Chúa
Cuối thánh lễ, lúc 6 giờ 30 tối, có cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa. Trước khi bắt đầu, Đức Thánh cha giải thích rằng: “Chúng ta không đi rước để biểu dương minh, và cũng chẳng phải để biểu dương đức tin của chúng ta, nhưng để mời gọi tất cả mọi người, qua Bánh Thánh Thể, tham dự vào sự sống mới mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Chúng ta hãy đi rước trong tinh thần này.
Đoàn rước tiến hành trên đường Merulana, dài một cây số tới Đền thờ Đức Bà Cả, với sự tham dự của các hồng y, Kinh sĩ đoàn, và đông đảo các tín hữu. Vì đi lại khó khăn, nên Đức Thánh cha không tham dự cuộc rước được, nhưng ngài chủ sự nghi thức chầu và ban Phép lành Mình Thánh Chúa, tại thềm Đền thờ Đức Bà Cả, kết thúc buổi lễ.
(Vatican News 2-6-2024)