Đức Thánh cha chủ sự thánh lễ Ngày Thế giới Các Ông Bà và người Cao niên
Lúc 10 giờ sáng, Chúa nhật, ngày 23 tháng Bảy năm 2023, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô, nhân Ngày Thế giới Các Ông Bà và người Cao niên Lần thứ III, năm nay có chủ đề là “Lòng thương xót của Chúa từ đời nọ đến đời kia” (Luca 1,50). Đây là thánh lễ duy nhất Đức Thánh cha cử hành tại Đền thờ này trong kỳ hè tháng Bảy này của ngài.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đặc biệt với thánh lễ này, hệ thống âm thanh mới của Đền thờ thánh Phêrô cũng bắt đầu được sử dụng, sau mười tháng tân trang, thay thế cho hệ thống cũ được sử dụng hồi bắt đầu Năm Thánh 2000. Hệ thống mới được thực hiện để nhân dịp Năm Thánh 2025 tới đây, được cải tiến rất nhiều với 200 cây số sợi quang và kỹ thuật số.
Tham dự thánh lễ Đức Thánh cha cử hành sáng 23 tháng Bảy, có 7.000 người ngồi đầy kín thánh đường, trong đó có nhiều người cao tuổi đến từ nhiều nơi ở Ý: các ông bà được con cháu và thân nhân tháp tùng, những người cao niên từ các nhà dưỡng lão, cũng như nhiều người cao niên khác dấn thân trong đời sống giáo xứ, giáo phận và các hội đoàn.
Đồng tế với Đức Thánh cha, có 14 hồng y, giám mục và khoảng 30 linh mục. Đặc biệt, ban giúp lễ gồm một số người cao niên, thay vì các chủng sinh như trong các thánh lễ khác của Đức Thánh cha. Thay ngài cử hành các nghi thức tại bàn thờ, là Đức Hồng y Kevin Joseph Farrell, người Ailen, Bộ trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha đã giải thích vắn tắt ý nghĩa ba dụ ngôn Chúa Giêsu dạy trong bài Tin mừng của ngày lễ, đi từ một khía cạnh chung, đó là “cùng nhau tăng trưởng”.
Trước hết là dụ ngôn lúa tốt và cỏ dại (Xc Mt 13,24-30) được gieo trên cùng một cánh đồng, nói lên lịch sử con người, gồm cả ánh sáng và bóng tối, yêu thương và ích kỷ, thiện và ác xen lẫn nhau. Từ ý thức đó, Kitô hữu không rơi vào thái độ bi quan, cũng chẳng thơ ngây tưởng mình sống trong thế giới thần tiên, mọi sự đều tốt đẹp. Dụ ngôn này cũng được Đức Thánh cha nhắc lại và quảng diễn sâu rộng và thực tế hơn trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin sau thánh lễ.
Dụ ngôn thứ hai: Nước trời giống như hạt cải bé nhỏ âm thầm tăng trưởng, trở thành cây lớn hơn các cây khác trong vườn, đến độ chim trời đến làm tổ trên cây (Mt 13,32). Đức Thánh cha nhận xét rằng: Cuộc đời của chúng ta cũng tương tự như vậy, chúng ta tăng trưởng, trở thành người lớn và người già. “Điều quan trọng nhất là trở thành cây không sống cho bản thân, nhưng để tạo nên bóng mát cho người mong ước, cống hiến không gian cho người muốn làm tổ trên đó. Trong dụ ngôn này, cùng nhau tăng trưởng: cây già và những con chim nhỏ”. Đức Thánh cha nói: “Tôi nghĩ đến các ông bà như những cây xum xuê, dưới bóng cây con cháu thực hiện những “tổ” của chúng, học bầu không khí gia đình và cảm nghiệm sự dịu dàng của vòng tay ôm”.
Sau cùng là dụ ngôn men và bột, cùng tăng trưởng với nhau (Xc Mt 13,33). Sự pha trộn men và bột làm cho cả đấu bột được dậy lên. “Chúa Giêsu dùng động từ pha trộn, nhắc nhớ một nghệ thuật huyền nhiệm sống chung, pha trộn, gặp gỡ nhau, ôm lấy nhau, đi ra khỏi mình để kết hiệp với người khác. Thái độ này đánh bại chủ nghĩa cá nhân và ích kỷ, giúp chúng ta tạo nên một thế giới nhân bản và huynh đệ hơn”.
Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Anh chị em, Lời Chúa mời gọi chúng ta đừng chia cách, đừng khép kín mình, nhưng cùng nhau tăng trưởng. Chúng ta hãy lắng nghe nhau, đối thoại, nâng đỡ nhau. Chúng ta đừng quên các ông bà và người già. Nhờ sự vuốt ve âu yếm của ông bà, bao nhiêu lần chúng ta đã trỗi dậy, tái lên đường, cảm thấy được yêu thương, được hồi sinh, chữa lành trong nội tâm”.
Ý nguyện
Trong phần các lời nguyện phổ quát, mọi người đã lần lượt cầu nguyện cho Giáo hội, cho những người đang đau khổ vì chiến tranh và bạo lực, “anh em chém giết nhau”, để oán thù nhường chỗ cho hòa giải và thực sự tìm kiếm hòa bình, cầu cho các ông bà để chứng tá đức tin, tình yêu thương của họ đối với gia đình và kinh nghiệm sống của họ được đón nhận như những hồng ân quý giá cần vun trồng và thông truyền”; cầu cho tất cả những người già, để giống như ông Simeon và bà Anna nơi Đền thờ, họ luôn biết chỉ dẫn cho chúng ta sự hiện diện của Chúa giữa chúng ta và dạy chúng ta phó thác cuộc sống chúng ta cho Chúa”. Sau cùng, là “cầu cho mỗi người chúng ta biết kiến tạo những tương quan nhân bản không hời hợt, xa tránh mọi hình thức phân bì, ghen tương và thù hận”.
Cuối thánh lễ, Đức Thánh cha nhắn nhủ mọi người: “Tác giả thánh vịnh nhắc nhở chúng ta rằng thế hệ này thuật lại cho thế hệ sau những công trình của Chúa (Tv 144) và tất cả chúng ta được kêu gọi, cùng với kiến thức và hương vị cuộc sống, hãy thông truyền cho những người trẻ hơn Lời Thánh Giá, là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa để được ơn cứu độ (Xc 1 Cr 1,18). Các ông bà quý mến, đó là nhiệm vụ của anh chị em; và các con, hỡi những người trẻ, các con hãy vững mạnh trong dấu chỉ này của đức tin mà các con đã lãnh nhận như hồng ân khi chịu phép Rửa (Xc 1 Ga 2,14), để các con có thể tăng trưởng trong sự hiểu biết về tình thương của Chúa Kitô (Xc Ep 4,15) và làm chứng cho thế giới”.
Tiếp lời Đức Thánh cha, năm người cao niên, đại diện cho năm châu lục đã đeo vào cổ Thánh giá nhỏ của Ngày Quốc tế Giới trẻ cho năm người trẻ chuẩn bị lên đường tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 37, sẽ tiến hành tại Lisboa, Bồ Đào Nha vào đầu tháng Tám sắp tới. Cử chỉ này tượng trưng sự thông truyền đức tin từ đời này sang đời khác, và đồng thời cũng muốn nói lên sự cam kết của các ông bà và người già cầu nguyện cho những người trẻ chuẩn bị khởi hành và đồng hành với họ với lời chúc lành.
Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 20 phút, với bài thánh ca kính Đức Mẹ.