Đức Thánh cha chủ sự buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh địa
Chiều mùng 07 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh địa, nhân dịp kỷ niệm đúng tám tháng chiến tranh bùng nổ giữa Hamas và Israel, và mười năm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa ngài với Tổng thống Israel, ông Shimon Peres, và Tổng thống Palestine, ông Mahmoud Abbas, và cầu nguyện cho hòa bình tại Trung Đông.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Tham dự buổi cầu nguyện vào lúc 7 giờ chiều, tại vườn Vatican, dưới bóng cây ôliu được Đức Thánh cha và Đức Thượng phụ Chính thống Constantinople, và hai vị tổng thống trồng cách đây mười năm, có nhiều vị hồng y, giám mục, cùng với các vị đại sứ Israel và Palestine, một số đại sứ các nước khác cạnh Tòa Thánh, một số nhân vật khác, như Rabbi Do thái Alberto Funaro, đặc trách Hội đồng Do thái ở Roma, ông Abdellah Redouane, Tổng thư ký Trung tâm văn hóa Hồi giáo ở Ý.
Lời dẫn nhập
Ngỏ lời với mọi người trước khi đọc kinh nguyện, Đức Thánh cha nhắc đến sự gia tăng thù nghịch từ nhiều tháng nay và bao nhiêu người vô tội bị chết dưới mắt chúng ta. Ngài nói: “Tất cả những đau khổ, tàn bạo của chiến tranh, bạo lực từ đó sinh ra, và sự oán ghét gieo rắc cả nơi các thế hệ tương lai, phải làm cho chúng ta xác tín rằng “mỗi cuộc chiến tranh để lại một thế giới tệ hơn trước. Chiến tranh là một thất bại của chính trị và của nhân loại, một sự đầu hàng ô nhục, một chiến bại trước quyền lực của sự ác” (Fratelli tutti, 261).
“Vì thế, thay vì nuôi ảo tưởng cho rằng chiến tranh có thể giải quyết mọi vấn đề và mang lại hòa bình, chúng ta phải có tinh thần phê bình và cảnh giác chống lại ý thức hệ thịnh hành ngày nay, theo đó “xung đột, bạo lực và đổ vỡ là thành phần của hoạt động bình thường trong xã hội” (Idem 236). Điều liên quan ở đây là luôn có những tranh chấp quyền hành giữa các nhóm xã hội khác nhau, các lợi lộc kinh tế, những thái độ duy quân bình chính trị quốc tế, nhắm tới một nền hòa bình chỉ có vẻ bề ngoài, và trốn tránh các vấn đề thực sự”.
“Trái lại, trong một thời kỳ có những xung đột thê thảm, cần tái dấn thân xây dựng một thế giới hòa bình. Tôi muốn nói với tất cả các tín hữu và những người thiện chí rằng: chúng ta đừng ngưng mơ ước hòa bình và xây dựng những tương quan hòa bình!... Tất cả chúng ta cần làm việc và dấn thân để đạt tới một nền hòa bình lâu bền, trong đó quốc gia Palestine và Israel có thể sống cạnh nhau, phá đổ những bức tường thù nghịch và oán ghét; tất cả chúng ta phải quan tâm đến Jerusalem, để nơi này trở thành chốn gặp gỡ huynh đệ giữa các tín hữu Kitô, Do thái, Hồi giáo, được bảo vệ bằng một quy chế đặc biệt, được bảo đảm trên bình diện quốc tế”.
Và Đức Thánh cha kết thúc với lời khẩn xin Thiên Chúa hòa bình, lắng nghe lời khẩn cầu, “xin Chúa trợ giúp và ban an bình, xin dạy chúng con an bình của Chúa, dẫn chúng con tiến về hòa bình. Xin mở mắt và tâm hồn chúng con, ban cho chúng con can đảm nói rằng: không bao giờ chiến tranh nữa! Với chiến tranh, mọi sự đều bị hủy diệt! Xin đổ tràn trong chúng con ơn can đảm thực hiện những cử chỉ cụ thể để xây dựng hòa bình!”
Cuối buổi cầu nguyện, Đức Thánh cha và các vị đại diện Israel, Palestine và Hồi giáo đã tưới cây ôliu, một cử chỉ biểu tượng và hy vọng vào những viễn tượng hòa bình không bao giờ bị khô héo.
(Vatican News 7-6-2024)