Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Với ơn Chúa, ta có thể thủ đắc các nhân đức

Photo: Vatican Media

Sáng thứ Tư, ngày 13 tháng Ba năm 2024, dưới bầu trời nắng đẹp, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung hơn 15.000 tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Vào lúc 8 giờ 45 phút, Đức Thánh cha dùng xe mui trần tiến ra quảng trường, đi qua các lối đi, để chào thăm các tín hữu. Có bốn em bé được lên ngồi cùng xe với ngài. Một ban nhạc hơn 60 người, ăn mặc như lính La Mã đánh trống, thổi kèn làm gia tăng bầu không khí vui nhộn. Một khu vực riêng được dành cho khoảng 100 sinh viên trường Hạ sĩ quan Hải quân Ý cùng với gia đình họ.

Trong số những người hiện diện trên thềm đền thờ, có khoảng mười giám mục về Roma viếng thăm Tòa Thánh, và hàng chục đôi tân hôn cùng đông đảo các tín hữu khác.

Trong phần tôn vinh Lời Chúa đầu buổi tiếp kiến, mọi người đã nghe đọc một đoạn ngắn trích từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philipphê (4,8-9):

“Anh chị em, điều gì là chân thật, cao thượng, công chính, tinh tuyền, khả ái, được tôn trọng, điều gì là nhân đức và đáng khen, anh chị em hãy suy tư về những điều ấy. [...] và Thiên Chúa của an bình sẽ ở với anh chị em”!

Bài huấn giáo

Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về các nết xấu và các nhân đức. Bài thứ mười một này có tựa đề: “Hành động nhân đức”. Vì giọng Đức Thánh cha còn yếu nên một linh mục đã đọc bài huấn giáo thay ngài với nội dung như sau:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Dẫn nhập

Sau khi kết thúc những bài về các tật xấu, bây giờ đến lúc hướng cái nhìn về khuôn khổ tương ứng, đối nghịch với kinh nghiệm sự ác. Tâm hồn con người có thể hỗ trợ những đam mê xấu xa, có thể chiều theo những cám dỗ tai hại được trá hình với những bộ áo thu hút, nhưng ta cũng có thể chống lại tất cả những điều đó. Dù có thể phải cơ cực thế nào đi nữa, con người vẫn được dựng nên để làm điều thiện, và thực hiện nó một cách đích thực, và cũng có thể thực tập trong nghệ thuật này, làm sao để một số tập quán trở nên bền bỉ nơi mình. Những suy tư về khả năng tuyệt vời này của chúng ta họp thành một chương cổ điển trong triết học luân lý: đó là chương nói về các nhân đức. Các triết gia Roma gọi “virus”, nhân đức, và các triết gia Hy Lạp thì gọi là “aretè”. Từ Latinh đặc biệt nêu rõ rằng người nhân đức thì mạnh mẽ, can đảm, có khả năng kỷ luật và khổ hạnh; vì thế, việc tập luyện các nhân đức là kết quả của một sự ươm mầm lâu dài, đòi cố gắng vất vả và cả đau khổ nữa. Trái lại, từ Hy Lạp, “aretè”, chỉ cái gì trổi vượt, cái gì nổi lên, gợi lên lòng ngưỡng mộ. Vì thế, người nhân đức là người không bị biến thái, nhưng trung thành với ơn gọi của mình, thực hiện hoàn toàn chính mình.

Người nhân đức là gì?

“Chúng ta đi lạc đề nếu nghĩ rằng các thánh là những trường hợp ngoại lệ của nhân loại: một nhóm nhỏ những nhà vô địch sống ngoài những giới hạn của thứ loại chúng ta. Trái lại, trong viễn tượng mà chúng ta vừa dẫn vào liên quan đến các nhân đức, các thánh là những người trở nên hoàn toàn là chính mình, thực hiện ơn gọi riêng của mỗi người. Thế giới hạnh phúc là thế giới trong đó công lý, sự tôn trọng, sự tử tế đối với nhau, tâm hồn quảng đại, hy vọng là quy luật chung, chứ không phải là điều ngoại thường hiếm có! Cũng vì lý do đó, chương bàn về hành động nhân đức, trong thời đại bi thảm trong đó chúng ta thường phải đương đầu với những điều tệ nhất của con người, hành động nhân đức phải được mọi người tái khám phá và thực hành. Trong một thế giới bị biến thể, chúng ta phải ghi nhớ hình ảnh chúng ta được tạo nên, hình ảnh Thiên Chúa được in vào trong chúng ta mãi mãi.

Nhưng làm sao chúng ta có thể định nghĩa ý niệm nhân đức? Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo cống hiến cho chúng ta một định nghĩa chính xác và cô đọng: “nhân đức là một tập quán thường xuyên và kiên vững làm điều thiện” (n.1803). Vì thế, nó không phải là một điều thiện bất ngờ và tình cờ, thỉnh thoảng từ trời rơi xuống. Lịch sử nói với chúng ta rằng cả những kẻ gian ác, trong một lúc sáng suốt, cũng làm những hành động tốt; chắc chắn những hành động này được ghi trong “sổ sách của Thiên Chúa”, nhưng nhân đức là điều khác. Đó là một điều thiện nảy sinh từ sự trưởng thành của con người, đến độ trở thành một đặc tính nội tâm của họ. Nhân đức là một “habitus”, một tập quán của tự do. Nếu chúng ta tự do trong mọi hành động, và mỗi lần chúng ta được kêu gọi chọn lựa giữa điều thiện và điều ác, thì nhân đức là điều giúp chúng ta có một tập quán chọn lựa đúng đắn.

Làm sao thủ đắc nhân đức?

Nếu nhân đức là một món quà đẹp như thế, thì tức khắc có câu hỏi: làm thế nào để có thể thủ đắc được nhân đức? Câu trả lời cho thắc mắc này không đơn giản, trái lại nó phức tạp.

Nhờ ơn thánh

Đối với Kitô hữu, trợ giúp đầu tiên là ơn thánh của Thiên Chúa. Thực vậy, nơi chúng ta là những người đã chịu phép rửa, Chúa Thánh Linh làm việc trong tâm hồn chúng ta để dẫn đưa ta tiến đến một cuộc sống nhân đức. Bao nhiêu Kitô hữu đã nên thánh qua nước mắt, nhận thấy không vượt qua được một số yếu đuối của mình! Nhưng họ đã cảm nghiệm rằng Thiên Chúa đã hoàn tất công việc ấy tốt đẹp, trước đó nó chỉ là một bản phác thảo. Ơn thánh luôn đi trước nỗ lực luân lý của chúng ta.

Cầu xin ơn khôn Ngoan

Ngoài ra, ta không bao giờ được quên rằng bài học rất phong phú được gửi tới chúng ta từ sự khôn ngoan của người xưa, dạy chúng ta rằng nhân đức tăng trưởng và có thể được vun trồng. Và để điều đó xảy ra thì ơn đầu tiên cần xin Chúa Thánh Linh chính là sự khôn ngoan. Con người không phải là một khu đất mà khoái lạc, cảm xúc, bản năng, đam mê tự do chinh phục mà ta mà không thể làm gì để chống các lực lượng ấy, nhiều khi chúng đồn trú hỗn độn tại đó. Một ơn vô giá mà chúng ta có được, đó là sự cởi mở tâm trí, là sự khôn ngoan học hỏi từ những lỗi lầm để chỉnh sửa lại cuộc sống cho tốt đẹp. Tiếp đến, chúng ta cần có thiện chí: khả năng chọn lựa điều thiện, nhào nặn chúng ta bằng sự tập luận khổ chế, tránh xa những thái quá.

Anh chị em thân mến, vậy chúng ta hãy bắt đầu hành trình qua các nhân đức, trong vũ trụ thanh thản này, cuộc hành trình đòi nhiều dấn thân, nhưng quan trọng đối với hạnh phúc của chúng ta.

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài giáo lý trên đây là phần tóm tắt và chào thăm bằng các thứ tiếng, kèm theo những lời nhắn nhủ của Đức Thánh cha.

Khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Trong thời đại bi thảm của chúng ta ngày nay, nhiều khi chúng ta thường phải đối đầu với những gì là tệ hại nhất trong con người, cần tái khám phá tầm quan trọng của sự vun trồng trong chúng ta khuynh hướng thường xuyên và kiên định làm điều thiện. Anh chị em hãy học hỏi điều này từ các thánh của anh chị em, cầu xin ơn phù trợ của Thiên Chúa”.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha chào thăm các thành viên Tổng Tu nghị Dòng nữ Cát Minh Thừa Sai và Dòng Tông đồ Thánh Tâm Chúa Giêsu, khuyến khích họ hãy bảo tồn gia sản tinh thần của dòng liên hệ.

Đức Thánh cha cũng chào thăm các tín hữu đến từ nhiều giáo xứ, Phân khoa Giáo luật thánh Piô X ở Venezia, đồng thời cầu mong mỗi người biết đáp ứng ơn gọi Kitô, đóng góp hữu hiệu vào sự tăng triển của xã hội. Ngài cũng chào thăm các sinh viên trường Hạ sĩ quan hải quân ở cảng Taranto, miền nam Ý, và nhắn nhủ họ thi hành công tác phục vụ trung thành và quảng đại.

Đức Thánh cha nhắc đến những người trẻ, các bệnh nhân, người cao niên và các đôi tân hôn, đồng thời nhắn nhủ rằng: “Tôi mời gọi tất cả hãy tiếp tục hành trình Mùa chay, sẵn sàng thực hiện những cử chỉ liên đới theo tinh thần Kitô tại bất cứ nơi nào Chúa Quan Phòng gọi anh chị em đi tới và hoạt động.

“Chúng ta hãy kiên trì sốt sắng cầu nguyện cho những người đang đau khổ kinh khủng vì chiến tranh, nhất là tại Ucraina và Thánh địa”.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.