Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Nơi nào có Thánh Thần Chúa thì nơi đó có tự do

Photo: Vatican Media
Trong buổi Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha Phanxicô, lúc 9 giờ sáng, thứ Tư, ngày 05 tháng Sáu năm 2024, tại Quảng trường thánh Phêrô, đã có 20.000 tín hữu hành hương đến tham dự.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Như thường lệ, sau khi Đức Thánh cha đi xe tiến qua các lối đi để chào thăm mọi người, buổi tiếp kiến được mở đầu với phần lắng nghe Lời Chúa, qua ba câu trích từ chương 3 của Tin mừng theo thánh Gioan (3,6-8):

“Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: “Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy”.

Bài Huấn giáo

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về “Thánh Thần và Hôn Thê. Chúa Thánh Linh hướng dẫn Dân Chúa gặp gỡ Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta”. Bài thứ hai này có tựa đề là: “Gió muốn thổi đâu thì thổi. Nơi nào có Thánh Thần Chúa thì nơi đó có tự do”.

Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài huấn giáo hôm nay, tôi muốn suy tư với anh chị em về danh xưng Chúa Thánh Linh được gọi trong Kinh thánh.

Tên của một người

Điều đầu tiên mà chúng ta biết về một nhân vật là danh xưng. Chính qua danh xưng ấy, chúng ta gọi họ, phân biệt và nhớ đến họ. Cả Ngôi Ba trong Chúa Ba Ngôi cũng có một tên: Người được gọi là Thánh Linh. Nhưng từ “Spirito” là tên được Latinh hóa. Danh xưng Spirito, tên mà những người đầu tiên đón nhận mạc khải, tên mà các vị ngôn sứ khẩn cầu, các tác giả thánh vịnh, Mẹ Maria, Chúa Giêsu và tông đồ dùng, là Ruach, có nghĩa là thổi, là gió, và hơi thở.

Trong Kinh thánh, danh xưng rất quan trọng đến độ được đồng hóa với chính con người. Thánh hóa danh Thiên Chúa, là thánh hóa và tôn kính chính Thiên Chúa. Danh xưng không bao giờ chỉ là một tên gọi quy ước: chỉ luôn nói lên một cái gì đó về con người, nguồn gốc hoặc sứ mạng của họ. Cũng như vậy về danh xưng Ruach. Tên này chứa đựng nền tảng mạc khải căn bản đầu tiên về con người và chức năng của Chúa Thánh Linh.

Danh xưng Ruach

Chính khi quan sát gió và những biểu hiện của nó, mà các tác giả Sách thánh được Thiên Chúa hướng dẫn khám phá “một gió” có bản chất khác. Không phải tình cờ mà vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Linh ngự xuống trên các tông đồ, có kèm theo “tiếng gió thổi mạnh” (Xc Cv 2,2). Nó như thể Chúa Thánh Linh ký tên trên những gì đang xảy ra.

Vì thế, ta nói gì về Thánh Linh, danh xưng của Ngài là Ruach? Hình ảnh gió trước tiên giúp diễn tả quyền năng của Thánh Thần Chúa. “Tinh thần và quyền năng” hoặc “Quyền năng của Thánh Thần” là hai tên thường thấy trong toàn Kinh thánh. Thực vậy, gió là sức mạnh đảo lộn và không thể chế ngự được. Thậm chí, nó có khả năng chuyển động đại dương.

Nhưng cả trong trường hợp này, để khám phá ý nghĩa đầy đủ của các thực tại Kinh thánh, điều cần là không dừng lại ở Cựu ước, nhưng đi tới Chúa Giêsu. Bên cạnh quyền năng, Chúa Giêsu còn đưa ra ánh sáng một đặc tính khác của gió. đó là tự do. Chúa long trọng nói với ông Nicôđêmô, đến tìm Ngài ban đêm, rằng: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3,8).

Đừng khép kín Thánh Linh

Gió là điều duy nhất ta không thể tuyệt đối kiềm chế, không thể “đóng trong chai” hoặc đóng hộp. Chủ trương khép kín Thánh Linh trong những ý niệm, những định nghĩa, luận đề hoặc khảo luận, như nhiều khi chủ thuyết duy lý tân thời muốn làm, có nghĩa là đánh mất gió, làm nó tan biến, hoặc thu hẹp nó vào tinh thần con người thuần túy. Nhưng có một cám dỗ tương tự, cả trong lãnh vực Giáo hội, và đó là toan tính muốn khép kín Thánh Linh trong những quy luật, những định chế và định nghĩa. Thánh Linh sáng tạo và linh hoạt các cơ chế, nhưng không thể là chính Ngài bị “cơ chế hóa”. Gió muốn “thổi đâu thì thổi”, cũng thế Thánh Linh phân phát các đặc ân của Ngài như Ngài muốn (1 Cr 12.11).

Thánh Phaolô sẽ biến tất cả điều đó thành quy luật cơ bản của cách hành động Kitô: “Nơi nào có Thánh Thần Chúa, nơi ấy có tự do” (2 Vr 3,17). Đây là tự do rất đặc biệt, rất khác điều mà chúng ta thường hiểu. Tự do không phải là muốn làm gì thì làm, nhưng thong dong hành động một cách tự do điều Thiên Chúa muốn! Tự do không phải là làm điều thiện hay điều ác, nhưng là tự do làm điều thiện và thực hiện điều thiện một cách tự do, nghĩa là vì sự thu hút chứ không phải vì cưỡng bách. Nói khác đi, tự do của con cái chứ không phải tự do của những người nô lệ.

Thánh Phaolô ý thức rõ về sự lạm dụng và hiểu lầm rằng ta có thể thực hiện tự do ấy. Thật vậy, thánh nhân viết cho các tín hữu Galát: “Hỡi anh em, anh em được kêu gọi sống tự do. Nhưng tự do này không được trở thành cái cớ cho xác thịt; trái lại, nhờ tình yêu phục vụ nhau” (Gl 5,13). Đây là một tự do được biểu lộ trong điều có vẻ trái ngược, đó là phục vụ, nhưng đó là tự do đích thực.

Ý nghĩa tự do

Chúng ta biết rõ khi nào tự do này trở thành “cái cớ cho xác thịt”. Thánh Phaolô liệt kê một danh sách luôn luôn thời sự: “Dâm ô, ô uế, tháo thứ, thờ ngẫu tượng, phù phép, thù nghịch, bất thuận, ghen tương, bất thuận, chia rẽ, phe phái, tị ngạnh, say sưa, những cuộc truy hoan và những thứ tương tự” (Gl 5, 19-21). Nhưng cũng chính tự do để cho những kẻ giàu bóc lột người nghèo, kẻ mạnh bóc lột người yếu và tất cả khai thác môi trường mà không bị trừng phạt.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em, ở đâu chúng ta kín múc tự do của Thánh Linh, trái ngược với tự do ích kỷ? Câu trả lời ở trong lời Chúa Giêsu, một ngày kia, đã nói với những người nghe Ngài: “Nếu Con Người làm cho các con tự do, thì các con sẽ tự do thực sự” (Ga 8.36). Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu làm cho chúng ta, nhờ Thánh Linh của Ngài, trở thành những người nam nữ tự do thực sự: Tự do để phục vụ, trong yêu thương và vui mừng.

Chào thăm và kêu gọi

Bài giáo lý của Đức Thánh cha lần lượt được tóm tắt trong các ngôn ngữ khác nhau, cùng với lời chào thăm và nhắn nhủ của ngài.

Khi chào các nhóm nói tiếng Pháp, Đức Thánh cha nhắc đến một nhóm thuộc Chủng viện của Dòng Cát Minh và các tín hữu đến từ nước Pháp và đảo La Réunion.

Với các tín hữu hành hương nói tiếng Anh, Đức Thánh cha chào các nhóm đến từ Anh quốc, Ecosse, Hòa Lan, Australia, Malaysia, Canada và Mỹ, đồng thời nói thêm rằng: “tôi nguyện xin niềm vui và an bình của Chúa xuống trên anh chị em và gia quyến.

Bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nói với các tín hữu rằng: “Trong những ngày này, khi kỷ niệm cuộc tông du đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II tại quê hương và kinh nguyện của người, xin Chúa Thánh Linh ngự xuống và canh tân bộ mặt trái đất, quê hương của anh chị em. Anh chị em đã phục hồi tự do. Nhưng chúng ta đừng quên rằng tự do đến từ Thánh Linh, chứ không phải là cái cớ cho xác thịt, như thánh Phaolô đã nói, nhưng là dấn thân tăng trưởng trong chân lý Chúa Kitô đã mạc khải và bảo vệ tự do ấy trước mặt thế gian.

Sau cùng, khi chào bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha thông báo sẽ công bố một văn kiện cổ võ lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, và tái lên án chiến tranh, những xu hướng và cám dỗ gây ra cuộc xung đột thế giới, nhân kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ của quân Đồng minh tại Normandia, bên Pháp.

Đức Thánh cha cũng nhắc đến các bạn trẻ thuộc miền Puglie, nam Ý và khuyến khích họ hãy quảng đại đáp lại tiếng Chúa gọi.

Đức Thánh cha cũng chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân, người cao tuổi và các đôi tân hôn. Ngài nói: “Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu và lễ nhớ Khiết Tâm Đức Mẹ, mà Giáo hội chuẩn bị cử hành trong những ngày tới đây, nhắc nhở chúng ta cần đáp lại tình thương cứu độ của Chúa Kitô và mời gọi chúng ta tín thác nơi sự chuyển cầu của Mẹ Chúa chúng ta.

Buổi Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.