Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Nghĩa vụ luân lý của chúng ta là phải góp phần chấm dứt việc sản xuất và buôn bán ma túy

Photo: Vatican Media
Trong buổi Tiếp kiến chung, lúc gần 9 giờ sáng, thứ Tư, ngày 26 tháng Sáu vừa qua, đã có gần hai mươi ngàn tín hữu hành hương đến tham dự với Đức Thánh cha Phanxicô, tại Quảng trường thánh Phêrô.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Như thường lệ, Đức Thánh cha tiến ra quảng trường trước giờ cử hành để chào thăm các tín hữu, rồi tiến lên bục cao ở thềm Đền thờ, Đức Thánh cha mở đầu buổi tiếp kiến với thánh giá và lời chào phụng vụ, và cùng mọi người lắng nghe Lời Chúa, trích từ thư thứ I của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (1Cr 6,12-14):

“Tôi được phép làm mọi sự; nhưng không phải mọi sự đều có ích. “Tôi được phép làm mọi sự, nhưng tôi sẽ không để sự gì làm chủ được tôi. Thức ăn dành cho bụng, và bụng dành cho thức ăn. Thiên Chúa sẽ hủy diệt cả cái này lẫn cái kia, nhưng thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại”.

Bài huấn giáo

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tạm ngưng loạt bài về “Thánh Thần và Hôn Thê. Chúa Thánh Linh hướng dẫn Dân Chúa gặp gỡ Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta”. Thay vào đó, ngài nói về một vấn đề thời sự trong xã hội.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, là Ngày Thế giới chống lạm dụng và buôn bán bất hợp pháp ma túy. Ngày này do Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ấn định hồi năm 1987. Đề tài năm nay là: “Những bằng chứng thật rõ ràng: cần đầu tư vào việc phòng ngừa.

Thánh Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng “sự lạm dụng ma túy làm cho mỗi cộng đoàn có nạn ma túy, trở nên nghèo nàn. Nó giảm bớt sức mạnh con người và cơ cấu luân lý. Nó làm thương tổn các giá trị được quý chuộng. Nó phá hủy ước muốn sống và góp phần vào một xã hội tốt đẹp hơn” (1). Nhưng đồng thời, chúng ta hãy nhớ rằng mỗi người nghiện ma túy đều “mang trong mình một lịch sử bản thân khác nhau, cần được lắng nghe, cảm thông, thương mến, và chữa lành cũng như thanh tẩy bao nhiêu có thể. [...]. Hơn bao giờ hết, những người nghiện ngập tiếp tục có một phẩm giá, trong tư cách là những người con của Thiên Chúa” (2).

Buôn bán ma túy là sát nhân

Nhưng chúng ta không thể làm ngơ không biết đến ý hướng và những hành động gian ác của những kẻ bán lẻ và buôn ma túy. Họ là những kẻ sát nhân. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã dùng những từ rất nghiêm khắc trong cuộc viếng thăm một cộng đoàn cai nghiện: “Tôi nói với những người buôn bán ma túy rằng hãy suy nghĩ về điều ác mà họ đang gây ra cho đông đảo người trẻ và người lớn thuộc mọi giai tầng xã hội: Thiên Chúa sẽ hỏi tội về những gì họ làm. Phẩm giá con người không thể bị chà đạp như thế” (3).

Không thể cho tự do sử dụng ma túy

Người ta không thể giảm bớt nạn nghiện ma túy bằng cách cho tự do sử dụng nó, như một số đề nghị đã và đang được thực hiện tại một số nước. Sau khi được biết bao nhiêu tình cảnh đau thương của những người nghiện ma túy và gia đình họ, tôi xác tín rằng một nghĩa vụ luân lý là phải chấm dứt việc sản xuất và buôn bán chất độc hại này. Bao nhiêu kẻ buôn bán chết chóc, do sự thúc đẩy của lòng ham muốn quyền lực và tiền bạc với bất kỳ giá nào! Tai ương này, gây ra bạo lực và gieo rắc đau khổ và chết chóc, đòi toàn thể xã hội cần có một thái độ can đảm.

Việc sản xuất và buôn bán ma túy có ảnh hưởng tàn phá, kể cả đối với căn nhà chung của chúng ta. Ví dụ, điều này ngày càng trở nên hiển nhiên tại miền Amazonia.

Phòng ngừa

Một con đường ưu tiên khác để chống lại nạn lạm dụng và buôn bán ma túy là con đường phòng ngừa, bằng cách thăng tiến hơn công lý, giáo dục người trẻ về các giá trị xây dựng đời sống bản thân và cộng đoàn, đồng hành với những người đang gặp khó khăn và mang lại hy vọng vào tương lai.

Giúp cai nghiện

Trong các chuyến tông du, tôi đã viếng thăm nhiều cộng đoàn phục vụ theo tinh thần Tin mừng. Các cộng đoàn này là một chứng tá mạnh mẽ và đầy hy vọng về sự dấn thân của các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân thực hành dụ ngôn người Samaritano nhân lành. Cũng là điều an ủi khi thấy những nỗ lực của các Hội đồng Giám mục trong việc cổ võ những luật pháp và chính sách đúng đắn đối với những người nghiện ma túy và phòng ngừa để chặn đứng tai ương này.

Ví dụ, tôi nói đến mạng “Mục vụ Mỹ châu Latinh phòng ngừa nghiện ngập”, gọi tắt là PLAPA. Quy chế của mạng này nhìn nhận rằng “sự nghiện rượu, các chất ảnh hưởng tâm lý và những hình thức nghiện ngập khác (dâm ô, những kỹ thuật mới, v.v.) ... là một vấn đề làm thương tổn chúng ta, không phân biệt, vượt lên trên những khác biệt địa lý, xã hội, văn hóa, tôn giáo và tuổi tác. Dù có những khác biệt... chúng tôi muốn tổ chức như một cộng đoàn: chia sẻ những kinh nghiệm, lòng hăng say phấn khởi, những khó khăn” (4).

Ngoài ra, tôi nhắc đến các giám mục miền nam Phi châu, hồi tháng Mười Một năm ngoái, đã nhóm một cuộc họp về đề tài “Mang lại quyền cho những người trẻ, như những tác nhân hòa bình và hy vọng”. Các đại diện giới trẻ hiện diện tại cuộc gặp gỡ đã nhìn nhận đại hội đó như một “cột mốc quan trọng hướng đến một giới trẻ lành mạnh và tích cực trong toàn miền”. Hơn nữa, họ cũng hứa rằng: “Chúng tôi chấp nhận vai trò làm sứ giả và là những người hỗ trợ cuộc chiến chống sử dụng ma túy. Chúng tôi kêu gọi mọi người trẻ hãy luôn cảm thông với nhau” (5).

Cần quan tâm tới nạn ma túy

Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: Anh chị em, đứng trước tình trạng thê thảm nghiện ngập ma túy của hàng triệu người trên thế giới, đứng trước tệ nạn sản xuất và buôn bán bất hợp pháp những thứ ma túy ấy, “chúng ta không thể dửng dưng! Chúa Giêsu đã dừng lại, gần gũi và chữa lành các vết thương. Theo gương sự gần gũi của Chúa, chúng ta cũng được kêu gọi hành động, dừng lại trước những tình trạng yếu đuối và đau thương, biết lắng nghe tiếng kêu cô đơn và lo âu, cúi mình để nâng dậy và mang đến một đời sống mới những người bị rơi vào tình trạng nô lệ ma túy” (6).

Trong ngày Thế giới chống ma túy này, với tư cách là các Kitô hữu và cộng đoàn Giáo hội, chúng ta hãy cầu nguyện cho ý hướng này và tái dấn thân!

Chào thăm và kêu gọi

Bài giáo lý bằng tiếng Ý của Đức Thánh cha được lần lượt tóm ý bằng các thứ tiếng khác nhau, kèm theo những lời chào thăm và nhắn nhủ của ngài.

Đức Thánh cha nói với cộng đoàn nói tiếng Pháp rằng: “Trong tư cách là những người phục vụ Tin mừng Lòng Thương Xót, ước gì chúng ta có thể thoa dịu, chăm sóc và chữa lành những đau khổ vì ma túy, để mọi người nghiện ngập cảm thấy được giúp đỡ và đồng hành.

Khi chào bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha nhắc đến các nhóm đến từ Anh quốc, Đức, Congo, Australia, Ấn Độ, Philippines, Việt Nam và Mỹ. Ngài đặc biệt chào nhiều nhóm học sinh và giáo chức, đồng thời nói rằng: “Tôi cầu xin Chúa Kitô ban an vui cho tất cả anh chị em và thân quyến!”

Bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc nhở rằng: “Tôi cầu chúc anh chị em: mùa hè mà anh chị em vừa bắt đầu trở thành dịp không những để nghỉ ngơi về thể lý, nhưng còn để canh tân tinh thần và củng cố tương quan với Thiên Chúa và những người thân yêu. Ước gì Ngày Thế giới chống nạn lạm dụng ma túy mà chúng ta cử hành hôm nay, nhắc nhở chúng ta hãy đặc biệt chú ý đến an ninh của các trẻ em và người trẻ”.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm các quân nhân thuộc Trường cảnh sát kinh tế và tài chánh thuộc ngành cảnh sát quan thuế. Ngài cũng nhắc đến những người trẻ, các bệnh nhân, người cao tuổi, các đôi tân hôn, đồng thời nhắn nhủ rằng: Thứ Bảy tới đây, chúng ta sẽ cử hành lễ trọng kính thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, bổn mạng Roma. Anh chị em hãy noi gương tông đồ thừa sai của các ngài, làm chứng ở mọi nơi vẻ đẹp của Tin mừng. Tôi phó thác cho sự chuyển cầu của các ngài nhân dân các quốc gia: Ucraina, Palestine và Israel, Myanmar để họ sớm tìm lại hòa bình.

Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.