Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Madeleine Delbrêl-Niềm vui đức tin giữa những người không tín ngưỡng

Photo: Vatican Media

Sáng thứ Tư, ngày 08 tháng Mười Một năm 2023, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung gần 20.000 tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Như thường lệ, sau khi Đức Thánh cha tiến qua các lối đi ở Quảng trường để chào thăm các tín hữu, buổi tiếp kiến bắt đầu lúc gần 9 giờ, với phần lắng nghe Lời Chúa qua bài đọc trích từ Tin mừng theo thánh Matthêu (5,13-15), được công bố bằng tám ngôn ngữ:

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Các con là muối đất; nhưng nếu muối nhạt thì lấy gì làm cho nó mặn lại được? Nó chẳng còn ích gì và chỉ còn bị ném ra ngoài cho người ta chà đạp. Các con là ánh sáng thế gian; không thể thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên giá để soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, sự sáng của các con phải chiếu sáng trước mọi người, để họ thấy các việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.

Bài huấn giáo

Trong phần huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về “sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu”. Bài thứ hai mươi lăm này có tựa đề: “Madeleine Delbrêl. Niềm vui đức tin giữa những người không tín ngưỡng”.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong số bao nhiêu chứng nhân về lòng hăng say loan báo Tin mừng, hôm nay tôi trình bày chân dung một phụ nữ Pháp trong thế kỷ XX, Vị tôi tớ Chúa Đáng kính Madeleine Delbrêl. Sinh năm 1904 và qua đời năm 1964, chị nguyên là một trợ tá xã hội, văn sĩ và là nhà thần bí, và đã sống hơn 30 năm tại ngoại ô nghèo của dân lao động ở Paris. Bị chói lòa vì cuộc gặp gỡ với Chúa, chị viết: “Một khi chúng ta đã biết Lời Chúa, chúng ta không có quyền không nhận lời ấy; một khi đã nhận lời ấy chúng ta không có quyền không để Lời Chúa nhập thể trong chúng ta, một khi Lời Chúa đã nhập thể trong chúng ta, chúng ta không có quyền giữ lấy cho mình: từ lúc đó chúng ta thuộc về những người đang chờ đợi Lời Chúa” (Sự thánh thiện của thường dân, Milano 2020, 71).

Tìm kiếm Chúa

Sau thời niên thiếu sống không tin tưởng, khoảng 20 tuổi, Madeleine gặp Chúa, bị đánh động vì chứng tá của một vài người bạn tín hữu. Bấy giờ chị bắt đầu tìm kiếm Chúa, bộc lộ niềm khao khát sâu xa chị cảm thấy trong tâm hồn, và đi tới chỗ hiểu rằng “sự trống rỗng đang kêu lên trong chị một sự lo âu” chính là Thiên Chúa đang tìm kiếm chị” (Bị chói lòa vì Thiên Chúa. Thư từ 1910-1941, Milano 2007,96). Niềm vui đức tin đưa chị đến chỗ quyết định chọn một cuộc sống hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa, giữa lòng Giáo hội và thế giới, chị chia sẻ trong tình huynh đệ cuộc sống của “những người dân đường phố”. Ngỏ lời một cách thơ mộng với Chúa Giêsu, chị viết: “Để ở với Chúa, trên con đường của Chúa, cần đi, cả khi sự lười biếng của chúng con, xin chúng con ở lại. Chúa đã chọn chúng con để ở trong một tình trạng quân bình lạ lùng, một sự quân bình chỉ có thể giữ nguyên trong chuyển động, trong đà tiến bước. Giống như một chiếc xe đạp, nó không đứng vững nếu không chuyển động (...). Chúng ta chỉ có thể đứng thẳng khi tiến bước, chuyển động, trong một đà tiến bác ái”. Đó là điều mà chị gọi là “Linh đạo xe đạp” (Khôi hài trong Tình Yêu. Suy niệm và thi văn, Milano 2011, 56).

Tiếng gọi tông đồ

Với tâm hồn liên tục đi ra ngoài, Madeleine để cho mình bị gọi hỏi vì tiếng kêu của những người nghèo và những người không tín ngưỡng, giải thích điều đó như một thách đố để thức tỉnh lòng khao khát làm thừa sai trong Giáo hội. Chị cảm thấy rằng đức tin không thể thu hẹp vào một dữ kiện được thừa hưởng như gia tài, một cái gì đương nhiên; chẳng vậy, người ta không còn lĩnh hội được vẻ đẹp và sự mới mẻ của nó, và không hòa hợp được với cuộc sống của những người không tín ngưỡng. Chị cảm thấy rằng Thiên Chúa hằng sống của Tin mừng phải thiêu đốt trong chúng ta bao lâu chúng ta không mang danh Chúa cho những người chưa tìm thấy Ngài. Trong tinh thần ấy, nổi loạn đối với những xáo trộn của thế giới và tiếng kêu của người nghèo, Madeleine cảm thấy được “sống tình thương của Chúa Giêsu trọn vẹn và theo đúng nghĩa, từ dầu của người Samaritano nhân lành cho đến dấm chua trên đồi Canvê, lấy tình yêu đáp trả tình yêu [...], vì khi yêu, Chúa không chút dè dặt và để cho mình yêu thương đến tận cùng, hai giới răn lớn về bác ái được nhập thể torng chúng ta và trở nên một” (Ơn gọi bác ái, 1, Oeuvres complètes XIII, Bruyères-le-Châtel, 138-139).

Để bản thân được “Tin mừng hóa”

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Sau cùng, Madeleine Delbrêl dạy chúng ta một điều khác nữa: đó là khi loan báo Tin mừng, chính chúng ta được Tin mừng hóa, được Lời mà chúng ta rao giảng biến đổi. Vì thế chị nói, phản ánh lời thánh Phaolô: “khốn cho tôi nếu việc loan báo Tin mừng Phúc âm hóa tôi”. Tất cả điều đó, chị đã sống trong kinh nghiệm cuộc sống, ở nhiều năm trong khu phố lao động và ý thức hệ mácxít. Chị xác tín rằng những môi trường vô thần hoặc bị tục hóa là những nơi trong đó, chính tại đó, cần phải tranh đấu, Kitô hữu có thể củng cố niềm tin mà Chúa Giêsu Kitô ban cho họ.

Chia sẻ với tha nhân

Khi nhìn chứng nhân này của Tin mừng, cả chúng ta cũng học được rằng trong mọi hoàn cảnh và tình trạng cá nhân hay xã hội của cuộc sống chúng ta, Chúa hiện diện và kêu gọi chúng ta hãy ở trong thời đại chúng ta, chia sẻ cuộc sống của những người khác, hòa lẫn với những niềm vui và đau khổ của thế giới. Đặc biệt, chị dạy chúng ta rằng cả những môi trường tục hóa cũng trợ giúp hoàn cải, vì những tiếp xúc với những người không tin tạo nên nơi tín hữu một sự liên tục xét lại những điều mình tin tưởng và tái khám phá đức tin của ta trong chiều kích cốt yếu (Xc Chúng ta ở đường phố, Milano 1988, 268ss).

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhớ điều này: hoặc chúng ta là thừa sai hoặc chúng ta là những người “từ nhiệm”. Xin Chúa cho chúng ta, như Madeleine Delbrêl, khám phá rằng đức tin là một “kho tàng đặc biệt và nhưng không một cách ngoại thường” mà chúng ta cần đưa ra những nẻo đường của thế giới (Chúng ta ở đường phố, Milano 1988, 227).

Chào thăm và mời gọi

Sau khi Đức Thánh cha trình bày bằng tiếng Ý, bài huấn dụ trên đây được tóm tắt trong nhiều thứ tiếng cho các nhóm tín hữu thuộc các ngôn ngữ khác nhau, như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Arập, và Ba Lan cùng với lời chào thăm và nhắn nhủ vắn tắt của Đức Thánh cha.

Khi chào bằng tiếng Pháp, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ Pháp và các thành viên Liên hiệp toàn quốc các Hiệp hội gia đình Công giáo và ngài nói: “Đứng trước thế giới chúng ta bị tục hóa, chúng ta đừng than vãn, nhưng coi tình trạng này là một lời kêu gọi hãy kiểm điểm đức tin của chúng ta và thông truyền niềm vui Tin mừng cho tất cả những người khao khát Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ơn được làm chứng đức tin hằng ngày bằng tình huynh đệ và thân hữu sống thực với mỗi người.

Bằng tiếng Bồ Đào Nha, Đức Thánh cha nhắc nhở rằng “tháng Mười Một này khơi lại nơi chúng ta ký ức về những người quá cố của chúng ta. Họ đã từ giã chúng ta với một lời thỉnh cầu, hoặc minh nhiên hoặc mặc nhiên, xin giúp đỡ trong tinh thần để tiến vào đời sau. Chúng ta hãy biết rằng kinh nguyện của chúng ta vọng lên tới Trời Cao, và chúng ta có thể đồng hành với họ tới đó, củng cố các mối quan hệ liên kết chúng ta với vĩnh cửu. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ!

Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “trong vài ngày nữa, anh chị em sẽ kỷ niệm sự phục hồi nền độc lập của Ba Lan. Ước gì dịp kỷ niệm này kích thích anh chị em cảm tạ Thiên Chúa và ý thức trách nhiệm lớn trong việc xây dựng một xã hội ngày càng công bằng và liên đới. Anh chị em hãy thông truyền cho các thế hệ trẻ lịch sử và ký ức về những người đã đi trước anh chi em trong việc quảng đại làm chứng tá Kitô và trong tình yêu tổ quốc.

Sau cùng, khi chào bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến tổ chức Unitalsi, miền Emiliano-Romagnola chuyên giúp đỡ các tín hữu bệnh nhân hành hương các Đền thánh Đức Mẹ, nhóm bệnh viện đa khoa ở Milano và Hội Nghệ thuật và Thánh nhạc.

Đức Thánh cha không quên chào các bạn trẻ, người cao niên, các bệnh nhân và các đôi tân hôn và nói rằng “ngày mai, mùng 09 tháng Mười Một là lễ thánh hiến Đền thờ thánh Gioan Laterano là nhà thờ Chính tòa Roma. Ước gì dịp kỷ niệm này khơi dậy nơi mỗi người ước muốn trở nên những viên đá sống động và quý giá, được dùng để xây dựng Căn nhà của Chúa.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.