Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Kiên nhẫn không những là một nhân đức cần thiết nhưng còn là một ơn gọi
Sáng thứ Tư, ngày 27 tháng Ba vừa qua, vì trời mưa dài, nên buổi Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha Phanxicô đã diễn ra tại Đại thính đường Phaolô VI, thay vì tại Quảng trường thánh Phêrô, như dự định. Hội trường đông chật người, khoảng hơn 6.000, vì thế nhiều người phải đứng bên ngoài.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Như thường lệ, buổi tiếp kiến được mở đầu với phần lắng nghe lời Chúa. Mọi người đã nghe đọc một đoạn ngắn, trích từ thư thứ I của thánh Phaolô tông đồ gửi cho các tín hữu Côrintô (1 Cr 13,4a-5b.7):
“Đức mến thì cao thượng, hiền hậu; [...] không nóng giận, không để ý đến thiệt hại đã chịu [...]. Tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”.
Bài giáo lý
Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về các nết xấu và các nhân đức. Bài thứ mười ba này có tựa đề là: “Đức kiên nhẫn”.
Đức Thánh cha đích thân đọc bài huấn dụ này, thay vì phải nhờ một linh mục như mấy lần trước đây.
Đức Thánh cha bắt đầu như sau:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Kiên nhẫn là gì?
Chúa nhật Lễ Lá vừa qua, chúng ta đã nghe trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa. Đối với những đau khổ đã chịu, Chúa Giêsu đáp lại bằng một nhân đức, mà tuy không được chiêm ngắm trong số các nhân đức truyền thống, nhưng rất quan trọng, đó là đức kiên nhẫn. Nhân đức này liên quan đến sự chịu đựng điều mình đau khổ: không phải tình cờ mà từ pazienza, kiên nhẫn, có cùng gốc với từ passione, khổ nạn. Chính trong cuộc Khổ nạn, ta thấy nổi bật lòng kiên nhẫn của Chúa Kitô, hiền từ và dịu dàng. Người chấp nhận bị bắt, bị vả mặt và kết án bất công; trước quan Philatô, Người không ta thán; Người chịu đựng những lăng mạ, khạc nhổ và đánh đòn của các binh sĩ; Người vác gánh nặng của thập giá; Người tha thứ cho người đóng đinh Người vào cây gỗ và trên thập giá, Người không đáp lại những lời khiêu khích, nhưng tỏ lòng thương xót. Tất cả những điều đó nói với chúng ta rằng sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu không hệ tại một sự kháng cự theo tinh thần khắc kỷ trong việc chịu đau khổ, nhưng là kết quả của một tình thương lớn hơn.”
Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa
Thánh Phaolô tông đồ, trong “Bài ca đức mến” (Xc 1 Cr 13,4-7), liên kết chặt chữa giữa tình thương và kiên nhẫn. Thực vậy, khi mô tả phẩm tính thứ nhất của đức bác ái, thánh nhân dùng một từ được dịch là “cao thượng (magnanima)” hoặc “kiên nhẫn”. Nó diễn tả một ý niệm gây ngạc nhiên, thường thấy trong Kinh thánh: Thiên Chúa, đứng trước sự bất trung của chúng ta, Ngài tỏ ra “chậm giận” (Xc Xh 34,6’ xc Ds 14,18): thay vì bày tỏ sự ghê tởm đối với sự ác và tội lỗi của con người, Ngài tỏ ra cao cả hơn, sẵn sàng mỗi lần bắt đầu lại từ đầu với lòng kiên nhẫn vô biên. Đối với thánh Phaolô, đó là đặc điểm đầu tiên của tình yêu Thiên Chúa: trước tội lỗi, Chúa đề nghị tha thứ. Nhưng không phải chỉ có thế: đó là nét đầu tiên của mỗi tình yêu to lớn, biết đáp lại sự ác bằng điều thiện, không khép kín trong sự giận dữ và sầu muộn, nhưng kiên trì và bắt đầu lại. Vì thế, nơi căn cội của kiên nhẫn có tình thương, như thánh Augustinô đã nói: “Một người càng mạnh mẽ hơn, khi chịu đựng bất kỳ sự ác nào, thì tình yêu Thiên Chúa nơi người ấy càng lớn lao hơn” (De patientia, XVII).
Kiên nhẫn: Chứng tá về lòng yêu mến Chúa
Vì thế, người ta có thể nói rằng không có chứng tá nào tốt hơn về tình yêu Thiên Chúa hơn là gặp một Kitô hữu kiên nhẫn. Nhưng chúng ta cũng hãy nghĩ tới bao nhiêu cha mẹ, các công nhân, bác sĩ và y tá, bệnh nhân, hằng ngày âm thầm tô điểm thế giới bằng sự kiên nhẫn thánh thiện! Như Kinh thánh đã quả quyết, “kiên nhẫn thì tốt hơn là sức mạnh của một anh hùng” (Châm ngôn 16,32). Tuy nhiên, chúng ta phải thành thực nhận rằng chúng ta thường thiếu kiên nhẫn. Chúng ta cần nhân đức này như yếu tố thiết yếu để tiến bước, nhưng tự bản năng chúng ta thiếu kiên nhẫn và lấy ác báo ác: thật khó giữ bình tĩnh, kiểm soát bản năng, cầm hãm những câu trả lời xấu xa, khơi lên những cãi nhau và xung đột trong gia đình, nơi sở làm, trong cộng đồng Kitô.
Kiên nhẫn là một ơn gọi
Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng kiên nhẫn không những cần thiết nhưng còn là một ơn gọi: nếu Chúa Kitô kiên nhẫn, thì Kitô hữu cũng được kêu gọi kiên nhẫn. Và điều này đòi phải đi ngược dòng so với tâm thức phổ biến ngày nay, là sự vội vã và “tất cả phải ngay lập tức”; nơi mà thay vì chờ đợi để tình thế được chín mùi thì người ta ép buộc con người, đòi họ phải thay đổi thức khắc. Chúng ta đừng quên rằng sự vội vã và thiếu kiên nhẫn là những kẻ thù của đời sống tâm linh: Thiên Chúa là tình thương, và ai yêu mến thì không mệt mỏi, không giận, không ra lệnh tối hậu, nhưng biết chờ đợi. Chúng ta hãy nghĩ đến trình thuật về Người Cha thương xót, chờ đợi đứa con bỏ nhà ra đi. Ông kiên nhẫn chịu đau khổ, chỉ háo hức ôm lấy con vừa khi ông thấy nó trở về (Xc Lc 15,21); hoặc dụ ngôn hạt cải và cỏ lùng mà Chúa không vội vã nhổ bỏ sự ác trước thời gian, để không gì bị mất đi (Xc Mt 13,29-30).
Cách thế gia tăng kiên nhẫn
Nhưng làm sao tăng trưởng trong sự kiên nhẫn? Như thánh Phaolô đã dạy, vì đó là một hoa trái của Chúa Thánh Linh (Xc Gl 5,22), nên cần cầu xin chính Chúa Thánh Linh. Chúa ban cho chúng ta sức mạnh dịu dàng của sự kiên nhẫn, vì “nó chính là nhân đức Kitô giáo, không những để làm điều thiện, nhưng còn biết chịu đựng những điều dữ” (S. Agostino, Discorsi, 46, 13). Đặc biệt trong những ngày này, chúng ta nên chiêm ngắm Chúa chịu đóng đinh để hấp thụ sự kiên nhẫn của Ngài. Một sự tập luyện cũng rất tốt, đó là dâng lên Chúa những người gây phiền toái, xin Chúa ơn thực hành đối với họ việc từ bi thương xót, vừa được biết đến nhiều nhưng cũng ít được để ý: đó là kiên nhẫn chịu đựng những người gây phiền toái khó chịu. Ta bắt đầu bằng cách xin ơn biết nhìn họ với lòng cảm thương, với cái nhìn của Thiên Chúa, biết phân biệt khuôn mặt của họ với những sai lầm của họ.
Mở rộng cái nhìn
Sau cùng, để vun trồng kiên nhẫn, là nhân đức mang lại hơi thở cho cuộc sống, nên nới rộng cái nhìn. Ví dụ, không thu hẹp cánh đồng thế giới vào những tai ương của chúng ta, như Sách Gương Phúc đã mời gọi: “Vì thế, con cần nhớ những đau khổ nặng nề nhất của người khác, để học cách chịu đựng những đau khổ của con, những đau khổ bé nhỏ”, nhớ rằng “không có gì, dù nhỏ bé đến đâu, nếu ta chịu đựng nó vì yêu mến Chúa, mà không được phần thưởng nơi Thiên Chúa” (III, 19). Và khi chúng ta cảm thấy bị thử thách tấn công, như ông Gióp dạy, nên cởi mở đối với sự mới mẻ của Thiên Chúa, với lòng tín thác mạnh mẽ rằng Chúa không để những mong đợi của chúng ta bị thất vọng”.
Chào thăm và kêu gọi
Sau bài giáo lý trên đây là phần tóm tắt và chào thăm bằng các ngôn ngữ khác nhau, kèm theo những lời nhắn nhủ của Đức Thánh cha.
Bằng tiếng Pháp, Đức Thánh cha nhắc nhớ rằng: “Ước gì sự chiêm ngắm cuộc Khổ nạn của Chúa mang lại cho chúng ta sức mạnh để khiêm tốn kiên trì trong đức tin, mặc dù có những thử thách trong cuộc đời”.
Bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các nhóm tín hữu đến từ Philippines, Pakistan, Canada và Mỹ. Ngài nói: “Trong lúc chuẩn bị cho Tam nhật thánh, tôi khẩn cầu ơn thánh và an bình của Chúa Giêsu Kitô trên tất cả anh chị em”.
Khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nói rằng: “Trong những ngày này, sự thật về tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi được biểu lộ với chúng ta. Vì Thiên Chúa đã chịu đau khổ dường ấy để chứng tỏ lòng thương xót đối với mỗi người chúng ta. Chúng ta được kêu gọi mở rộng tâm hồn đón nhận tình thương ấy, và cũng chứng tỏ thật nhiều kiên nhẫn đối với tha nhân”.
Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha chào thăm các phái đoàn giáo xứ, hội đoàn và trường học, đồng thời nhắc nhở rằng: “Trong bầu không khí linh thiêng nồng nhiệt của Tuần thánh, tôi thân ái chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân, người cao tuổi và các đôi tân hôn. Tôi mời gọi mỗi người hãy sống những ngày này trong kinh nguyện, cởi mở đối với ơn thánh của Chúa Kitô Cứu Thế, nguồn mạch vui mừng và lòng thương xót”.
Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.