Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Hãy luôn canh giữ tâm hồn, nhận ra và loại trừ tật xấu
Sáng thứ Tư, ngày 27 tháng Mười Hai vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã thực hiện buổi Tiếp kiến chung cuối cùng của năm nay, 2023, tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican, trước sự hiện diện của hơn 4.000 tín hữu.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Buổi tiếp kiến, như thường lệ, được mở đầu với phần lắng nghe Lời Chúa, qua một đoạn Tin mừng theo thánh Marco (7,14-15.21), được lần lượt xướng lên bằng tám ngôn ngữ khác nhau:
“Sau khi gọi đám đông, Chúa nói với họ: “Tất cả hãy nghe tôi và hiểu rõ! Không có gì từ bên ngoài con người, khi vào trong họ, có thể làm cho họ trở nên ô uế. Nhưng chính là những điều xuất phát từ con người mới làm cho họ ô uế. [...]. Thực vậy, từ bên trong, nghĩa là từ con tim con người, xuất phát những chủ ý gian ác”.
Bài huấn giáo
Trong phần huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha bắt đầu một loạt bài mới về các nết xấu và các nhân đức. Bài dẫn nhập này mang đề tài là: “Giữ gìn tâm hồn”.
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Con rắn: Biểu tượng cám dỗ trong Kinh thánh
“Hôm nay, tôi muốn dẫn vào một chu kỳ huấn giáo mới về đề tài các tật xấu và nhân đức. Và chúng ta có thể đi từ đầu Kinh thánh, nơi sách Sáng Thế, qua trình thuật về các nguyên tổ, trình bày năng động của sự ác và cám dỗ. Trong khung cảnh lý tưởng được mô tả trong vườn địa đàng, xuất hiện một nhân vật trở thành biểu tượng của sự cám dỗ: đó là con rắn. Con rắn là một con vật tinh quái: nói di chuyển chậm, trườn mình trên mặt đất, và đôi khi bạn không thấy sự hiện diện của nó, vì nó ngụy trang giỏi với môi trường xung quanh. Nhất là vì điều đó mà nó nguy hiểm.
Ý nghĩa cám dỗ
Khi bắt đầu đối thoại với ông Adong và bà Evà, nó cũng tỏ ra là người biện luận tinh tế. Nó bắt đầu như khi người ta làm trong những tin đồn xấu, với một câu hỏi tinh quái: “Có thật Thiên Chúa đã nói: các ngươi không được ăn cây nào trong vườn hay không?” (St 3,1). Câu nói đó là sai: vì Thiên Chúa đã cống hiến cho người nam và người nữ tất cả các hoa trái trong vườn, trừ những hoa trái của một cây là cây biết lành biết dữ. Việc cấm này không nhắm cấm con người dùng lý trí, - như thỉnh thoảng người ta giải thích sai lầm, - nhưng là một biện pháp khôn ngoan, như thể nói: Hãy nhìn nhận giới hạn, đừng cảm thấy mình là chủ mọi sự, vì sự kiêu ngạo là khởi đầu của mọi sự ác. Vì thế, Thiên Chúa đặt hai nguyên tổ như những người chủ và người canh giữ các thụ tạo, nhưng Ngài muốn giữ gìn họ khỏi sự tự phụ toàn năng, coi mình là chủ nhân của sự thiện và sự ác. Cạm bẫy này nguy hiểm nhất đối với tâm hồn con người, cần phải giữ mình mỗi ngày!
Như chúng ta biết, ông Adong và bà Eva không thành công trong việc chống lại cám dỗ của con rắn. Ý tưởng về một Thiên Chúa không tốt, muốn họ phải tùng phục, len vào trong tâm trí họ: từ đó mọi sự sụp đổ. Chẳng bao lâu nguyên tổ nhận thấy rằng tình thương như phần thưởng cho bản thân, cả sự ác là hình phạt cho mình. Sẽ không cần sự trừng phạt của Thiên Chúa để hiểu là sẽ sai lầm: chính những hành vi phá vỡ thế giới hòa hợp mà họ sống trong đó cho đến nay. Họ tưởng trở nên giống như các thần minh, nhưng trái lại họ thấy mình trần trụi và rất sợ hãi vì khi kiêu ngạo xâm nhập vào tâm hồn, lúc ấy không ai có thể đặt mình tránh thụ tạo duy nhất trên trần thế có thể nghĩ ra sự ác, đó là con người.
Ý nghĩa tường thuật Kinh thánh
Với những trình thuật này, Kinh thánh giải thích cho chúng ta rằng sự ác không bắt đầu trong tâm hồn một cách ngoạn mục, khi một hành vi nay đã tỏ tường, nhưng đã khởi sự từ lâu trước đó, khi con người bắt đầu trao đổi với hắn, ca ngợi nó trong tưởng tượng và trong tư tưởng, và rốt cuộc bị sa bẫy những duy nịnh của nó. Việc sát hại Abel không bắt đầu bằng một hòn đá được ném ra, nhưng bằng sự ghen ghét mà rất tiếc là Cain nuôi dưỡng trong tâm hồn, để cho nó thành một quái vật trong tâm hồn mình. Cả trong trường hợp này, những lời khuyên bảo của Chúa không được tuân giữ: “Tội lỗi rình rập nơi cửa của ngươi; bẩm tính của nó là tìm đến ngươi, nhưng ngươi phải thống trị nó” (St 4,7).
Đừng tranh luận với ma quỷ
“Ta không bao giờ được tranh luận với ma quỷ. Hắn tinh khôn. Để cám dỗ Chúa Giêsu, hắn trích dẫn cả Kinh thánh! Hắn có thể ngụy trang sự ác với một mặt nạ sự thiện vô hình. Đó là lý do tại sao ta phải luôn báo động, bít kín ngay kẽ hở nhỏ nhất, khi nó tìm cách xâm nhập trong chúng ta. Có những người rơi vào những nghiện ngập mà không chiến thắng nổi (ma túy, rượu chè, cờ bạc), chỉ vì họ coi nhẹ nguy cơ. Họ nghĩ mình mạnh mẽ trong một trận chiến chẳng có gì đáng kể, nhưng thực tế họ trở thành con mồi chiến tranh cho một kẻ thù rất mạnh mẽ. Khi sự ác bén rễ trong chúng ta, thì lúc nó mang tên là tật xấu và đó là một cỏ dại khó nhổ bỏ. Ta chỉ diệt được nó với những cố gắng rất vất vả.
Kết luận
Và chúng ta kết luận nơi đây. Cần giữ gìn tâm hồn ta. Đó là lời nhắn nhủ chúng ta thấy nơi các vị ẩn tu trong sa mạc: những người đã từ bỏ thế gian để sống trong kinh nguyện và bác ái huynh đệ. Họ nói sa mạc là nơi tránh cho chúng ta một số trận chiến: trận chiến con mắt, miệng lưỡi, và tai. Chúng ta chỉ còn trận chiến cuối cùng, khó khăn nhất trong tất cả, đó là con tim. Đứng trước mỗi tư tưởng và ước muốn xuất hiện trong tâm trí, Kitô hữu cư xử như người gìn giữ khôn ngoan và hỏi xem để biết nó từ đâu tới: từ Thiên Chúa hay từ đối thủ của Chúa, nó chỉ là cỏ dại, chỉ là ô uế và cho dù hạt giống của nó có vẻ bé nhỏ, nhưng một khi nó bám vào, chúng ta sẽ thấy trong chúng ta những cành tật xấu và bất hạnh. Chiến thắng tốt đẹp trong mỗi trận chiến tâm linh tùy thuộc rất nhiều ngay từ giai đoạn khởi đầu: đó là luôn luôn canh giữ tâm hồn chúng ta.
Chào thăm và kêu gọi
Sau bài giáo lý trên đây là phần tóm tắt bằng nhiều thứ tiếng với lời chào thăm của Đức Thánh cha: bắt đầu từ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Arập, và Ba Lan.
Đặc biệt khi chào bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nhắn nhủ các tín hữu rằng: “cuối năm, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả những gì tốt lành chúng ta đã nhận lãnh, cả những điều lành do bàn tay của bao nhiêu người nâng đỡ các nạn nhân chiến tranh tại Ucraina và các nơi khác trên thế giới. Chúng ta hãy tín thác cầu nguyện xin Vua Hòa bình ban cho chúng ta hy vọng, tình thương và hòa bình đích thực. Tôi thành tâm ban phép lành cho anh chị em và quê hương của anh chị em.”
Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha chào thăm các linh mục và chủng sinh thuộc Phong trào Tổ Ấm, và các tiểu chủng sinh ở chủng viện Nuoro.
Đức Thánh cha nói thêm: “Tôi chào thăm các bạn trẻ, bệnh nhân và các đôi tân hôn. Xin Chúa Hài Đồng Bethlehem ban ánh sáng cho tất cả anh chị em, để anh chị em có thể được Tin mừng soi sáng thi hành những hành động hằng ngày trong năm mới. Chúng ta không quên cầu nguyện cho những người đang chịu những hậu quả kinh khủng vì bạo lực và chiến tranh, đặc biệt tại Ucraina đau thương và dân tộc Palestine và Israel.”
Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.