Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Hang đá máng cỏ dạy chúng ta sự khiêm hạ và niềm vui mừng
Sáng thứ Tư, ngày 20 tháng Mười Hai năm 2023, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng hơn 5.000 tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican. Và nhân dịp Giáng sinh sắp đến gần, Đức Thánh cha đã diễn giải cho các tín hữu về ý nghĩa hang đá máng cỏ.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Buổi tiếp kiến, như thường lệ, được mở đầu với phần lắng nghe Lời Chúa, qua một đoạn ngắn trích từ Tin mừng theo thánh Luca (2,10-12) được tám độc viên lần lượt xướng lên bằng các thứ tiếng khác nhau:
“Đêm hôm ấy, sứ thần nói với các mục tử: “Đừng sợ, này đây tôi loan báo cho các anh một tin vui lớn, và sẽ là tin vui của toàn dân: ngày hôm nay, trong thành vua Đavít, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho các anh, Người là Chúa Kitô. Đây là dấu hiệu cho các anh: các anh sẽ tìm thấy một Hài nhi bọc trong tã, nằm trong máng cỏ”.
Bài huấn giáo
Trong phần huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha bàn về ý nghĩa và chức năng của hang đá máng cỏ.
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Cách đây 800 năm, lễ Giáng sinh năm 1223, thánh Phanxicô đã thực hiện tại Greccio hang đá sống. Trong lúc tại các gia cư và ở bao nhiêu nơi khác đang chuẩn bị hoặc hoàn tất hang đá, chúng ta cũng nên tái khám phá nguồn gốc của hang đá máng cỏ.
Chủ ý của thánh Phanxicô Assisi
Đức Thánh cha đặt câu hỏi: “Đâu là chủ ý của thánh Phanxicô? Chúng ta hãy lãnh hội ý hướng đó qua những lời của thánh nhân: “Tôi muốn diễn lại cảnh Chúa Hài Đồng sinh tại Bethlehem, và một cách nào đó nhìn với đôi mắt của thân thể những cơ cực của Chúa vì thiếu những điều cần thiết cho một trẻ sơ sinh, khi được đặt trong một máng cỏ và nằm trên rơm rạ giữa bò và lừa” (Tommaso da Celano, Vita prima, XXX, 84: FF 468). Thánh Phanxicô không muốn thực hiện một công trình nghệ thuật đẹp, nhưng là khơi lên, qua hang đá, nỗi kinh ngạc vì sự khiêm hạ tột cùng của Chúa, vì những cơ cực Chúa chịu vì lòng yêu thương chúng ta, trong hang đá nghèo ở Bethlehem. Thực vậy, sử gia viết tiểu sử vị thánh ở Assisi ghi nhận: “Trong cảnh tượng cảm động ấy, có phản ánh sự đơn sơ của Tin mừng, ca ngợi sự nghèo khó, khích lệ khiêm tốn. Greccio đã trở thành một Bethlehem mới” (ivi, 85: FF 469).
Cảnh giác chống trào lưu duy tiêu thụ
Đức Thánh cha khẳng định rằng: “Đây là đặc tính đầu tiên: hang đá máng cỏ nảy sinh như một trường học dạy sự điều độ. Và điều này có nhiều ý nghĩa đối với cả chúng ta. Thực vậy, ngày nay, có nguy cơ lớn đánh mất điều đáng kể trong cuộc sống và điều nghịch lý là nguy cơ ấy gia tăng chính vào dịp lễ Giáng sinh: chìm đắm trong một chủ nghĩa duy tiêu thụ làm hỏng mất ý nghĩa của lễ Giáng sinh, bị đảo lộn vì một biển những điều làm chia trí và những quảng cáo, chúng ta có nguy cơ lơ là với điều thiết yếu. Vì thế, trong khi Chúa Giêsu đến để trở nên một món quà trong nghèo khổ, Giáng sinh đã trở thành cho bao nhiêu người cơ hội để được những quà tặng. Chính Chúa đã cảnh giác chúng ta về điều đó, khi nói rằng cám dỗ tinh quái nhất đối với đức tin là “sự xao nhãng tâm trí” (Xc Lc 21,34), miệt mài với công việc và mất hút trong sự sung túc trần tục làm mê hoặc tâm hồn.”
Trở lại điều cốt yếu
“Và hang đá máng cỏ nảy sinh để đưa chúng ta trở lại những gì đáng kể: đó là đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa, Đấng đến ở giữa chúng ta, nhưng lễ ấy còn đưa chúng ta tới những mối tương quan thiết yếu, như gia đình, sự hiện diện trong Chúa Giêsu, thánh Giuse và Mẹ Maria, và những người thân yêu được tượng trưng bằng các mục tử. Con người trên sự vật, con người như hiện thực của họ: chúng ta nhận thấy rằng những nhân vật trong hang đá là những người đơn sơ, nghèo hèn; họ hòa hợp với thiên nhiên: trong hang đá, cảnh tượng chiếm không gian nhiều hơn và không bao giờ thiếu con bò và con lừa! Vì thế, thật là tốt khi đứng trước máng cỏ để chấn chỉnh lại cuộc sống bằng cách trở về với những gì là thiết yếu. Giống như đi vào trong một ốc đảo để ra khỏi những nhộn nhịp thường nhật, để tìm lại an bình trong kinh nguyện và thinh lặng, trong một sự dịu dàng không bị ô nhiễm. Tôi nghĩ đến các trẻ và thiếu niên, có nguy cơ bị bội thực vì những hình ảnh tiềm thể và bạo lực: trong hang đá, chúng có thể tìm lại được sự chân thực và tinh thần sáng tạo. Thật là đẹp khi dừng lại trước hang đá cùng với ông bà, đó là điều tốt lành cho nhau!
Hang đá diễn tả sự vui mừng
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Nhưng hang đá Greccio, ngoài sự điều độ, còn nói về vui mừng. Chúng ta hãy nghe thời ký hồi đó: “Và đến ngày vui mừng, thời kỳ hân hoan!... Thánh Phanxicô (...) rạng rỡ vui mừng [...]. Dân chúng chạy đến và mừng rỡ như chưa bao giờ cảm thấy trước đó [...]. Mỗi người trở về nhà mình đầy vui mừng khôn tả” (Vita prima, XXX, 85-86: FF 469-470).
“Nhưng từ đâu xuất phát niềm vui khác thường trong lễ Giáng sinh như vậy? Chắc chắn không phải vì đã đưa về nhà những món quà hoặc vì đã sống những buổi lễ xa hoa. Không phải vậy! Đó là niềm vui trào dâng từ tâm hồn khi được đụng chạm cụ thể đến sự gần gũi của Chúa Giêsu, sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng không để chúng ta lẻ loi, nhưng an ủi chúng ta. Đây là kinh nghiệm về hang đá: cảm thấy sự gần gũi của Thiên Chúa một cách cụ thể. Thực vậy, hang đá diễn tả thực tại như có thực: đó là cuộc sống hằng ngày, với các mục tử và những người làm nghề khác; có sự ác tượng trưng bằng lâu đài vua Hêrôđê; tóm lại là nói lên vẻ đẹp và lầm than của thế giới. Nhưng tất cả đều được thấm đượm sự Mới Mẻ: Thiên Chúa ở giữa chúng ta và ôm lấy cuộc sống của chúng ta.”
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, hang đá như một giếng nước nhỏ từ đó ta kín múc sự gần gũi của Thiên Chúa, là nguồn mạch hy vọng và vui mừng. Nó giống như một Tin mừng sống động, một Tin mừng gia đình. Như một giếng nước trong Kinh thánh, là nơi gặp gỡ, như các mục tử Bethlehem và dân chúng ở làng Greccio đã mang đến cho cho Chúa Giêsu những mong đợi và lo âu trong cuộc sống. Nếu đứng trước hang đá, chúng ta phó thác cho Chúa Giêsu những gì chúng ta mang trong lòng, thì cả chúng ta cũng sẽ cảm thấy “một niềm vui rất lớn” (Mt 2,10).
Chào thăm và kêu gọi
Sau bài giáo lý trên đây là phần tóm tắt bằng nhiều thứ tiếng, với lời chào thăm của Đức Thánh cha, bắt đầu từ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Arập, và Ba Lan.
Qua các thứ tiếng, Đức Thánh cha nhắc đến tên một số phái đoàn hành hương, và khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Tại đất nước anh chị em đang diễn ra Chiến dịch “Trợ giúp các trẻ em áp lễ Giáng sinh”. Sáng kiến từ thiện này, những cây nến Caritas được thắp trên bàn ăn, biểu lộ tình liên đới với các trẻ em nghèo túng ở Ba Lan và các nước nghèo. Tôi chân thành chúc lành cho anh chị em và làm phép các cây nến Caritas!”
Bằng tiếng Ý, sau khi nhắc đến tên vài phái đoàn, ngài nói: “Sau cùng, tôi chào thăm những người cao tuổi, các bệnh nhân, các đôi tân hôn và người trẻ, đặc biệt các học sinh từ San Benedetto del Tronto, và Roccarainola-Tufino. Ước gì niềm vui lễ Chúa Giáng sinh mang lại cho thế giới cũng như cho mỗi người trong anh chị em một hồng ân cần chia sẻ với tha nhân, đặc biệt với những người đang chịu đau khổ và bị gạt ra ngoài lề”. Tôi chúc lành cho tất cả!