Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Chúa Thánh Linh là nguồn mạch lòng nhiệt thành truyền giáo

Photo: Vatican Media

Sáng thứ Tư, ngày 06 tháng Mười Hai vừa qua, giống như tuần trước đây, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung các tín hữu hành hương tại Đại thính đường Phaolô VI, ở nội thành Vatican.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Như thường lệ, buổi tiếp kiến mở đầu với phần lắng nghe Lời Chúa, qua một đoạn sách Tông đồ Công vụ (Cv 1,6-8):

[Sau khi Chúa sống lại], những người đã ở với Chúa hỏi Người: “Lạy Chúa, có phải đây là lúc Chúa tái lập Vương quốc Israel hay không?”. Nhưng Người đáp: “Các con không cần biết thời giờ hoặc kỳ hạn Cha đã dành cho quyền năng của Ngài, nhưng các con sẽ nhận lãnh sức mạnh từ Thánh Linh, Đấng sẽ ngự xuống trên các con, và các con sẽ là chứng nhân về Thầy ở Jerusalem, trên toàn Judea và Samaria, cho đến tận bờ cõi trái đất”.

Bài huấn giáo

Trong phần huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về “sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu”. Bài thứ 29 này có tựa đề: “Loan báo là trong Chúa Thánh Linh”.

Giống như tuần trước, Đức Thánh cha cho biết giọng ngài còn yếu nên Đức ông Filippo Ciampanelli, thuộc Phủ Quốc vụ khanh, đã đọc thay ngài bài huấn giáo và các lời chào thăm, sau đây:

Anh chị em thân mến,

“Trong các bài huấn giáo trước đây, chúng ta đã thấy rằng việc loan báo Tin mừng là niềm vui, là cho tất cả mọi người và hướng về ngày hôm nay. Hôm nay, chúng ta khám phá đặc tính thiết yếu sau cùng, đó lần cần loan báo trong Chúa Thánh Linh. Thực vậy, để “thông truyền Thiên Chúa”, làm chứng tá một cách có thế giá và trong vui tươi, đặc tính hoàn vũ của việc loan báo và thời sự tính của sứ điệp vẫn chưa đủ. Nếu không có Chúa Thánh Linh thì mọi hăng say chỉ là vô ích và không có đặc tính tông đồ đích thực: việc làm ấy chỉ là của chúng ta và không mang lại hoa trái.

Vị thế tối thượng của Thánh Linh

Trong Tông huấn “Evangelii gaudium”, Niềm vui Tin mừng, tôi đã nhắc nhở rằng “Chúa Giêsu là vị loan báo tin mừng đầu tiên và cao cả nhất; trong “bất kỳ hình thức loan báo Tin mừng nào, vị thế ưu tiên vẫn luôn là của Thiên Chúa”, Đấng đã muốn “kêu gọi chúng ta cộng tác với Ngài và kích thích chúng ta bằng sức mạnh của Thánh Linh Ngài” (n.21). Đó là vị thế tối thượng của Chúa Thánh Linh! Vì thế, Chúa so sánh năng động của Nước Thiên Chúa với “một người gieo hạt giống; dù người ấy ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống nảy mầm và lớn lên; bằng cách nào, chính người ấy không biết” (Mc 4,26-27). Chúa Thánh Linh luôn giữ vai chính, luôn đi trước các thừa sai và làm tăng trưởng các hoa trái. Ý thức này mang lại nhiều an ủi cho chúng ta! Và giúp chúng ta xác định một ý thức khác, cũng có tính chất quyết định như vậy: nghĩa là trong lòng nhiệt thành truyền giáo của mình, Giáo hội không loan báo bản thân, nhưng loan báo một ân sủng, một hồng ân, và Chúa Thánh Linh chính là Hồng Ân của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ xứ Samaria (Xc Ga 4,10).

Vẫn cần sự dấn thân của tín hữu

Nhưng vị thế tối thượng của Thánh Linh không được làm cho chúng ta lười biếng. Lòng tín thác không biện minh cho sự không dấn thân hoạt động. Sức sinh động của hạt giống tăng trưởng tự mình không cho phép các nông dân bỏ bê không săn sóc đồng ruộng. Chúa Giêsu, khi để lại nhưng lời nhắn nhủ cuối cùng trước khi về trời, đã nói: “Các con hãy nhận lấy sức mạnh của Thánh Linh sẽ ngự xuống trên các con, và các con sẽ là chứng nhân về Thầy... cho đến tận bờ cỡi trái đất” (Cv 1,8). Chúa không để lại cho chúng ta những giáo trình thần học hoặc một cuốn thủ bản mục vụ cần áp dụng, nhưng Chúa khơi dậy sứ vụ. Và sự tháo vát can đảm mà Thánh Linh phú ban làm chúng ta nói theo đường lối của Người, luôn có hai đặc tính này là tinh thần sáng tạo và đơn sơ.

Tinh thần sáng tạo, để loan báo Chúa Giêsu trong vui tươi, cho tất cả và ngày hôm nay. Thời đại chúng ta không giúp có một cái nhìn tôn giáo về cuộc sống và trong đó việc loan báo trở nên khó khăn tại nhiều nơi, vất vả, và có vẻ là không hiệu quả, có thể nảy sinh cám dỗ ngưng việc mục vụ. Nhiều khi người ta nại tới những biện pháp an toàn. Ví dụ như lập lại theo thói quen nhưng điều từ trước đến nay vẫn làm, hoặc theo những lời mời gọi chắc chắn hấp dẫn của một thứ linh đạo duy nội tâm, thân mật, hoặc trong một sự ngộ nhận về vị thế trung tâm của phụng vụ. Đó là những cám dỗ mặc bộ áo trung thành với truyền thống, nhưng nhiều khi thay vì vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, thì lại là những phản ứng đối với những bất mãn của bản thân. Trái lại, tinh thần sáng tạo mục vụ, táo bạo trong Thánh linh, nồng nhiệt nhờ ngọn lửa truyền giáo của Chúa, là bằng chứng về sự trung thành với Chúa. Vì thế, tôi đã viết rằng “Chúa Giêsu Kitô cũng có thể phá vỡ những khuôn khổ nhàm chán trong đó chúng ta muốn đóng khung Ngài và làm cho chúng ta ngạc nhiên với tinh thần sáng tạo liên lỉ của Chúa. Mỗi lần chúng ta tìm cách trở lại nguồn mạch và phục hồi sự tươi mát nguyên thủy của Tin mừng thì lại xuất hiện những con đường mới, các phương pháp sáng tạo và những hình thức diễn tả khác, những dấu hiệu hùng hồn hơn, những lời nói đầy ý nghĩa mới mẻ đối với thế giới ngày nay” (E.G 11).

Sau tinh thần sáng tạo, đến sự đơn sơ, chính vì Chúa Thánh Linh dẫn chúng ta đến nguồn, đến việc loan báo tiên khởi. Thực vậy, chính “lửa của Thánh Linh làm cho chúng ta tin nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng, qua cái chết và sống lại của Người, tỏ lộ và thông truyền cho chúng ta lòng thương xót vô biên của Chúa Cha” (ivi 164). Đó là lời loan báo đầu tiên, “phải chiếm chỗ trung tâm trong các hoạt động truyền giáo và của mọi ý hướng canh tân Giáo hội”. Tôi nhắc lại: “Chúa Giêsu yêu thương bạn, đã hiến mạng sống của Ngài để cứu bạn, và giờ đây Người đang sống cạnh chúng ta mỗi ngày, để soi sáng cho bạn, củng cố và giải thoát bạn” (ibidem).

Tuân theo Thánh Linh

Và Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Anh chị em thân mến, chúng ta hãy để mình được Thánh Linh chinh phục và khẩn cầu Ngài mọi ngày. Ngài là nguyên lý sống của chúng ta và mọi hoạt động của chúng ta; khởi sự mỗi hoạt động, gặp gỡ và hội họp, loan báo. Chúa làm cho Giáo hội sinh động và tươi trẻ: Với Ngài, chúng ta không phải sợ hãi, vì Chúa là sự hòa hợp, liên kết tinh thần sáng tạo và đơn sơ, khơi lên tình hiệp thông và sai đi truyền giáo, mở ra đối với sự khác biệt và dẫn đến hiệp nhất. Chúa là sức mạnh của chúng ta, là hơi thở của việc loan báo chúng ta thực hiện, là nguồn mạch lòng nhiệt thành tông đồ. Lạy Chúa Thánh Linh, xin hãy đến”.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi Đức Thánh cha trình bày bằng tiếng Ý, bài huấn dụ trên đây được tóm tắt trong nhiều thứ tiếng cho các nhóm tín hữu thuộc các ngôn ngữ khác nhau, như: Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức và Arập.

Bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha chào thăm cách riêng các nghệ sĩ tham dự buổi hòa tấu “Các thánh vịnh hòa bình và tạ ơn”, tưởng niệm lễ phong chân phước cho gia đình Ulma [bị Đức quốc xã sát hại vì đã cho những người Do thái tá túc trong nhà mình”. Đức Thánh cha cũng nói rằng Chúa nhật tới đây tại Ba Lan có cử hành Ngày cầu nguyện và trợ giúp vật chất cho Giáo hội tại miền Đông. Tôi cám ơn tất cả những người đã nâng đỡ bằng lời cầu nguyện và giúp đỡ Giáo hội tại các lãnh thổ ấy, nhất là tại Ucraina đau thương”.

Khi chào thăm các tín hữu nói tiếng Ý, Đức Thánh cha thân ái chào thăm các nhà đào tạo tại các chủng viện, đang tham dự khóa bồi dưỡng do Bộ Loan báo Tin mừng tổ chức. Ngài nói: “Các linh mục thân mến, xin Chúa luôn trợ giúp anh em, để những ngày học hỏi này có thể soi sáng việc phục vụ của anh em dành cho Giáo hội”.

Đức Thánh cha cũng chào thăm các tín hữu thuộc một số giáo xứ và sau cùng, ngài chào thăm những người cao tuổi, các bệnh nhân, các đôi tân hôn và người trẻ, và đặc biệt nghĩ tới các học sinh một số trường học ở Milano. Đức Thánh cha nói: “Chúng ta sắp mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Mẹ Maria đã tin vào tình thương của Thiên Chúa và đã thưa “xin vâng”. Hãy học từ Mẹ lòng tín thác hoàn toàn đối với Chúa để làm chứng ở khắp nơi về điều tốt lành và tình yêu, theo tinh thần Tin mừng.

Và chúng ta đừng quên cầu nguyện cho những người đang chịu đau khổ vì thảm trạng chiến tranh, cách riêng nhân dân Ucraina, Israel và Palestine.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.