Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Chúa Thánh Linh chữa lành những xáo trộn, bắt đầu từ bên trong chúng ta
Sáng thứ Tư, ngày 29 tháng Năm năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã có buổi Tiếp kiến chung như thường lệ, tại Quảng trường thánh Phêrô, từ lúc 9 giờ, với sự tham dự của hàng chục ngàn tín hữu hành hương đến từ nhiều quốc gia.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Mở đầu buổi tiếp kiến là phần lắng nghe Lời Chúa, với một đoạn trích từ sách Sáng Thế (1,1-2):
“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn hoang sơ, chưa có hình dạng và bóng tối bao phủ vực thẳm và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên nước”.
Bài huấn giáo
Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha bắt đầu một chu kỳ mới về “Thánh Thần và Hôn Thê. Chúa Thánh Linh hướng dẫn Dân Chúa gặp gỡ Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta”. Bài thứ nhất này có tựa đề là: “Thánh Thần Chúa bay là là trên nước”.
Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Với bài giáo lý này, chúng ta bắt đầu một chu kỳ những suy tư về “Thánh Thần và Hôn Thê. Chúa Thánh Linh hướng dẫn Dân Chúa gặp gỡ Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta”. Chúng ta thực hiện hành trình này qua ba giai đoạn lớn của lịch sử cứu độ: Cựu ước, Tân ước và thời đại của Giáo hội, luôn hướng cái nhìn của chúng ta về Chúa Giêsu là hy vọng của chúng ta.
Trong những bài giáo lý đầu tiên này về Thánh Thần trong Cựu ước, chúng ta không thực hiện “một cuộc khảo cổ Kinh thánh”. Trái lại, chúng ta sẽ khám phá thấy rằng điều được ban như lời hứa trong Cựu ước đã được thực hiện viên mãn trong Chúa Kitô. Hành trình này giống như đi theo mặt trời từ rạng đông cho đến chiều tà.
Chúng ta bắt đầu từ hai câu đầu tiên của toàn bộ Kinh thánh: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời và đất. Trái đất chưa có hình dạng và hoang vu, và bóng tối bao phủ vực thẳm và Thần khí Thiên Chúa bay là là trên nước” (St 1,1-2). Thần khí Thiên Chúa xuất hiện ở đây trước chúng ta, như một quyền năng mầu nhiệm biến thế giới từ lúc khởi đầu chưa có hình dạng, hoang vu và tối tăm thành một tình trạng có trật tự và hòa hợp. Nói khác đi, đó là Đấng biến từ hỗn mang thành vũ trụ, nghĩa là từ tình trạng hỗn độn thành một cái gì đẹp đẽ và có trật tự. Thực vậy, đó là ý nghĩa từ Hy Lạp kosmos, cũng như từ Latinh mundus, nghĩa là cái gì đẹp đẽ, có thứ tự và sạch sẽ.
Sự ám chỉ còn mơ hồ này về hoạt động của Chúa Thánh Linh trong việc sáng tạo được xác định sau đó trong mạc khải. Trong một thánh vịnh chúng ta đọc thấy: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi thở Chúa tạo thành muôn tinh tú” (33,6), và “Chúa thở hơi, chúng được tạo thành, và canh tân bộ mặt trái đất” (Tv 104,30).
Đường hướng phát triển này trở nên rất rõ ràng trong Tân ước, mô tả sự can thiệp của Thánh Linh trong công trình sáng tạo mới, dùng chính những hình ảnh ta đọc thấy về nguồn gốc thế giới: chim bồ câu trong lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa bay là là trên nước sông Giordan (Xc Mt 3,16); Chúa Giêsu, trong Nhà Tiệc Ly, thổi hơi trên các môn đệ và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Linh” (Ga 20,22), như lúc khởi đầu Thiên Chúa đã thổi hơi của Ngài trên ông Adam (Xc St 2,7).
Thánh Phaolô tông đồ du nhập một yếu tố mới trong tương quan này giữa Thánh Linh và công trình tạo dựng. Ngài nói về một vũ trụ đang “rên xiết và đau đớn, như phụ nữ lúc sinh con” (Xc Rm 8,22). Đau đớn vì con người phải “làm nô lệ cho sự hư hỏng” (Xc vv.20-21). Đó là một thực tại liên hệ gần kề và vi thảm đối với chúng ta. Thánh Tông đồ thấy nguyên nhân đau khổ của thụ tạo trong sự hư hỏng và trong tội lỗi của nhân loại, lôi kéo con người xa lìa Thiên Chúa. Điều này vẫn là sự thực ngày nay cũng như bấy giờ. Chúng ta thấy sự tàn phá mà nhân loại đã và tiếp tục gây ra cho công trình tạo dựng, nhất là từ phần lớn nhân loại có khả năng khai thác nhiều nhất các tài nguyên thiên nhiên.
Thánh Phanxicô Assisi chỉ cho chúng ta một lối thoát để trở về sự hòa hợp của Thánh Thần sáng tạo: đó là con đường chiêm ngắm và chúc tụng. Thánh Phanxicô muốn rằng từ các thụ tạo dâng lên một bài ca chúc tụng Đấng Tạo Hóa: “Lạy Chúa, chúc tụng Chúa...”
“Các tầng trời kể lại vinh quang Thiên Chúa”, như lời thánh vịnh (18,2). Nhưng các tầng trời ấy cần con người để mang lại tiếng nói cho tiếng kêu thầm kín của thiên nhiên. Và trong kinh “Thánh, Thánh, Thánh” của thánh lễ, chúng ta lập lại mỗi lần: “Trời và đất đầy vinh quang Chúa”. Có thể nói, chúng đang “mang thai”, nhưng cần những bàn tay giỏi của bà đỡ để sinh ra lời ngợi khen ấy của chúng ta. Thánh Phaolô nhắc nhở rằng ơn gọi của chúng ta trong thế giới là chúc tụng vinh quang Chúa” (Ep 1,12). Vấn đề ở đây là đặt niềm vui chiêm ngắm trước cái vui vì sở hữu. Và không ai vui mừng với các thụ tạo hơn thánh Phanxicô Assisi, người không muốn sở hữu bất kỳ thụ tạo nào.
Anh chị em, Thánh Thần Chúa, lúc khởi đầu đã biến đổi hỗn mang thành vũ trụ, đang hoạt động để thực hiện sự biến đổi này nơi mỗi người. Qua ngôn sứ Ezekiel, Thiên Chúa hứa: “Ta sẽ ban một trái tim mới. Ta sẽ đặt trong các con một tinh thần mới. Ta sẽ đặt trong các con một Thần Trí mới. Ta sẽ đặt Thần Trí Ta trong các con” (Ez 36,26-27). Vì con tim chúng ta giống như vực thẳm hoang vu và tối tăm, như những câu đầu tiên của sách Sáng Thế. Trong đó, những tình cảm và ước muốn đối nghịch giao động: những ước muốn của xác thịt và tinh thần. Tất cả chúng ta, theo một nghĩa nào đó, là một nước “bị chia rẽ nơi chính mình”, như Chúa Giêsu đã nói trong Tin mừng (Xc Mc 3,24). Có một sự xáo trộn bên ngoài - về xã hội và chính trị - và một xáo trộn nội tâm nơi mỗi người chúng ta. Ta không thể chữa lành xáo trộn bên ngoài, nếu không bắt đầu chữa lành xáo trộn bên trong!
Ước gì suy tư này khơi lên trong chúng ta ước muốn cảm nghiệm Thánh Thần sáng tạo. Từ hơn một ngàn năm nay, Giáo hội đặt nơi môi miệng chúng ta tiếng kêu để khẩn cầu Thánh Linh: “Lạy Thánh Thần sáng tạo, xin hãy đến!”, Veni creator Spiritus! Xin viếng thăm tâm trí chúng con, làm đầy thiên ân những tâm hồn Chúa đã tạo dựng”.
Chào thăm và kêu gọi
Sau bài giáo lý trên đây, buổi tiến được nối tiếp với phần tóm tắt và những chào thăm, kèm theo những lời nhắn nhủ của Đức Thánh cha.
Khi chào nhóm tiếng Pháp, trong đó có nhiều học sinh và người trẻ, Đức Thánh cha nhắc nhở rằng Chúa nhật, ngày 02 tháng Sáu sắp tới là Đại lễ kính Mình Thánh Chúa, và nói rằng: “Xin Chúa Thánh Linh dẫn chúng ta đến cùng Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể, mầu nhiệm tình thương, nguồn mạch ơn thánh, niềm vui và ánh sáng, là sự nâng đỡ trong những khó khăn và an ủi trong cơ cực”.
Khi chào bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm các tín hữu đến từ Anh quốc, Hòa Lan, Indonesia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Mỹ. Ngài cầu khẩn tình thương của Thiên Chúa là Cha chúng ta xuống trên các tín hữu hiện diện và gia đình họ.
Khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc đến lễ nhớ chân phước Stefan Wyszynski, và nói rằng ước gì vị Giáo chủ Công giáo Ba Lan trong ngàn năm thứ nhất, là mẫu gương cho Giáo hội và thế giới về lòng trung thành với Chúa Kitô và Đức Mẹ. Chúng ta hãy học từ người lòng quảng đại đáp ứng những nghèo nàn của thời đại chúng ta, kể cả nạn nghèo do chiến tranh gây ra tại bao nhiêu nước trên thế giới, đặc biệt là tại Ucraina.
Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha chào thăm cách riêng các linh mục thuộc Giáo phận Bergamo, đang mừng kỷ niệm 25 năm linh mục và ngài khuyến khích các vị kiên trì trung thành với tiếng gọi của Chúa và phục vụ Tin mừng trong vui tươi. Ngài cũng nhắc đến các Nữ tử Thánh Giá ở Liège, bên Bỉ đang cử hành Tổng Tu nghị, và khuyến khích các chị củng cố các lý tưởng tu trì để ngày càng quảng đại biểu lộ lòng tận tụy đối với Thiên Chúa và anh chị em.
Đức Thánh cha cũng nhắc đến các binh sĩ thuộc Bộ chỉ huy truyền tin ở Cecchignola, thuộc Roma và Nettuno. Đức Thánh cha không quên nhắc đến những người trẻ, các bệnh nhân, người cao tuổi và các đôi tân hôn, đồng thời nói thêm rằng hôm nay, chúng la kính nhớ thánh Giáo hoàng Phaolô VI, vị mục tử nhiệt thành yêu mến Chúa Kitô, Giáo hội và nhân loại. Ước gì dịp lễ này giúp tất cả mọi người tái khám phá niềm vui làm Kitô hữu, khơi dậy sự tái dấn thân xây dựng nền văn minh tình thương.
Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.