Sứ điệp Đức Thánh cha gửi Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos
Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi Diễn đàn kinh tế thế giới kỳ thứ 54, đang tiến hành tại Davos bên Thụy Sĩ, liên kết để thăng tiến những kiểu mẫu hoàn cầu hóa sáng suốt và hợp luân lý đạo đức.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong sứ điệp gửi đến giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới, đang tiến hành từ ngày 15 đến 19 tháng Giêng này, với sự tham dự của hơn 2.800 vị quốc trưởng, đại diện các chính phủ, các vị quản trị thừa ủy và chủ tịch các Hội đồng quản trị cũng như phái viên của các tổ chức quốc tế đến từ 120 quốc gia. Sứ điệp của Đức Thánh cha đã được Đức Hồng y Peter Turkson, người Ghana, Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về khoa học các khoa xã hội, tuyên đọc tại Hội nghị.
Trong sứ điệp, Đức Thánh cha nhận định rằng trước mắt, chúng ta có một thế giới “ngày càng bị xâu xé, trong đó hàng triệu người tiếp tục chịu đau khổ, vì hậu quả của những xung đột kéo dài và chiến tranh thực sự. Những đau khổ đó càng trở nên trầm trọng hơn vì “các cuộc chiến tân thời không những chỉ diễn ra tại chiến trường được xác định rõ rệt, và không phải chỉ liên hệ tới các quân nhân”.
Trong bối cảnh đó, Đức Thánh cha bày tỏ hy vọng những thảo luận tại Davos để ý đến nhu cầu cấp thiết thăng tiến sự gắn kết xã hội, tình huynh đệ và hòa giải giữa các nhóm, các cộng đoàn và quốc gia, để đương đầu với các thách đố chúng ta đang có trước mắt”.
Thách đố đầu tiên chính là hòa bình. Hòa bình hằng mong ước này chỉ có thể là kết quả của công lý. Vì thế, để đạt tới hòa bình không phải chỉ cần gạt sang một bên các dụng cụ chiến tranh, nhưng là đương đầu với những bất công, vốn là căn bản của các xung đột. Trước tiên là nạn đói tiếp tục đè nặng trên nhiều miền trên thế giới, trong khi thế giới có sự phung phí thái quá lương thực. Sự khai thác các tài nguyên thiên nhiên tiếp tục làm giàu cho một thiểu số, nhưng để lại cho toàn dân tộc, vốn là những người thừa hưởng tự nhiên các tài nguyên ấy trong tình trạng nghèo khổ tột cùng.
Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng những hiện tượng ấy không phải chỉ xảy ra tại một vài nước, nhưng là toàn thế giới, vì tiến trình toàn cầu hóa ngày nay đã chứng tỏ rõ ràng sự lệ thuộc hỗ tương giữa các quốc gia và dân tộc. Và điều này có một chiều kích cơ bản là luân lý, cần phải được để ý tới trong các cuộc thảo luận về kinh tế, văn hóa, chính trị, tôn giáo, nhắm hình thành tương lai của cộng đồng quốc tế”.
(Rei, Vatican News 17-1-2024)