Sứ điệp của Đức Thánh cha nhân kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ của Đồng minh ở Normandie
Đức Thánh cha Phanxicô tái lên án chiến tranh, xung đột và mời gọi mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân, và cảnh giác đừng trở nên quen thuộc với chiến tranh; cầu nguyện cho những kẻ muốn chiến tranh, khơi lên chiến tranh và thủ lợi.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong thư gửi đến Đức cha Jacques Habert, Giám mục Giáo phận Bayeux và Lisieux, thuộc miền Normandie ở mạn tây bắc Pháp, nơi đã diễn ra cuộc đổ bộ vĩ đại của quân Đồng minh cách đây 80 năm, trong nỗ lực chấm dứt Thế chiến thứ II. Thư của Đức Thánh cha được công bố trong buổi lễ tưởng niệm lúc 7 giờ chiều, ngày 05 tháng Sáu vừa qua, tại nhà thờ chính tòa Bayeux, với sự tham dự của các đại diện chính quyền, giáo quyền và các vị lãnh đạo quân sự.
Đức Thánh cha viết: “Chúng ta nhớ đến nỗ lực cộng đồng và quân sự vĩ đại và hùng hậu ấy để phục hồi tự do. Chúng ta cũng nghĩ đến cái giá mà cố gắng ấy phải trả: những nghĩa trang mênh mông và hàng ngàn ngôi mộ các binh sĩ - phần lớn là những người rất trẻ, và đến từ xa, họ đã anh dũng hy sinh mạng sống, nhờ đó giúp chấm dứt Thế chiến thứ II và tái lập hòa bình, một nền hòa bình kéo dài gần 80 năm”.
Đức Thánh cha nhắc đến những tàn phá to lớn mà bao nhiêu thành phố đã phải chịu, cùng với vô số các nạn nhân vô tội. Và ngài nhấn mạnh rằng: “Thật là điều vô ích và giả hình nếu tưởng niệm mà không lên án và hoàn toàn loại bỏ xung đột, nếu không lập lại tiếng kêu của thánh Phaolô VI, tại Liên Hiệp Quốc, ngày 04 tháng Mười năm 1965: “Đừng bao giờ chiến tranh nữa!”.
Đức Thánh cha lấy làm tiếc vì trong nhiều thập niên, ký ức về những sai lầm quá khứ, nâng đỡ ý chí quyết liệt thực hành mọi sự để tránh cuộc xung đột thế giới tái diễn, nhưng - ngài nói - “Tôi đau buồn nhận thấy rằng hiện nay, càng ngày nó không còn ý chí như vậy nữa và người ta có ký ức ngắn ngủi. Ước gì cuộc tưởng niệm này giúp chúng ta tìm lại ý chí cương quyết ấy!”
“Thực vậy, thật là điều lo âu viễn tượng cuộc xung đột chung hiện nay ngày càng được cứu xét nhiều hơn, và các dân tộc dần dần trở nên quen thuộc hơn với khả thể không thể chấp nhận được. Các dân tộc muốn hòa bình! Họ muốn những điều kiện ổn định, an ninh và thịnh vượng, trong đó mỗi người có thể nghiêm túc chu toàn nghĩa vụ và vận mệnh của mình. Phá hoại trật tự cao quý này vì những tham vọng ý thức hệ, quốc gia chủ nghĩa và kinh tế, là một lỗi nặng trước mặt con người và lịch sử, một tội trước mặt Chúa”.
Trong phần kết của lá thư, Đức Thánh cha mời gọi mọi người cầu nguyện cho những kẻ muốn chiến tranh và gây ra chiến tranh, cầu cho những người đang kiến tạo hòa bình và sau cùng, cho các nạn nhân chiến tranh; chiến tranh quá khứ cũng như chiến tranh hiện nay.
(Sala Stampa 5-6-2024)