Phỏng vấn Đức Thánh cha trên đường từ Bồ Đào Nha về Roma

Photo: Vatican Media

Tối Chúa nhật, ngày 06 tháng Tám vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã từ Lisboa, Bồ Đào Nha về đến Roma bình an. Máy bay chở Đức Thánh cha đáp xuống phi trường Fiumicino, lúc 9 giờ 40 phút, tức là sớm hơn một giờ đồng hồ so với chương trình dự định.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trên chuyến bay dài ba giờ đồng hồ của hãng hàng không TAP, Bồ Đào Nha, như thường lệ, Đức Thánh cha đã trả lời các câu hỏi của giới báo chí cùng đi.

Nữ ký giả Aura Maria Vista Miguel của Đài Phát thanh Phục Hưng, Rádio Renascenxa, Bồ Đào Nha, được đặt câu hỏi đầu tiên: cô cho biết đã gặp một vị chỉ huy cấp cao của cảnh sát Bồ Đào Nha, ông nói với cô về các tham dự viên Ngày Quốc tế Giới trẻ vừa qua, rằng: “Tôi chưa bao giờ thấy một đám đông vâng lời và ôn hòa như vậy. Thật là đẹp”! Và cô hỏi Đức Thánh cha tại sao khi ở nhà nguyện Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, sáng thứ Bảy, ngày 05 tháng Tám, Đức Thánh cha không cầu nguyện cho chiến tranh chấm dứt? Đức Thánh cha đáp: “Tôi có cầu nguyện. Tôi cầu nguyện với Đức Mẹ và đã cầu xin hòa bình. Tôi không cầu lớn tiếng, nhưng tôi đã cầu nguyện. Trong Thế chiến thứ I, Đức Mẹ đã dạy hãy cầu nguyện cho chiến tranh chấm dứt. Tôi cũng cầu nguyện như vậy, nhưng tôi không đọc lớn tiếng”.

Những vụ lạm dụng

Một ký giả khác người Bồ Đào Nha hỏi: “Đức Thánh cha có đọc phúc trình về những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em ở Bồ Đào Nha hay không? Theo phúc trình này, có gần 5.000 trẻ em bị lạm dụng trong 60 năm trời (từ 1950-2010)? Ngài nghĩ gì về những giám mục biết những vụ lạm dụng ấy mà không thông báo cho chính quyền?”

Trong câu trả lời, Đức Thánh cha cho biết đã gặp gỡ rất kín đáo một nhóm người đã bị lạm dụng và giải thích rằng: “Như tôi vẫn luôn làm trong những trường hợp như thế, chúng tôi đã đối thoại về thứ dịch khủng khiếp này. Trong Giáo hội hơn kém xảy ra cùng thái độ như trong các gia đình và các khu xóm: đó là người ta che đậy. Chúng tôi nghĩ 42% những vụ lạm dụng xảy ra trong các gia đình hoặc trong các khu xóm. Chúng ta còn phải trưởng thành và giúp khám phá những vụ này. Từ vụ xì căng đan ở Boston, bên Mỹ, Giáo hội đã ý thức rằng không thể đi theo những con đường tạm bợ, nhưng phải nắm sừng con bò. Cách đây hai năm rưỡi đã có cuộc họp các vị Chủ tịch các Hội đồng Giám mục, trong đó có trình bày cả những thống kê chính thức về những vụ lạm dụng. Tình hình thật là trầm trọng. Trong Giáo hội có một câu chúng tôi liên tục sử dụng, đó là tuyệt đối không dung túng, “tolleranza zero”! Và những vị mục tử nào, một cách nào đó, không lãnh trách nhiệm của mình thì phải chịu trách nhiệm đó... Và thế giới những vụ lạm dụng rất cam go, và vì thế, tôi khuyên hãy rất cởi mở về tất cả những điều đó.”

Đức Thánh cha cho biết Giáo hội tại Bồ Đào Nha đang tiến hành tốt, trong thanh thản, nghiêm túc điều tra về những vụ lạm dụng. Con số nhiều khi có phần phóng đại, nhưng thực tế là đang tiến hành tốt và điều này làm cho tôi an tâm.

“Tôi muốn đề cập đến điều này và tôi muốn các bạn ký giả cộng tác trong vấn đề này nữa. Các bạn có điện thoại di động phải không? Dùng bất kỳ điện thoại di động ấy, trả tiền và có mật khẩu, các bạn có thể vào các mạng lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Những thứ này đi vào các nhà của chúng ta và những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên được thu hình trực tiếp. Người ta thu hình những vụ đó ở đâu? Đâu là những người trách nhiệm? Đây là một trong những thứ dịch nặng nhất, cạnh tất cả mọi người, nhưng nhiều khi người ta không để ý tới những vụ trầm trọng như thế. Khi người ta dùng một trẻ em để làm những cảnh lạm dụng như vậy, thì người ta thu hút sự chú ý. Sự lạm dụng cũng giống như “ăn nạn nhân”. Hoặc tệ hơn nữa, làm cho nó bị thương và để cho nó sống. Đối với những người bị lạm dụng, đó là một kinh nghiệm rất đau đớn. Nhưng nó cũng giúp tôi gánh vác thảm trạng ấy. Tóm lại, về câu hỏi của anh, tôi muốn nói là sự việc đang tiến hành tốt, tôi đã được thông báo về những gì đang diễn ra trong Giáo hội tại Bồ Đào Nha”.

“Cũng có những thứ lạm dụng khác kêu thấu tới trời: lạm dụng lao công trẻ em, lạm dụng phụ nữ. Ngày nay tại nhiều nước còn có những vụ cắt bỏ cơ quan sinh dục trẻ nữ: người ta cắt bỏ âm vật của các em và ngày nay người ta làm việc này với dao cạo... Thật là tàn ác!

Tình trạng sức khỏe của Đức Thánh cha

Một ký giả người Pháp hỏi Đức Thánh cha về tình trạng sức khỏe của ngài. Đức Thánh cha cho biết sức khỏe của ngài tốt. Sau khi tháo gỡ các vết mổ, ngài hoạt động bình thường. Và sở dĩ trong cuộc gặp gỡ các đại diện các trung tâm bác ái ở Lisboa, ngài cắt ngắn hoặc bỏ nhiều đoạn trong bài diễn văn, vì lúc đó có ánh sáng chiếu vào mắt ngài, khó chịu, nên ngài không đọc.

Ngoài ra, thỉnh thoảng Đức Thánh cha bỏ diễn văn dọn sẵn để nói buông, nói ứng khẩu để tránh những điều lý thuyết quá. “Đối với những người trẻ, các diễn văn dài, tôi lấy những ý tưởng thiết yếu và nói đơn giản. Những người trẻ không chăm chú lắm. Hãy nghĩ rằng nếu bạn làm một diễn văn rõ ràng với một ý tưởng, một hình ảnh, một tâm tình, thì họ có thể theo dõi bạn 8 phút. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, điều đầu tiên tôi khuyên, - trong chương dài về bài giảng - đó là việc giảng ngắn gọn... Có một cha sở biết rằng những bài giảng nhiều khi là một cuộc tra tấn, cha giảng nói lải nhải và người ta ra ngoài nhà thờ hút một điếu thuốc lá rồi trở vào nhà thờ. Giáo hội phải hoán cải về vấn đề bài giảng: cần giảng ngắn, rõ ràng, một sứ điệp minh bạch, dễ thương.”

Tại sao đến Marseille mà không thăm nước Pháp

Về câu hỏi tại sao Đức Thánh cha đã đi tới thành phố Strasbourg và sắp tới Marseille, mà lại không thăm nước Pháp, ngài cho biết là có chủ trương thăm các nước nhỏ trước, rồi sau đó mới đến các nước lớn. Vì thế, ngài đã bắt đầu bằng nước Albani và tới các nhỏ, trước khi thăm các nước lớn.

Các trại tập trung tại Bắc Phi

Về việc sẽ đến Marseille cuối tháng Chín tới đây, Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Có một vấn đề làm ngài bận tâm là vấn đề Địa Trung Hải, vì thế ngài sẽ tới Pháp. Nạn bóc lột di dân là một tội ác. Có những trại tập trung ở Bắc Phi. Về vấn đề này, tôi đề nghị các bạn đọc một cuốn sách do một người di dân viết ra, người ấy từ Guinea, và để đến Tây Ban Nha đã trải qua ba năm trong một trại tập trung ở Bắc Phi: bị bắt, bị tra tấn và bắt làm nô lệ. Tuần trước đây, hiệp hội Cứu Người Địa Trung Hải đang cứu những người di dân ở sa mạc giữa Tunisia và Libya, vì người ta bỏ mặc những người di dân ấy chết tại đó. Cuốn sách vừa nói tên là “Hermanito”, trong tiếng Ý có tiêu đề là “Fratellino”, người em nhỏ. Sách ngắn, đọc trong khoảng hai tiếng đồng hồ, nhưng bõ công. Anh chị em hãy đọc và sẽ thấy thảm trạng của những người di dân trước khi họ lên thuyền.”

Đức Thánh cha cho biết “Các giám mục Địa Trung Hải tổ chức cuộc gặp gỡ Địa trung Hải ở Marseille, và cũng có vài nhà chính trị, để suy tư về sự trầm trọng của thảm trạng những người di dân. Địa Trung Hải là một nghĩa trang, nhưng đó không phải là nghĩa trang lớn nhất, nghĩa trang lớn nhất là ở Bắc Phi”.

Giáo Hội mở rộng cho tất cả mọi người

Một nữ ký giả người Đức hỏi: “Đức Thánh cha vẫn nhấn mạnh trong Giáo hội có chỗ cho tất cả mọi người, không trừ ai. Giáo hội mở rộng cho tất cả nhưng đồng thời, không phải tất cả đều có cùng các quyền, có cơ may như nhau, thí dụ các phụ nữ, những người đồng tính luyến ái không thể chịu tất cả các bí tích... Phải chăng có sự không nhất thống giữa “Giáo hội cởi mở”, và “Giáo hội không như nhau cho tất cả mọi người?”

Đức Thánh cha giải thích rằng đó là hai quan điểm, hai khía cạnh khác nhau: Giáo hội cởi mở với tất cả mọi người, nhưng có những luật lệ điều hành cuộc sống bên trong Giáo hội. Người ở bên trong thì theo luật pháp... Điều mà bạn nói “Không thể làm các bí tích”, điều này không có nghĩa là Giáo hội khép kín. Mỗi người gặp gỡ Thiên Chúa qua con đường của họ bên trong Giáo hội. Giáo hội là mẹ và là người hướng dẫn mỗi người theo con đường của mình. Vì thế, tôi không thích nói: Tất cả mọi người đến, nhưng anh làm điều này, người khác làm điều khác. Tất cả. Mỗi người trong kinh nguyện, trong đối thoại nội tâm, trong đối thoại mục vụ, tìm cách thức để tiến bước. Do đó đặt một câu hỏi: tại sao những người đồng tính luyến ái thì không? Tất cả, và Chúa thật là rõ ràng: người bệnh, người lành mạnh, người già và người trẻ, người xấu và người đẹp, người tốt và người xấu!

Một điều khác, đó là tính chất thừa tác (ministrerietà) của Giáo hội, là cách thức hướng dẫn đoàn chiên, và một trong những điều quan trọng là phải kiên nhẫn trong mục vụ: đồng hành với con người từng bước một trên con đường trưởng thành của họ. Giáo hội là mẹ, đón nhận tất cả mọi người, và mỗi người đi theo con đường của mình trong Giáo hội, không rùm beng quảng cáo, và điều này rất quan trọng”.

Ca ngợi Ngày Quốc tế Giới trẻ Lisboa

Sau cùng, Đức Thánh cha nhận định rằng trong số bốn Ngày Quốc tế Giới trẻ cấp hoàn vũ mà ngài tham dự, từ Rio de Janeiro, tới Cracovia, Panama và vừa qua là Lisboa, thì đây là ngày đông đảo nhất: họ nói có hơn một triệu người. Trong buổi canh thức tối thứ Bảy, 05 tháng Tám, người ta ước lượng có 1,4 triệu, hoặc 1,6 triệu người. Đó là những con số của chính quyền. Thật là gây ấn tượng số lượng như vậy, được chuẩn bị kỹ lưỡng... Đối với tôi, đây là một Ngày Quốc tế rất đẹp, trước khi lên máy bay trở về, tôi đã gặp 25.000 người thiện nguyện. Thật là đẹp!

Cũng nên nói thêm rằng vì tối Chúa nhật vừa qua, khi về đến Roma thì trời đã tối, nên sáng thứ Hai, ngày 07 tháng Tám, Đức Thánh cha đã đến Đền thờ Đức Bà Cả, như thói quen, để cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là Phần rỗi của dân Roma, để cảm tạ Mẹ Thiên Chúa, vì đã phù trợ ngài trong chuyến đi Bồ Đào Nha vừa qua. Đây là lần thứ 110 Đức Thánh cha đến cầu nguyện tại Đền thờ Đức Bà Cả.

(Vatican News 7-8-2023; Sismografo 7-8-2023)