Kinh Truyền tin với Đức Thánh cha: Xin Mẹ Maria dạy chúng ta biết biến mọi sự thành một dụng cụ tình thương

Photo: Vatican Media
Lúc 12 giờ trưa, Chúa nhật, mùng 04 tháng Tám năm 2024, hơn năm ngàn tín hữu đến tham dự buổi đọc kinh Truyền tin do Đức Thánh cha Phanxicô chủ sự, tại Quảng trường thánh Phêrô. Sau khi đọc kinh, Đức Thánh cha kêu gọi liên đới và cầu nguyện cho nhân dân Liban, Venezuela, Trung Đông đang bị đe dọa vì bạo lực, những vụ tấn công và trả thù, các nạn nhân thiên tai, đất lở ở Kerala, Ấn Độ.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha đã đề cập đến bài Tin mừng Chúa nhật thứ XVIII Thường niên Năm B, ghi lai những lời Chúa Giêsu sau phép lạ hóa bánh ra nhiều. Ngài nêu bật tinh thần chia sẻ những gì ít ỏi của thiếu niên với hai chiếc bánh và năm con cá để rút ra những bài học thực hành cho các tín hữu.

Huấn từ của Đức Thánh cha

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, Tin mừng nói với chúng ta về việc Chúa Giêsu: sau dấu lạ bánh và cá, Ngài mời gọi đám đông đang tìm kiếm Ngài hãy suy tư về những gì đã xảy ra, để hiểu ý nghĩa của nó. (Xc Ga 6,24-35)

Họ đã ăn lương thực được chia sẻ và đã có thể thấy, tuy với một chút tài nguyên, nhưng nhờ lòng quảng đại cũng như can đảm của một thiếu niên, đã đặt điều cậu ta có cho người khác: tất cả đã được no đầy (Xc Ga 6,1-13). Dấu hiệu ấy thật là rõ ràng: nếu mỗi người cho người khác điều mình có, với ơn phù trợ của Chúa, dù là với một chút, thì mọi người cũng được một cái gì đó. Chúng ta đừng quên điều đó!

Đức Thánh cha nhận xét rằng trong dấu lạ bánh và cá, “đám đông không lĩnh hội ý nghĩa; họ coi Chúa Giêsu như một người làm ảo thuật và họ trở lại tìm Ngài, với hy vọng Chúa tái diễn phép lạ như một ma thuật (Xc v.26). Họ là những người nắm vai chính về một kinh nghiệm cho hành trình của họ, nhưng họ không hiểu tầm mức của kinh nghiệm ấy. Chú ý của đám đông tập trung vào bánh và cá, về lương thực vật chất mau cạn. Họ không nhận thấy rằng đó chỉ là một phương thế, qua đó Chúa Cha, trong lúc làm cho họ giải cơn đói, tỏ cho họ một cái gì quan trọng hơn nhiều: đó là con đường sự sống trường tồn và sự mong muốn một cái gì quan trọng hơn: con đường sự sống kéo dài mãi mãi và hương vị của bánh làm ta thỏa mãn vượt ra ngoài mọi mức độ. Xét cho cùng, bánh đích thực đã và còn là Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Thiên Chúa đã làm người (Xc. v.35), đã đến để chia sẻ sự nghèo hèn của chúng ta, để hướng dẫn chúng ta, qua đó tiến đến niềm vui hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và với anh chị em (Xc Ga 3,16).

Những của cải vật chất không làm cho cuộc sống được đầy tràn. Nó giúp chúng ta tiến bước và đóng vai trò quan trọng, nhưng nó không làm đầy tràn cuộc sống: chỉ có tình yêu mới làm được như thế (Xc Ga 6,35). Và để điều đó xảy ra thì con đường cần đi chính là con đường bác ái, không giữ lại cái gì cho mình, nhưng chia sẻ mọi sự. Đức bác ái chia sẻ mọi sự.

Và điều này phải chăng không xảy ra trong các gia đình chúng ta hay sao? Chúng ta thấy điều đó. Chúng ta hãy nghĩ đến các cha mẹ vất vả cả đời để nuôi nấng con cái và để lại cho chúng cái gì đó cho tương lai. Thật là đẹp khi sứ điệp này được hiểu, và con cái biết ơn và đến lượt chúng, biết liên đới với nhau như anh chị em! Đúng vậy! Trái lại, thật là buồn khi chúng cãi nhau vì gia tài - tôi đã thấy bao nhiêu trường hợp, chúng tranh giành nhau và thậm chí không muốn nói chuyện với nhau vì tiền bạc, không thèm nói với nhau trong bao nhiêu năm trời! Sứ điệp của cha và mẹ, gia sản quý giá để lại cho chúng không phải là tiền bạc nhưng là tình thương, tình thương qua đó họ để lại cho con cái tất cả những gì họ có, cũng như Chúa đã làm cho chúng ta, và dạy chúng ta yêu thương.

Xét mình

Vậy bây giờ, chúng ta hãy tự hỏi: đâu là tương quan của tôi đối với những của cải vật chất? Phải chăng tôi làm nô lệ cho chúng, hoặc tôi dùng chúng trong tự do, như những dụng cụ để cho đi và nhận tình thương? Tôi có biết nói “cám ơn” Thiên Chúa và anh chị em vì những ơn đã nhận được và có biết chia sẻ chúng với người khác hay không?

Xin Mẹ Maria, Đấng đã trao cho Chúa Giêsu trọn cuộc sống, dạy chúng ta biết biến mọi sự thành một dụng cụ tình thương.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha nhắc đến lễ phong chân phước, hôm thứ Sáu, ngày 02 tháng Tám vừa qua, tại Liban cho Đức Thượng phụ Stefano Douaihy, người đã hướng dẫn Giáo hội Công giáo Maronite trong sự khôn Ngoan, từ năm 1670 đến năm 1704, trong thời kỳ khó khăn với những bách hại...

Đức Thánh cha liên đới với nhân dân Liban hiện đang phải chịu đau khổ rất nhiều và kêu gọi sớm thi hành công lý và làm sáng tỏ sự thật cho gia đình các nạn nhân vụ nổ ở hải cảng Beirut.

Đức Thánh cha cũng bày tỏ lo âu sâu sắc vì những gì đang xảy ra tại Trung Đông và cầu mong rằng cuộc xung đột vốn đã đẫm máu và tàn bạo, không được lan rộng nữa. Đức Thánh cha cầu nguyện cho mọi nạn nhân, gần gũi với cộng đoàn người Druse ở Thánh địa và dân chúng tại Palestine, Israel và Liban, đồng thời cũng không quên dân chúng tại Myanmar.

Đức Thánh cha cũng liên đới với Venezuela đang xáo trộn, sau cuộc bầu cử tổng thống mới đây và các nạn nhân đất lở ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ.

Sau cùng, Đức Thánh cha chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Tags