Kinh Truyền tin với Đức Thánh cha: Khoảnh khắc tuyệt đẹp để đối thoại và lắng nghe trong gia đình là bữa ăn

Trưa Chúa nhật, ngày 29 tháng Mười Hai vừa qua, Lễ Thánh Gia, lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với khoảng ba mươi ngàn tín hữu hành hương, quy tụ tại Quảng trường thánh Phêrô.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Huấn dụ

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha quảng diễn ý nghĩa bài Tin mừng của ngày lễ, thuật lại cuộc hành hương tại Đền thờ Jerusalem, khi Chúa Giêsu được 12 tuổi và lúc trở về, cha mẹ bị lạc mất con.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Hôm nay, chúng ta mừng lễ Thánh Gia Nazareth. Bài Tin mừng kể lại rằng khi Chúa Giêsu 12 tuổi, vào cuối cuộc hành hương tại Jerusalem, Mẹ Maria và thánh Giuse bị lạc mất Chúa Giêsu, rồi tìm lại được con tại Đền thờ, khi Chúa Giêsu đang thảo luận với các nhà thông thái (Xc Lc 2,41-52). Tác giả Luca tỏ lộ tâm trạng của Mẹ Maria, hỏi Chúa Giêsu: “Hỡi con, sao con làm như vậy? Ba con và mẹ, lo lắng tìm con” (v.48). Nhưng Chúa Giêsu đáp: “Sao ba mẹ tìm con? Ba mẹ không biết rằng con phải lo việc của Cha con sao?” (v.49).

Đó là kinh nghiệm của một gia đình có những lúc yên hàn xen lẫn những lúc bi thảm. Đây có vẻ là câu chuyện một cuộc khủng hoảng gia đình ngày nay, một thiếu niên khó khăn và cha mẹ không hiểu nổi con. Chúng ta hãy dừng lại để xem gia đình này.

Đối thoại là yếu tố quan trọng

Chúng ta biết rằng Thánh Gia Nazareth là một mẫu gương, vì đó là một gia đình đối thoại, trao đổi với nhau. Đối thoại là yếu tố quan trọng nhất đối với một gia đình! Một gia đình không đả thông thì không thể là một gia đình hạnh phúc.

Thật là đẹp khi một bà mẹ không bắt đầu bằng lời khiển trách, nhưng bằng một câu hỏi. Mẹ Maria không cáo buộc và không phán xét, nhưng cố gắng tìm hiểu làm sao đón nhận người Con lạ thường, qua sự lắng nghe. Mặc dù có cố gắng đó, nhưng Tin mừng nói rằng Mẹ Maria và thánh Giuse “không hiểu điều mà người Con nói với họ” (v.50), chứng tỏ rằng trong gia đình lắng nghe thì quan trọng hơn là hiểu. Lắng nghe là coi trọng người khác, nhìn nhận quyền hiện hữu của người khác, và suy nghĩ độc lập. Các con cái cần điều đó.

Lúc ưu tiên để đối thoại là bữa ăn

Khoảnh khắc ưu tiên để đối thoại và lắng nghe trong gia đình là bữa ăn. Thật là đẹp khi ngồi bàn cùng nhau và nói chuyện. Điều này có thể giải quyết bao nhiêu vấn đề và nhất là liên kết các thế hệ: con cái nói với cha mẹ, các cháu nói với ông bà... đừng khép kín vào mình, hoặc tệ hơn nữa, với cái đầu cúi trên điện thoại di động. Nói chuyện, lắng nghe, đó là cuộc đối thoại mang lại ích lợi và làm tăng trưởng!

Gia đình của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse là gia đình thánh. Vậy mà chúng ta đã thấy rằng cả cha mẹ Chúa Giêsu cũng không luôn luôn hiểu Ngài. Chúng ta có thể suy tư về điều này, và không ngạc nhiên nếu đôi khi trong gia đình chúng ta xảy ra tình trạng không hiểu nhau. Khi chúng ta gặp như thế, thì hãy tự hỏi: chúng ta có lắng nghe nhau không? Chúng ta có đương đầu với các vấn đề bằng cách lắng nghe nhau hay là chúng ta khép kín mình, giận hờn, kiêu ngạo? Chúng ta có dành chút thời giờ để đối thoại hay không? Điều mà hôm nay chúng ta có thể học được từ Thánh Gia là lắng nghe nhau.

Chúng ta hãy phó thác mình cho Đức Trinh Nữ Maria và cầu xin cho các gia đình chúng ta được ơn lắng nghe nhau.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh cha đã chia buồn về tai nạn máy bay ở Hàn Quốc, gặp nạn khi đáp xuống sân bay làm cho 176 người thiệt mạng. Đức Thánh cha nói: “Tôi nghĩ đến nhiều thân nhân của các nạn nhân ở Hàn Quốc, đang khóc thương những người thân yêu tử nạn máy bay thê thảm. Tôi hiệp ý cầu cho những người sống sót”.

Đức Thánh cha cũng kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho các nạn nhân tại những nước có chiến tranh, như tại Ucraina, Myanmar, Israel và Palestine.

Sau hết, Đức Thánh cha cầu chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.