Kinh Truyền tin với Đức Thánh cha: Chỉ trong Thiên Chúa, chúng ta mới tìm thấy ánh sáng sự sống

Photo: Vatican Media

Trưa Chúa nhật, ngày 17 tháng Mười Hai năm 2023, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với hàng chục ngàn tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô. Hôm 17 tháng Mười Hai là sinh nhật thứ 87 của Đức Thánh cha, nên nhiều tín hữu mang theo những biểu ngữ với hàng chữ chúc mừng sinh nhật ngài. Nhiều em bé thuộc các giáo xứ ở Roma đã mang theo những tượng Chúa Hài Đồng nhỏ nhắn, để Đức Thánh cha làm phép, và sau đó đặt trong hang đá máng cỏ nơi gia đình. Trong phần chào thăm sau đọc kinh, Đức Thánh cha đặc biệt bày tỏ đau buồn vì hai mẹ con giáo dân ở giáo xứ Thánh Gia tại thành phố Gaza bị lính bắn tỉa của Israel bắn chết.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Huấn từ của Đức Thánh cha

Trong bài chia sẻ ngắn trước khi đọc kinh Truyền tin, Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, Chúa nhật thứ III Mùa Vọng, Tin mừng nói với chúng ta về sứ vụ của thánh Gioan Tẩy Giả (Xc Ga 1,6-8.9-28), trình bày thánh nhân như ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến “để làm chứng cho ánh sáng” (v.8). Chúng ta hãy suy tư về điều này: làm chứng ánh sáng.

Làm chứng. Thánh Gioan Tẩy Giả chắc chắn là một người ngoại thường. Dân chúng chạy đến để nghe thánh nhân. Họ bị thu hút về lối sống nhất quán và chân thành (Xc vv. 6-7). Chứng tá của thánh nhân biểu lộ qua ngôn ngữ thẳng thắn, lương thiện trong lối cư xử, khổ hạnh trong cuộc sống. Tất cả những điều đó làm cho ngài khác với những nhân vật nổi danh và quyền lực thời ấy, những người chú trọng nhiều đến cái vẻ bề ngoài.

Những người như thánh nhân, ngay chính, tự do và can đảm, là những nhân vật sáng ngời, thu hút: Họ kích thích chúng ta vươn lên khỏi sự tầm thường và đến lượt chúng ta trở thành những gương mẫu cuộc sống tốt lành cho tha nhân. Trong mỗi thời đại, Chúa gửi những người nam nữ như thế đến. Chúng ta có biết nhận ra họ hay không? Chúng ta có tìm cách học từ chứng tá của họ hay không? Chúng ta có thảo luận hay không? Hay chúng ta để cho mình bị mê hoặc vì những nhân vật hợp thời trang, và chúng ta có những thái độ hời hợt?

Trái lại, thánh Gioan sáng ngời vì ngài làm chứng cho ánh sáng. Nhưng đâu là ánh sáng của ngài? Chính thánh nhân trả lời cho chúng ta, khi ngài nói rõ với đám đông, chạy đến nghe ngài. Thánh nhân không phải là ánh sáng, không phải là Đức Messia (Xc vv.19-20). Ánh sáng là Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa, “Thiên Chúa cứu độ”. Chỉ có Chúa cứu chuộc, giải thoát, chữa lành và soi sáng. Vì thế, thánh Gioan là một “tiếng nói” dẫn anh chị em về Lời Chúa; phục vụ không tìm vinh dự và chỗ đứng thứ nhất: Ngài là ngọn đèn, trong khi ánh sáng là Chúa Kitô hằng sống (Xc vv. 26-27; Ga 5,35).

Anh chị em thân mến, gương của thánh Gioan Tẩy Giả dạy chúng ta ít là hai điều. Trước hết, tự mình chúng ta không thể cứu thoát: chỉ trong Thiên Chúa, chúng ta mới tìm được ánh sáng sự sống. Và thứ hai, mỗi người chúng ta, qua việc phục vụ, nhất quán, khiêm tốn, với chứng tá cuộc sống và luôn nhờ ơn Chúa, mới có thể là một ngọn đèn chiếu sáng và giúp tha nhân tìm ra con đường để gặp gỡ Chúa Giêsu.

Vậy, chúng ta hãy tự hỏi: Trong môi trường tôi sống, làm thế nào tôi có thể, không phải một ngày xa xăm, nhưng ngay trong dịp lễ Giáng sinh này, có thể là chứng nhân ánh sáng, chứng nhân của Chúa Kitô?

Lạy Mẹ Maria, là gương mẫu sự thánh thiện, xin giúp chúng con trở thành những người nam nữ phản ánh Chúa Giêsu, ánh sáng đến trong trần thế.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha lần lượt nhắc đến một số biến cố thời sự:

Trước tiên là lễ phong chân phước, hôm thứ Bảy, ngày 16 tháng Mười Hai vừa qua, tại Đền thánh Đức Mẹ Lujan, Argentina, cho Đức Hồng y Eduardo Pironio, người Argentina, Cố Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân. Người là một mục tử khiêm nhường, yêu thương và vui tươi, nhiệt thành, chứng nhân hy vọng và bênh vực những người nghèo.

Đức Thánh cha cũng nhắc đến hàng ngàn người di dân đi qua rừng Darién giữa Colombia và Panamá. Thường họ là những gia đình với con cái nhỏ, đi qua những con đường nguy hiểm. Họ bị lường gạt vì những lời hứa một con đường ngắn ngủi và chắc chắn. Họ bị ngược đãi và cướp bóc. Nhiều người bỏ mạng trong rừng già ấy. Cần có nỗ lực chung của các nước trực tiếp liên hệ và của cộng đồng quốc tế để tránh thảm kịch này diễn ra trong im lặng và để cùng nhau mang lại câu trả lời nhân đạo.

Đức Thánh cha kêu gọi đừng quên những anh chị em ở Ucraina, Palestine và Israel cũng như các vùng xung đột khác trên thế giới.

Và Đức Thánh cha nói thêm là vẫn tiếp tục nhận được những tức nghiêm trọng và đau thương từ Gaza. Những thường dân vô tội bị dội bom và bị bắn chết. Điều này thậm chí xảy ra trong khu vực giáo xứ Thánh Gia, nơi có những người dân không phải là kẻ khủng bố, nhưng là các gia đình, trẻ em, những người bệnh và người khuyết tật, các nữ tu. Một bà mẹ và con gái, bà Nahida Khalil Anton và con gái Samar Kamal Anton, đã bị giết và những người khác bị những tay bắn tỉa bắn chết, trong khi đi vệ sinh. Nhà của các nữ tu Mẹ Têrêsa bị trúng đạn vào máy phát điện. Có người nói: “đó là khủng bố, là chiến tranh”. Đúng vậy, đó là chiến tranh, là khủng bố. Vì thế, Kinh thánh quả quyết: “Thiên Chúa làm cho những chiến tranh chấm dứt. Hãy bẻ gãy các cung tên và bẻ gãy các giáo mác” (Tv 46,9). Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban hòa bình”.

Tags