Đức Thánh cha tiếp kiến chung: Chân phước José Gregorio Hernández, bác sĩ của người nghèo và là tông đồ hòa bình

Photo: Vatican Media

Sáng thứ Tư, ngày 13 tháng Chín năm 2023, có gần 20.000 tín hữu hành hương đến tham dự buổi Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha Phanxicô tại Quảng trường thánh Phêrô.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Thánh cha đi xe mui trần chào các tín hữu trước buổi tiếp kiến. Đặc biệt, trước thềm Đền thờ có một ca đoàn Hàn Quốc và một số thiếu nữ trong y phục truyền thống trình diễn một vũ điệu múa quạt để chào mừng Đức Thánh cha. Đoàn này thuộc số các tín hữu Hàn Quốc về Roma tham dự buổi làm phép tượng thánh linh mục Anrê Kim Đại Kiến (Kim Taegon), vị tử đạo đầu tiên của Hàn Quốc, sẽ được đặt tại một nơi bên ngoài Đền thờ thánh Phêrô, vào ngày thứ Bảy, 16 tháng Chín tới đây, cũng là lễ kính thánh nhân và các bạn tử đạo.

Đức Thánh cha tiến lên bục cao trên thềm Đền thờ để bắt đầu buổi tiếp kiến. Mở đầu là dấu thánh giá khai mạc, rồi một đoạn thư thứ I của thánh Phaolô gửi cho đồ đệ Timôthê (2,1-4) đã được đọc lên bằng tám ngôn ngữ:

“Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý”.

Bài huấn giáo

Trong phần huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về “sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu”. Bài thứ hai mươi này có tựa đề: “Chân phước José Gregorio Hernández Cisneros, bác sĩ người nghèo và tông đồ hòa bình”.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong các bài giáo lý, chúng ta tiếp tục gặp gỡ các chứng nhân Tin mừng. Hôm nay, chúng ta chuyển sang Mỹ châu Latinh, cụ thể là Venezuela, để biết về chân dung một giáo dân, chân phước José Gregorio Hernández Cisneros. Ông sinh năm 1864 và học hỏi đức tin, nhất là từ mẹ, như chính ông kể lại: “Mẹ tôi đã dạy tôi nhân đức tin ngay từ khi nằm nôi, đã làm cho tôi lớn lên trong sự hiểu biết về Thiên Chúa và đã cho tôi đức bác ái để dẫn đường”.

Lấy bác ái làm chỉ nam

Thực tế, đức bác ái là sao bắc đẩu hướng dẫn cuộc sống của chân phước José Gregorio: là người tốt lành và trong sáng, tính tình vui vẻ, có trí thông minh nổi bật, làm bác sĩ, giáo sư đại học và là nhà khoa học. Nhưng nhất là ông là một bác sĩ gần gũi với những người yếu thế nhất, đến độ được những người ở quê hương gọi là “bác sĩ của những người nghèo”. Ông ưa tìm kiếm sự phong phú của Tin mừng hơn là tiền bạc phong phú, dành cuộc sống để cứu giúp những người túng thiếu. Nơi những người nghèo, các bệnh nhân, di dân, người đau khổ, José Gregorio nhìn thấy Chúa Giêsu. Và sự thành công mà ông không hề tìm kiếm ở đời, nhưng ông đã và tiếp tục nhận được từ dân chúng. Họ gọi ông là “vị thánh của dân”, “tông đồ bác ái”, “thừa sai hy vọng”.

Đời sống nội tâm

José Gregorio là một người khiêm tốn, tử tế và sẵn sàng. Và đồng thời được một ngọn lửa nội tâm thúc đẩy, ước muốn sống phụng sự Thiên Chúa và tha nhân. Được lòng nhiệt thành ấy thúc đẩy, nhiều lần ông thử trở thành tu sĩ và linh mục, nhưng các vấn đề sức khỏe ngăn cản ông. Nhưng sức khỏe mong manh không làm cho ông khép kín nơi mình, nhưng trở thành một bác sĩ càng nhạy cảm đối với những nhu cầu của người khác; ông gắn bó với Chúa Quan Phòng, và được tôi luyện trong tâm hồn, ông đi tới điều thiết yếu hơn. Lòng nhiệt thành tông đồ của ông là: không chiều theo những khát vọng riêng của mình, nhưng luôn sẵn sàng đối với các ý định của Thiên Chúa. Và thế là chân phước hiểu rằng, qua việc săn sóc các bệnh nhân, ông thực hành thánh ý Chúa, cứu giúp những người đau khổ, mang lại hy vọng cho người nghèo, làm chứng về đức tin không phải bằng lời nói nhưng bằng gương lành. Và như thế, ông đi tới chỗ chấp nhận y khoa như một chức linh mục: “chức linh mục của sự khổ đau nhân trần” (M. Yaber, José Gregorio Hernández: Bác sĩ người nghèo, Tông đồ công bằng xã hội, thừa sai hy vọng, 2004, 107). Điều quan trọng là không thụ động chịu những gì xảy ra, nhưng như Kinh thánh dạy, làm mọi sự một cách vui lòng, để phụng sự Chúa (Xc Cl 3,32).

Nguồn sức mạnh của chân phước José Gregorio

Nhưng chúng ta hãy tự hỏi: từ đâu tất cả lòng nhiệt thành ấy đến với José Gregorio, tất cả sự hăng say ấy? Thưa, từ một xác tín và một sức mạnh. Xác tín là ơn thánh của Chúa. Ông viết rằng: “Nếu trong trần thế có những người tốt và người xấu, những người xấu vì chính họ trở thành xấu: nhưng những người tốt, họ tốt là nhờ sự giúp đỡ của Thiên Chúa” (27-5-1914). Ông cảm thấy cần ơn thánh trước, như người hành khất của Thiên Chúa. Vì vậy, tự nhiên ông chăm sóc những người hành khất trên đường và rất cần tình yêu mà ông mỗi ngày nhận lãnh nhưng không từ Chúa Giêsu. Và đó là sức mạnh mà ông kín múc: sống thân mật với Chúa. Ông là một người cầu nguyện: hằng ngày ông tham dự thánh lễ và đọc kinh Mân côi. Trong thánh lễ, ông liên kết với của lễ của Chúa Giêsu với tất cả những gì ông sống: mang những bệnh nhân và người nghèo mà ông giúp đỡ, những sinh viên của ông, những nghiên cứu ông thực hiện, các vấn đề ông bận tâm.

Hạnh phúc trong sự dâng hiến

Và khi tiếp xúc với Chúa Giêsu, Đấng hiến thân trên bàn thờ cho tất cả mọi người, José Gregorio cảm thấy được kêu gọi dâng hiến cuộc sống của mình cho hòa bình. Thực vậy, ông không thể giữ cho mình sự an bình mà ông được trong tâm hồn khi rước Chúa. Vì thế, ông muốn là “tông đồ hòa bình”, hiến mình cho hòa bình tại Âu châu: đó không phải là đại lục của ông, nhưng vì tại đó đang diễn ra Thế chiến thứ nhất. Và ngày 29 tháng Sáu năm 1919, một người bạn viếng thăm ông và ông thấy người ấy rất hạnh phúc. Thực vậy, José Gregorio được biết rằng hòa ước chấm dứt chiến tranh đã được ký kết. Sự dâng hiến của ông đã được đón nhận, và như thể ông đã cảm thấy trước rằng nghĩa vụ của ông trên trần thế đã chấm dứt. Sáng hôm đó, như thường lệ, ông tham dự thánh lễ và ông ra đường để mang thuốc cho một bệnh nhân. Nhưng trong lúc ông băng qua đường, thì gặp tai nạn giao thông. Được chở vào nhà thương, miệng ông kêu tên Mẹ Maria. Hành trình dương thế của ông kết thúc như thế, trên một con đường trong lúc thi hành một công việc bác ái, và trong một nhà thương, nơi ông đã biến công việc của mình thành một kiệt tác thiện hảo.

Áp dụng vào thực tế

Đức Thánh cha nhắn nhủ các tín hữu rằng: Anh chị em, đứng trước chứng nhân này, chúng ta tự hỏi: Trước Chúa Giêsu hiện diện nơi những người nghèo gần tôi, đứng trước người đang chịu đau khổ hơn trên thế giới, tôi phản ứng thế nào? Tôi có làm gì hay là chỉ là khách bàng quan? Chân phước José Gregorio cũng khích lệ chúng ta dấn thân trước những vấn đề lớn về xã hội, kinh tế và chính trị ngày nay. Bao nhiêu người nói về những điều đó, nói xấu, phê bình và nói rằng mọi sự đều không ổn. Nhưng Kitô hữu không được kêu gọi làm như thế, trái lại phải quan tâm và dấn thân: trước tiên như thánh Phaolô đã nói, hãy cầu nguyện (Xc 1 Tm 2,1-4), và quyết tâm không “ngồi lê đôi mách”, nhưng thăng tiến điều thiện, xây dựng hòa bình và công lý trong sự thật. Cả điều này cũng là lòng nhiệt thành tông đồ, là loan báo Tin mừng, và Mối Phúc thật Kitô giáo: “Phúc cho những người xây dựng hòa bình” (Mt 5,9).

Chào thăm và mời gọi

Bài huấn dụ trên đây được tóm tắt trong nhiều thứ tiếng cho các nhóm tín hữu thuộc các ngôn ngữ khác nhau, cùng với lời chào thăm và nhắn nhủ của Đức Thánh cha.

Khi chào bằng tiếng Pháp, Đức Thánh cha nhắc đến nhóm Liên đoàn quốc tế các Đại học Công giáo đến từ Canada. Ngài cầu mong rằng khi theo gương chân phước José Gregorio, chúng ta biết dấn thân phục vụ tha nhân.

Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nồng nhiệt chào thăm phái đoàn do Đức Tổng giám mục Adam Szak hướng dẫn, mang thánh tích của các chân phước mới Giuse và Wiktoria Ulma và bảy người con tử đạo. Ước gì gia đình các chân phước này, đối với anh chị em và các gia đình Ba Lan, là mẫu gương về lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu mà hôm nay, tôi làm phép để anh chị em rước đi hành hương trong Tổng giáo phận anh chị em.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt chào các nữ tu Nữ tỳ người nghèo và cầu mong Tổng tu nghị của các chị canh tân đà tiến tông đồ để phục vụ Tin mừng. Sau cùng, Đức Thánh cha nghĩ đến những người trẻ, người cao niên và các đôi tân hôn, đồng thời nhắc nhở rằng: “Ngày mai, chúng ta cử hành lễ suy tôn Thánh giá. Chúng ta đừng mệt mỏi trong việc trung thành với Thập giá Chúa Kitô, dấu chỉ tình thương và ơn cứu độ.”

Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình, đặc biệt là cho Ucraina đang chịu đau khổ, những khổ đau của dân nước này luôn hiện diện trong tâm trí chúng ta.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.