Đức Thánh cha tiếp Hội nghị Thế giới về tình Huynh đệ nhân loại
Sáng hôm 11 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến đông đảo các tham dự viên Hội nghị Thế giới về tình Huynh đệ nhân loại và ngài khích lệ mọi người tiếp tục cổ võ sự sống chung hòa bình trong nhân loại, qua việc thực thi sự cảm thông huynh đệ.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Hội nghị này do Quỹ “Fratelli tutti” tổ chức, với sự tham dự của nhiều người đến từ các nơi trên thế giới, trong đó có hàng chục nhân vật đã được Giải Nobel Hòa Bình. Quỹ này nhắm thăng các nguyên tắc được trình bày trong Thông điệp “Fratelli tutti” do Đức Thánh cha ban hành.
Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Trong một thế giới đang bị hỏa hoạn, anh chị em họp nhau ở đây để tái khẳng định lập trường chống lại chiến tranh và ủng hộ hòa bình, làm chứng về tình người liên kết và làm cho chúng ta nhìn nhận nhau là anh chị em, trong sự trao đổi cho nhau món quà là những văn hóa khác biệt”.
Trong chiều hướng này, Đức Thánh cha nhắc đến bài diễn văn thời danh của Mục sư Martin Luther King, ở Mỹ, khi nhận Giải Nobel Hòa Bình cách đây 60 năm (11-12-1964). Mục sư nói: “Chúng ta đã học bay như chim, bơi lội như cá, nhưng chúng ta chưa học nghệ thuật đơn giản sống chung với nhau như anh chị em”. Quả là như thế!
Đức Thánh cha đề nghị lấy lại thái độ chủ chốt đã được đề ra trong Thông điệp “Fratelli tutti”, đó là lòng cảm thương. Như được trình bày trong chương 10 của Tin mừng theo thánh Luca, kể lại dụ ngôn người Samaritano nhân lành cứu giúp người bị cướp đánh bị thương và bỏ mặc bên vệ đường. Ngài nói: [Chúng ta hãy nhìn người Do thái và người Samaritano], “Văn hóa của họ là thù nghịch với nhau, lịch sử của họ khác biệt và xung đột, nhưng người ta trở thành người anh em của tha nhân, trong lúc họ để cho mình được lòng cảm thương hướng dẫn, tâm tình mà họ cảm thấy đối với người bị thương. Chúng ta có thể nói người ấy đã để mình bị thu hút vì Chúa Giêsu hiện diện trong người xa lạ bị thương ấy. Cũng như một thi sĩ, trong một tác phẩm, đã kể lại thánh Phanxicô Assisi đã nói: “Chúa hiện diện tại nơi có những người anh em của Ngài” (E. Leclerc, La Sapienza di un povero).
Đức Thánh cha khích lệ sáng kiến của Hội nghị này, họp nhau vào ban chiều cùng ngày ở mười địa điểm trong khu vực Đền thờ thánh Phêrô, để đề ra một “Hiến chương về nhân bản” (Carta dell’umano), trong đó, ngoài các quyền, còn có cả những đường lối cư xử và những lý do thực hành những gì làm cho chúng ta có tình người hơn trong cuộc sống”. Đức Thánh cha nói: “Tôi mời gọi anh chị em đừng nản chí, vì “cuộc đối thoại kiên trì và can đảm không trở thành tin tức như những đụng độ và xung đột, nhưng nó trực tiếp giúp thế giới sống tốt đẹp hơn, nhiều hơn là những điều chúng ta có thể nhận thấy”.
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Chiến tranh là một sự lường gạt, cũng như ý tưởng về an ninh quốc tế, dựa trên chủ trương làm cho người ta nể sợ. Để bảo đảm một nền hòa bình lâu dài, cần tái nhìn nhận nhau trong tình người chung và đặt tình huynh đệ ở trung tâm cuộc sống của các dân tộc. Chỉ như thế, chúng ta mới phát triển được một kiểu mẫu sống chung có thể mang lại một tương lai cho gia đình nhân loại. Hòa bình chính trị cần hòa bình trong tâm hồn, kể cả những người gặp gỡ nhau trong niềm tín thác rằng sự sống luôn chiến thắng trên mọi hình thức chết chóc”.
Trong chiều hướng này, Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng nghèo đói là đại bất công trong thế giới ngày nay: sự giải thoát khỏi bất công sẽ thăng tiến tự do và phẩm giá con người, và điều cơ bản là bảo vệ công bằng xã hội, nhất là trong bối cảnh hiện nay, trong đó giá trị con người bị đe dọa nghiêm trọng vì xu hướng chỉ theo những tiêu chuẩn lợi lộc và sở hữu.
Đức Thánh cha đặc biệt lưu ý về công nghệ võ khí: năm ngoài, những chi tiêu cho võ khí lên tới 2.443 tỷ đô la, trong khi trợ giúp phát triển chỉ có 233 tỷ. “Chiến tranh tiếp tục lan tràn vì kỹ nghệ võ khí là ngành nâng đỡ kinh tế của nhiều nước”.
(Sala Stampa 11-5-2024; Vatican News 11-5-2024)