Đức Thánh cha Lêô XIV tiếp kiến Ngoại giao đoàn

Sáng ngày 16 tháng Năm năm 2025, Đức Thánh cha Lêô XIV đã tiếp kiến Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Ngài cổ võ xây dựng hòa bình, công lý và sự thật trong các tương quan quốc tế và xã hội cũng như bài trừ bất công, tôn trọng tự do tôn giáo.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đây là lần thứ hai trong năm nay, đại diện các nước cạnh Tòa Thánh được vị chủ chăn của Giáo hội Công giáo tiếp kiến: lần đầu là ngày 09 tháng Giêng vừa qua, nhân dịp đầu năm mới 2025.
Hiện nay, có 184 quốc gia và một số tổ chức quốc tế có tương quan với Tòa Thánh trên cấp đại sứ, cùng với đại diện của chính quyền Palestine. Ngoài ra, cũng có đại diện của Liên hiệp Âu châu và Hội Hiệp sĩ Malta. Trong số các vị hiện diện, có 92 vị đại sứ thường trú. Ngoài ra, các vị đại sứ khác từ các nhiệm sở ở Âu châu cũng đến Vatican, đặc biệt là để tham dự lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV. Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết sẽ có hơn 200 vị.
Mở đầu buổi tiếp kiến, Đại sứ cộng hòa Cipro cạnh Tòa Thánh, ông George Poulides, Niên trưởng đoàn ngoại giao, đã đại diện mọi người chúc mừng Đức tân Giáo hoàng.
Diễn văn của Đức Thánh cha Lêô
Trong buổi gặp gỡ, Đức Thánh cha Lêô XIV đã cảm ơn tất cả các vị đại sứ về những lời chúc mừng, dưới nhiều hình thức, gửi đến ngài sau cuộc bầu chọn ngày 08 tháng Năm vừa qua, cũng như những điện tín, lời nhắn chia buồn vì sự qua đời của Đức Giáo hoàng Phanxicô, kể cả từ các nước không có mối tương quan ngoại giao với Tòa Thánh. Đức Thánh cha nói: “Đó là một bằng chứng quan trọng về sự quý chuộng, khích lệ đào sâu các tương quan với nhau.”
Đức Thánh cha cũng giải thích rằng: Trong hoạt động ngoại giao, Tòa Thánh được linh hoạt do sự cấp thiết về mục vụ thúc đẩy Tòa Thánh không tìm kiếm đặc ân, nhưng tăng cường sứ mạng Tin mừng phục vụ nhân loại. Tòa Thánh bài trừ mọi sự dửng dưng, đồng thời liên tục nhắc nhở các lương tâm hãy luôn quan tâm đến tiếng kêu của người nghèo, người túng thiếu và những người bị gạt ra ngoài lề, cũng như những thách đố nổi bật trong thời nay, từ việc bảo tồn môi trường cho đến trí tuệ nhân tạo, như vị tiền nhiệm đáng kính của tôi vẫn làm.
Đức Thánh cha Lêô XIV cũng nói rằng: “Qua hoạt động liên lỉ và kiên trì của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tôi muốn củng cố sự quen biết và đối thoại với quý vị và các đất nước của quý vị, nhiều nước trong đó tôi đã được ơn viếng thăm trong đời tôi, đặc biệt khi tôi làm Bề trên Tổng quyền Dòng thánh Augustinô...” Và Đức Thánh cha cho biết ngài “hy vọng được Chúa Quan Phòng ban cho nhiều dịp được gặp gỡ các thực tại đất nước của các vị đại sứ, để củng cố các anh chị em trong đức tin rải rác trên thế giới và bắc những nhịp cầu mới với tất cả mọi người thiện chí”.
Ba cụm từ chủ yếu
Tiếp đến, Đức Thánh cha đề cập đến ba cụm từ chủ yếu, là cột trụ hoạt động thừa sai và ngoại giao của Tòa Thánh, đó là hòa bình, công lý và chân lý.
Trước tiên là Hòa bình. Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Quá nhiều khi chúng ta coi hòa bình như một từ “tiêu cực”, nghĩa là hòa bình chỉ là vắng bóng chiến tranh và xung đột, vì sự đối nghịch là thành phần của bản tính con người và luôn đồng hành với chúng ta, rất tiếc quá nhiều khi nó thúc đẩy chúng ta sống trong ‘tình trạng xung đột’ trong gia đình, trong xã hội. Vì thế, hòa bình dường như chỉ là một sự đình chiến, một lúc nghỉ ngơi giữa cuộc tranh chấp này đến tranh chấp khác, vì khi ta cố gắng, những căng thẳng luôn hiện diện, giống như than hồng dưới đống tro, sẵn sàng bùng lên trong mọi lúc”.
Nhưng “Trong viễn tượng Kitô giáo - cũng như trong các kinh nghiệm tôn giáo khác - hòa bình trước tiên là một hồng ân: ơn đầu tiên của Chúa Kitô: “Thầy ban cho các con bình an của Thầy” (Ga 14,27). Đó là một hồng ân tích cực, đòi sự can dự, quan tâm và dấn thân của mỗi người chúng ta... Hòa bình được xây dựng trong tâm hồn và từ tâm hồn, bằng cách loại bỏ kiêu ngạo và báo thù, bằng sự thận trọng ngôn ngữ vì ta có thể làm thương tổn và giết người kể cả bằng lời nói chứ không phải chỉ bằng võ khí”.
Trong chiều hướng đó, Đức Thánh cha đề cao “tầm quan trọng của các tôn giáo và đối thoại liên tôn trong việc tạo điều kiện cho những bối cảnh hòa bình. Và điều này dĩ nhiên đòi phải hoàn toàn tôn trọng tự do tôn giáo tại mỗi nước, vì kinh nghiệm tôn giáo là một chiều kích cơ bản của con người. Khi bỏ qua chiều kích này thì thật là khó, nếu không muốn nói là không có thể thực hiện sự thanh tẩy tâm hồn, vốn là điều cần thiết để xây dựng những tương quan hòa bình”.
Điểm thứ hai được Đức Thánh cha Lêô XIV nói đến là Công lý: “Theo đuổi hòa bình đòi phải thực thi công lý”.
Đức Thánh cha nói: “Về vấn đề này, Tòa Thánh không thể miễn chuẩn cho mình không lên tiếng trước nhiều chênh lệch và bất công đang đưa tới những hoàn cảnh không xứng đáng về lao động và làm cho xã hội ngày càng bị phân hóa và xung đột. Ngoài ra, cần hoạt động để khắc phục những chênh lệch trên thế giới, nơi mà giàu sang và nghèo đói đang tạo nên những hố sâu ngăn cách giữa các đại lục, quốc gia và giữa lòng mỗi xã hội”.
Đức Thánh cha kêu gọi các chính quyền hữu trách nỗ lực xây dựng những xã hội dân sự hòa hợp và an bình. Điều này có thể thực hiện trước tiên bằng cách đầu tư vào gia đình, được xây dựng trên sự kết hợp bền vững giữa người nam và người nữ, bảo vệ phẩm giá mỗi người, đặc biệt những người dễ bị tổn thương và yếu ớt nhất, từ những người sẽ sinh ra cho đến người già, từ người bệnh đến người thất nghiệp, dù là công dân hay người nhập cư.”
Sau cùng là Chân lý. Đức Thánh cha nói: “Không thể kiến tạo những tương quan hòa bình thực sự, kể cả giữa lòng cộng đồng quốc tế, nếu không có sự thật. Nơi nào từ ngữ mang hàm ý mơ hồ và mang hai nghĩa, thế giới tiềm thể, với nhận thức thay đổi về thực tại, chiếm ưu thế không được kiểm soát, thì việc xây dựng quan hệ chân thực trở nên khó khăn, vì thiếu những tiền đề khách quan và thực tế của sự giao tiếp”.
(Sala Stampa 16-5-2025)
Trực tiếp
