Đức Thánh cha hy vọng về tình hình Việt Nam

Photo: Vatican Media

Trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Mông Cổ trở về Roma, chiều ngày 04 tháng Chín vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô cũng đã trả lời một câu hỏi liên quan đến Việt Nam.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Ký giả Gerard O'Connell thuộc tạp chí America của Dòng Tên ở Mỹ hỏi Đức Thánh cha:

“Các tương quan giữa Việt Nam và Tòa Thánh rất tích cực trong lúc này, đã có một bước tiến đáng kể gần đây. Nhiều tín hữu Công giáo Việt Nam xin Đức Thánh cha đến thăm họ, như đã làm tại Mông Cổ. Giờ đây, có khả thể viếng thăm Việt Nam, có một lời mời của chính phủ hay không? Và đâu là những chuyến viếng thăm khác Đức Thánh cha có trong chương trình?

Đức Thánh cha đáp: “Việt Nam là một trong những kinh nghiệm đối thoại rất đẹp mà Giáo hội thực hiện trong thời gian gần đây. Tôi có thể nói là như thể có một thiện cảm trong đối thoại. Cả hai bên đã có thiện chí hiểu nhau và tìm kiếm những con đường để tiến bước; đã có những vấn đề, nhưng tại Việt Nam, tôi tin rằng trước sau gì các vấn đề cũng sẽ được khắc phục. Cách đây ít lâu với Chủ tịch nước Việt Nam, chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện tự do. Tôi rất tích cực về những quan hệ với Việt Nam, từ nhiều năm nay họ đang thực hiện một công việc tốt. Tôi nhớ cách đây bốn năm, một nhóm Đại biểu Quốc hội Việt Nam đã đến viếng thăm Tòa Thánh: một cuộc đối thoại thật đẹp với họ, rất tôn trọng. Khi một văn hóa mở ra, thì có thể có đối thoại, nếu có khép kín hoặc ngờ vực, thì cuộc đối thoại rất khó khăn. Với Việt Nam, cuộc đối thoại được mở ra, tuy với những thăng trầm, nhưng đã được mở ra và từ từ tiến bước.

Về cuộc viếng thăm tại Việt Nam, nếu tôi không đi, thì chắc chắn Đức Giáo hoàng Gioan XXIV sẽ đi. Và chắc chắn là sẽ có, vì đó mà một lãnh thổ đang tiến bước, mà tôi có thiện cảm. Về các cuộc tông du khác, thì có chuyến đi tại Marseille, rồi có cuộc viếng thăm tại một nước nhỏ ở Âu châu và chúng tôi đang xem có thể thực hiện được hay không, nhưng tôi nói thật, đối với tôi bây giờ, du hành không còn dễ dàng như ban đầu, có những giới hạn trong việc đi lại và điều này hạn chế, nhưng chúng tôi sẽ cứu xét xem”.