Đức Thánh cha gặp gỡ chính quyền Papua New Guinea
Trong cuộc gặp gỡ chính quyền Papua New Guinea, sáng thứ Bảy, ngày 07 tháng Chín vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã kêu gọi chấm dứt nạn bạo lực, xung đột bộ tộc, dấn thân cho công ích và phát triển lâu bền, cũng như thực thi công lý và tôn trọng phụ nữ.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Sau khi nghỉ đêm vào ngày 06 tháng Chín tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea, sáng thứ Bảy, ngày 07 tháng Chín, lúc gần 10 giờ, Đức Thánh cha đã đến thăm vị Toàn quyền của Papua New Guinea là Sir Bob Bofeng Dadae tại tòa nhà chính phủ và hội kiến với ông, trước khi đến trung tâm hội nghị của thành phố để gặp gỡ các giới chức chính quyền và đại diện các tầng lớp xã hội cũng như ngoại giao đoàn và lúc 10 giờ 30 sáng.
Trung tâm hội nghị này, gọi là APEC vì được kiến thiết để đón tiếp Hội nghị Thượng đỉnh APEC về cộng tác Á châu-Thái Bình Dương, hồi tháng Mười Một năm 2018 tại đây. Trung tâm có hình con sò và được xây dựng trong gần mười hai tháng, theo những tiêu chuẩn cao nhất. 300 người đã tham dự cuộc gặp gỡ với Đức Thánh cha.
Diễn văn của ông Toàn quyền
Trong diễn văn chào mừng Đức Thánh cha, vị Toàn quyền của Papua New Guinea, ông Bob Bofeng Dadae nhắc đến dân chúng tại các đảo ở Thái Bình Dương tiếp tục lo âu vì mực đại dương tiếp tục dâng cao, đe dọa làm cho nhiều hải đảo biến mất. Ông hy vọng Giáo hội Công giáo sẽ nâng đỡ bằng lời cầu nguyện cũng như những trợ giúp cụ thể để có những biện pháp hoàn cầu đối phó với những đe dọa đó. Ông cũng nhắc đến nạn bạo lực tại đất nước Papua New Guinea và nhân cơ hội này, ông kêu gọi dân chúng toàn quốc hãy tôn trọng các giá trị luân lý cũng như các nguyên tắc luân lý đạo đức, là những đặc tính của các tín hữu Kitô.
Ông toàn quyền ca ngợi Giáo hội Công giáo như “một trong những đối tác quan trọng nhất của chính phủ trong lãnh vực phát triển, cung cấp các dịch vụ cho dân chúng tại đất nước này. Đồng thời, ông cho biết chính phủ Papua New Guinea tài trợ các hoạt động của Giáo hội dành cho các trẻ em và các cộng đoàn, về giáo dục, sức khỏe và chăm sóc tinh thần. Đặc biệt, ông cũng đề cao sự dấn thân của Giáo hội dành cho những người ở ngoài lề xã hội. Ví dụ, chống lại nạn bạo lực và những vi phạm nhân quyền tại đất nước này. Sau cùng, ông nhắc lại với lòng biết ơn hai cuộc viếng thăm của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại Papua New Guinea.
Diễn văn của Đức Thánh cha
Trong diễn văn tại cuộc gặp gỡ, Đức Thánh cha đề cao đất nước Papua New Guinea phong phú về các tài nguyên thiên nhiên và nhận định rằng những phong phú này, cả những nguồn tài nguyên ở biển, theo ý định của Thiên Chúa là để mưu ích cho toàn thể xã hội. Tiếp đến, sự khác biệt về môi sinh và văn hóa làm cho các chính phủ và các công dân có trách nhiệm thực hiện và bảo đảm một sự phát triển lâu bền và tốt đẹp để mưu cầu an sinh cho tất cả mọi người, không phân biệt ai. Dân chúng phải được để ý tới một cách thích hợp, trong việc phân phối cho các tổ hợp quốc tế khai thác các tài nguyên. Cần có những biện pháp tốt đẹp hơn về việc bảo vệ và săn sóc sức khỏe cũng như những điều kiện làm việc nhân bản hơn.
Đức Thánh cha cho biết ngài cũng có ấn tượng rất mạnh về sự khác biệt ở Papua New Guinea, với hàng trăm hải đảo và hơn 800 ngôn ngữ thuộc các bộ tộc khác nhau. Đức Thánh cha nói: “Tôi đặc biệt hy vọng nạn bạo lực giữa các bộ tộc sẽ chấm dứt. Rất tiếc những xung đột đã làm cho nhiều người chết, khiến cho cuộc sống chung hòa bình không thể tiến hành được và ngăn cản sự phát triển. Vì thế, tôi kêu gọi tinh thần trách nhiệm của mỗi người để cái vòng bạo lực bị phá vỡ, thay vào đó là sự quyết liệt đi vào con đường dẫn đến sự cộng tác phong phú mưu ích cho toàn dân trong nước”.
Đức Thánh cha cũng kêu gọi làm sáng tỏ tình trạng của đảo Bougainville, đang tranh đấu đòi độc lập, cũng như ngăn ngừa những căng thẳng trong quá khứ khỏi tái bùng lên.
Trong diễn văn, Đức Thánh cha nhắc đến khẩu hiệu chuyến viếng thăm của ngài tại Papua New Guinea là “cầu nguyện. Một dân tộc cầu nguyện thì có tương lai, vì kín múc sức mạnh và hy vọng từ trên cao”. Hình con chim trên thánh giá trong huy hiệu cuộc viếng thăm của ngài tại Papua New Guinea là một biểu tượng cho thấy rằng “Tự do là điều mà không điều gì hoặc ai có thể hủy bỏ, vì đó là một tự do nội tâm và được sự bảo vệ của Thiên Chúa, Đấng là tình thương và muốn cho các con cái của Ngài được tự do”.
Đức Thánh cha cũng khích lệ các tín hữu Kitô, vốn chiếm 95% dân tại Papua New Guinea, hãy làm việc cho công ích cùng với các tổ chức công quyền và những người thuộc các tôn giáo khác. Đức tin có thể giúp xã hội tăng trưởng và tìm ra những giải pháp tốt đẹp và hữu hiệu đối với các thách đố lớn: nạn nghèo đói lan tràn trong nước, tỷ lệ mù chữ cao, nạn tham nhũng và tội phạm. Thủ đô Moresby bị coi là một trong những thành phố thiếu an ninh nhất trên thế giới.
Tôn trọng phụ nữ
Trong diễn văn, Đức Thánh cha cũng kêu gọi có sự tôn trọng hơn đối với các phụ nữ tại Papua New Guinea, và nói: xin đừng quên rằng chính các phụ nữ kéo đất nước tiến bước. Phụ nữ mang lại sự sống, xây dựng đất nước. Họ đi tiên phong trong việc phát triển con người.”
Tại Papua New Guinea, với hơn 10 triệu dân, phụ nữ còn chịu đau khổ vì các cơ cấu phụ hệ và nạn bạo hành, cũng như kỳ thị. Con số các vụ hiếp dâm đang gia tăng. Một số lớn là nạn nhân nạn phù thủy còn thịnh hành cũng như nạn cưỡng bách kết hôn.