Đức Thánh cha gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo Mông Cổ
Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi các tôn giáo cổ võ và xây dựng sự hòa hợp trong xã hội, cộng tác với nhau để mưu thiện ích cho nhân loại, giúp con người đừng quên chiều kích siêu việt, đồng thời ngài bày tỏ quyết tâm của Giáo hội Công giáo dấn thân đối thoại đại kết và liên tôn.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo, sáng Chúa nhật, ngày 03 tháng Chín vừa qua, tại thủ đô Ulanbator của Mông Cổ.
Cuộc gặp gỡ diễn ra tại Nhà hát Hun, cách tòa Phủ doãn Tông tòa gần 15 cây số và có hình dáng của một nhà lều Ger, hình tròn, theo truyền thống của Mông Cổ. Nhà hát tọa lạc tại một trong những khu trượt tuyết lớn nhất tại nước này, trên núi Bogd Khan Uul, cao 2.262 mét nhìn xuống thành Ulanbator.
Khi Đức Thánh cha đến nơi vào lúc 10 giờ sáng, bên trong Nhà hát đã có hơn 10 vị lãnh đạo các tôn giáo trên sân khấu và hàng trăm các chức sắc tôn giáo, trong đó có gần 10 vị hồng y, giám mục trong đoàn tùy tùng và Đức cha Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Trung Á chờ sẵn.
Mở đầu, Hòa thượng Tăng thống Phật giáo Mông Cổ, cũng là vị trụ trì Chùa Gandan Tegchenlin, đã ngỏ lời chào mừng Đức Thánh cha, và nhận định rằng mặc dù các tôn giáo chính trên thế giới có những khác biệt về triết lý và vụ trụ quan khác nhau, nhưng chúng ta đều cầu nguyện và hoạt động cho một mục đích chung là an sinh của nhân loại. Ngài cũng nói đến những tiến bộ kỹ thuật ở mức độ ngoại thường, nhưng cũng có nguy cơ nhiều người đánh mất các giá trị nội tâm quan trọng, như lòng nhân ái, từ bi, luân lý, bao dung, tha thứ và đạo lý về nghiệp báo, karma. Vì thế, các đối tượng và hoạt động của tất cả các tôn giáo truyền thống phải nhắm làm đầy tâm trí các tín hữu những giá trị nội tâm, để góp phần kiến tạo một xã hội nhân bản và cảm thương.
Hòa Thượng thủ lãnh Phật giáo Mông Cổ cũng nhắc lại rằng tổ tiên nước này đã đón nhận Phật giáo từ thời Hoàng đế Xiongnu, thế kỷ thứ II và thứ I trước Chúa Kitô. Tuy có những thăng trầm trong lich sử, các tiền nhân đã đón nhận Phật giáo như một bộ luật luân lý để giảm bớt những bấp bênh trong các xã hội chúng tôi trước đây, soi sáng cho con người với các kiến thức của mình. Đàng khác, Phật giáo đã giữ một vai trò quan trọng trong sự độc lập tinh thần là nền tảng đích thực của nền độc lập quốc gia”.
Tiếp lời, Hòa thượng Tăng thống Phật giáo Mông Cổ, 10 vị lãnh đạo các tôn giáo khác, như Ấn giáo, Thần đạo Nhật Bản, Hồi giáo, đạo Bahai, Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm, Do thái, đạo Mormon, Liên hiệp Tin lành Mông Cổ, và Cộng đoàn Do thái giáo, lần lượt phát biểu. Sau cùng đến lượt Đức Thánh cha.
Diễn từ của Đức Thánh cha
Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Nguyên sự kiện chúng ta ở với nhau trong cùng một nơi đã là một sứ điệp rồi: các truyền thống tôn giáo, với những đặc tính riêng và những khác biệt, là một tiềm năng mạnh mẽ của sự thiện, phục vụ xã hội. Nếu những người có trách nhiệm đối với các dân nước cũng chọn con đường gặp gỡ và đối thoại với người khác, thì sẽ góp phần một cách quyết định vào sự chấm dứt các xung đột tiếp tục mang lại đau khổ cho bao nhiêu dân tộc”.
Cổ võ hòa hợp
Đức Thánh cha cũng ca ngợi truyền thống của dân tộc Mông Cổ vốn tôn trọng sự sống chung giữa các vị lãnh đạo các truyền thống tôn giáo khác nhau. Ngài nói: “Thật là đẹp khi nhớ lại kinh nghiệm hùng hồn về cố đô Kharakorum của Mông Cổ, tại đó có những nơi thờ phượng thuộc các tín ngưỡng khác nhau, điều ấy chứng tỏ một sự hòa hợp đáng ca ngợi. Sự hòa hợp là tương quan đặc biệt được kiến tạo giữa các thực tại khác nhau, không chồng chéo lên nhau và không đồng nhất hóa chúng. Trái lại, trong sự tôn trọng những khác biệt và mang lại lợi ích cho sự sống chung. Tôi tự hỏi: nếu không phải là các tín hữu được kêu gọi làm việc cho sự hòa hợp của tất cả mọi người?”
Về tầm quan trọng của sự hòa hợp, Đức Thánh cha khẳng định rằng “giá trị xã hội lòng đạo đức của chúng ta được đo lường tùy theo chúng ta thành công bao nhiêu trong sự hòa hợp với những người lữ hành khác trên mặt đất và cũng tùy theo chúng ta thành công thế nào trong sự phổ biến hòa hợp tại nơi chúng ta đang sống. Thực vậy, mỗi sự sống con người, và hơn nữa, mỗi tôn giáo, phải tự đo lường mình, dựa trên căn bản vị tha: không phải thứ vị tha trừu tượng, nhưng cụ thể, được biểu lộ trong việc tìm kiếm tha nhân và trong sự quảng đại cộng tác với người khác, vì “Người khôn ngoan vui mừng bố thí, vì chỉ như thế họ được hạnh phúc” (Kinh Pháp cú, 177, Dhammapada). Một kinh nguyện lấy hứng từ thánh Phanxicô Assisi nói rằng: “Nơi nào có oán thù, con mang đến tình thương, nơi nào có xúc phạm, con mang lại tha thứ, nơi nào có bất thuận, con mang đến hòa hợp”.
Các đặc tính của hòa hợp
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Hòa hợp có lẽ đồng nghĩa hơn với vẻ đẹp. Trái lại, sự khép kín, đơn phương áp đặt, cực đoan, cưỡng bách ý thức hệ làm hư hỏng tình huynh đệ, nuôi dưỡng căng thẳng và làm thương tổn hòa bình. Vẻ đẹp của cuộc sống là hoa trái của sự hòa hợp: nó có tính cách cộng đồng, tăng trưởng với sự tử tế, lắng nghe và khiêm tốn... Các tôn giáo được kêu gọi cống hiến cho thế giới sự hòa hợp ấy mà sự tiến bộ kỹ thuật tự mình không thể mang lại, vì tiến bộ ấy chỉ nhắm chiều kích trần thế, chiều ngang, của con người, có nguy cơ quên trời cao mục tiêu của chúng ta. Anh chị em, ngày hôm nay chúng ta cùng nhau ở đây như những người thừa kế khiêm hạ của các trường phái khôn ngoan cổ kính. Gặp nhau, chúng ta quyết tâm chia sẻ bao nhiêu thiện hảo chúng ta đã nhận, để làm cho nhân loại được phong phú, nhân loại thường bị mất hướng đi trên hành trình vì những tìm kiếm lợi lộc và an sinh thiển cận. Nhân loại thường không có khả năng tìm được hướng đi: chỉ hướng tới những lợi lộc trần thế, rốt cuộc làm hư hại chính trái đất, lẫn lộn tiến bộ với thoái hóa, như bao nhiêu bất công, bao nhiêu xung đột, bao nhiêu tàn phá môi trường, bao nhiêu bách hại, bao nhiêu loại bỏ sự sống con người”.
Theo nghĩa đó, Á châu có thể cống hiến rất nhiều và Mông Cổ, ở trung tâm đại lục này, bảo tồn một gia sản lớn về khôn ngoan, mà các tôn giáo ở đại lục này đã góp phần tạo nên và tôi muốn mời gọi tất cả mọi người khám phá và đề cao giá trị.
10 khía cạnh của gia sản khôn Ngoan
Và Đức Thánh cha nhắc đến 10 khía cạnh của gia sản khôn ngoan vừa nói, trong đó có tương quan tốt với truyền thống, mặc dù có những quyến rũ của trào lưu duy tiêu thụ; tôn trọng người già và các tiền nhân, ngày nay chúng ta đang cần một liên minh giữa các thế hệ già trẻ, chăm sóc môi trường, căn nhà chung của chúng ta, giá trị của thinh lặng và đời sống nội tâm, là linh dược chống lại bao nhiêu tai ương của thế giới hiện nay. Vì thế, một ý thức lành mạnh về sự thanh đạm; giá trị của tiếp đón, khả năng chống lại sự quyến luyến của cải; tình liên đới nảy sinh từ nền văn hóa các quan hệ giữa con người, và quí chuộng sự đơn sơ. Sau cùng, tinh thần thực tiễn trong cuộc sống, kiên trì tìm kiếm thiện ích của mỗi người và của cộng đoàn. Đó là vài yếu tố trong gia sản khôn ngoan mà đất nước này có thể cống hiến cho thế giới.
Tinh thần hiếu khách, siêu việt
Đức Thánh cha cũng đề cao tinh thần hiếu khách truyền thống của dân Mông Cổ, được biểu lộ qua nhà lều Ger với nhiều ý nghĩa. Đặc biệt là sự sống chung của con người được thể hiện trong không gian hình tròn ấy, liên tục gợi lên ơn gọi chiều dọc, siêu việt và tinh thần.
Ngài cũng nhắc đến trách nhiệm to lớn của các vị lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt trong thời điểm hiện nay của lịch sử, vì lối cư xử của chúng ta được kêu gọi củng cố trong cụ thể các giáo huấn mà chúng ta tuyên xưng; không thể nói trái ngược, trở thành gương xấu. Vì thế, không có sự lẫn lộn giữa tín ngưỡng và bạo lực, giữa thánh thiện và áp đặt, giữa hành trình tôn giáo và phe phái.
Quyết tâm của Công giáo
Sau cùng, Đức Thánh cha khẳng định rằng: Giáo hội Công giáo muốn tiến bước như thế, mạnh mẽ tin tưởng nơi cuộc đối thoại đại kết, liên tôn và văn hóa. Niềm tin của Giáo hội dựa trên cuộc đối thoại trường kỳ giữa Thiên Chúa và nhân loại, nhập thể nơi con người của Chúa Giêsu Kitô. Giáo hội cống hiến cho mỗi người và mỗi văn hóa những gì đã nhận được, luôn ở trong thái độ cởi mở và lắng nghe những gì các truyền thống tôn giáo khác cống hiến. Đối thoại không phải là điều trái ngược với loan báo: không san bằng các khác biệt, nhưng giúp hiểu và bảo tồn chúng trong nguyên bản để đối chiếu hầu đạt tới một sự phong phú chân thực cho nhau.”
Cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn giữa Đức Thánh cha và các vị lãnh đạo tôn giáo Mông Cổ kéo dài một giờ rưỡi đồng hồ, và kết thúc lúc quá 11 giờ. Đức Thánh cha trở về Tòa Phủ doãn để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.